Hiện tại, căn hộ chung cư tại các quận, huyện ven TP HCM không còn duy trì được vùng giá một tỉ đồng bởi lẽ các chung cư có chi phí đầu vào quá cao. Những căn hộ chung cư cỡ nhỏ cũng được chào bán từ 1,5 đến 1,7 tỉ đồng giá này đã tăng từ 50-70% so với 5 năm trước đây.
Theo thống kê từ các trang buôn bán bất động sản, trong 9 tháng đầu năm, các dự án nhà ở mới được chào ra thị trường tại 3 trục đô thị phía Đông, Nam và Tây TP HCM đều vọt lên ngưỡng trên 30 triệu đồng mỗi m2. Thậm chí, có dự án còn tiệm cận vùng giá 40 triệu đồng mỗi m2.
Điều này dẫn đến thực trạng hàng căn hộ bình dân tại TP HCM ngày càng đội giá cao hơn trước. Giá bán các căn hộ loại nhỏ nhất dự án, rộng 45-50 m2 bắt đầu nhảy lên vùng giá phổ biến 1,5-1,7 tỉ đồng một căn. Thậm chí, có dự án chạm ngưỡng 2 tỉ đồng, dù chỉ là dự án tọa lạc ở quận, huyện rìa ngoại thành Sài Gòn.
Anh Lương Văn Phúc (SN 1989, tạm trú tại Gò Vấp) cho biết, 5 năm trước với mức tiết kiệm khoảng 8 triệu/tháng sau khi trừ chi phí sinh hoạt của gia đình mình anh dự tính năm nay sẽ mua chung cư trả góp ở ngoại thành. Thế nhưng, bây giờ khi có vài trăm triệu trong anh cũng chưa dám mua nhà vì giá cả đã leo thang quá mức tài chính gia đình anh có thể chi trả. Và với tốc độ tăng giá như hiện nay, kể cả dịch Covid-19 có làm chậm đà tăng thì cũng không dám chắc 5 năm tới, giấc mơ an cư của vợ chồng anh Phúc sẽ thành hiện thực.
Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đã từng công bố báo cáo đánh giá thị trường bất động sản giai đoạn 2016-2020 với cảnh báo sự lệch pha cung cầu giữa phân khúc nhà ở cao cấp và bình dân ngày càng lớn. 3 năm trở lại đây, căn hộ bình dân chiếm tỷ lệ 21,81% rất thấp trong tổng số nhà ở dự án. Căn hộ trung- cao cấp chiếm tỷ lệ 78,19% trong tổng số nhà ở dự án.
HoREA khuyến cáo, sự lệch pha cung cầu này đang khiến áp lực nhà ở tại TP HCM ngày càng khốc liệt đối với người dân đô thị, đặc biệt là nhóm người trẻ, có thu nhập khiêm tốn hoặc đối tượng xếp ở nhóm dưới của tầng lớp trung lưu.
Ông Phạm Lâm, Chủ tịch DKRA Vietnam từng chỉ ra, nếu lấy mức thu nhập của người trẻ khoảng 20 triệu đồng một tháng làm mốc thì giá nhà đất đã tăng gấp 4-5 lần thu nhập hàng năm. Như vậy, ngay cả người trẻ với mức lương ở mức khá cũng chỉ có thể mua nhà một tỉ đồng.
Song bất cập lớn nhất hiện nay là TP HCM không còn căn hộ giá 1 tỉ để phục vụ nhu cầu nhóm đối tượng này. Các dự án chung cư chào bán phổ biến trên thị trường trong vài quý gần đây thấp nhất cũng ở ngưỡng trên dưới 30 triệu đồng/m2.
Ông Lâm cho biết, năm 2016 nguồn cung căn hộ hạng C (chung cư bình dân, giá rẻ) chiếm 30% thì đến năm 2018 còn 17-19%. Đến năm 2019 dường như dòng sản phẩm này cạn kiệt, và câu chuyện về nhà giá bình dân càng “đi vào dĩ vãng” trong năm 2020.
Điều này đặt ra thách thức lớn đối với người dân muốn tìm mua nhà giá rẻ. Thậm chí bài toán đặt ra với người chỉ có dòng tiền một tỉ đồng là dịch chuyển ra khỏi địa bàn TP HCM, chấp nhận bán kính từ nhà đến chỗ làm xa hơn trước để tìm được nơi an cư hợp túi tiền.