Nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách y tế năm 2011 cho thấy, bệnh tật và tử vong sớm do sử dụng thuốc lá chiếm 12% tổng gánh nặng bệnh tật tại Việt Nam.
Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá do Tổng cục Thống kê phối hợp với WHO thực hiện cho thấy, năm 2015, ở người trưởng thành tại Việt Nam, số tiền người dân Việt Nam chi mua thuốc lá là 31 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm 5 nhóm bệnh trong số 25 bệnh do sử dụng thuốc lá gây ra ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa - hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ là hơn 23 nghìn tỷ đồng/năm.
PGS.TS BS Vũ Văn Giáp, Trung tâm Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai cho hay: tác hại của khói thuốc lá không phải là những gì ta nhìn thấy được. Với hơn 7.000 chất hóa học, trong đó có 69 chất là tác nhân gây ung thư, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân của hơn 25 căn bệnh nguy hiểm như: ung thư phổi, ung thư miệng, ung thư thanh quản, bệnh tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… cho cả người hút và những người không hút nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc thụ động.
Ngày Thế giới không hút thuốc lá năm nay được WHO lựa chọn với chủ đề “Sử dụng thuốc lá – mối đe dọa sự phát triển bền vững của các quốc gia”. Thông qua chủ đề này, WHO đề cập tới những tổn thất về sức khỏe và kinh tế, những tác động tiêu cực tới mục tiêu phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu cũng như của từng quốc gia do việc sử dụng thuốc lá gây ra. WHO kêu gọi các quốc gia ưu tiên thúc đẩy các hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá, lồng ghép hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá trong các chương trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, đồng thời khuyến khích sự tham gia rộng rãi của các tổ chức, cá nhân vào hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá.
Ông Lokky Wai - Trưởng đại diện Văn phòng WHO tại Việt Nam nhấn mạnh: “Tổn thất do thuốc lá gây ra vượt xa phạm vi sức khỏe cộng đồng. Thuốc lá còn là một rào cản lớn đối với sự phát triển bền vững ở một số mặt trận như: an ninh lương thực, bình đẳng giới, giáo dục, tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Thuốc lá giết chết hơn 7 triệu người mỗi năm, và 80% những người này sống ở các quốc gia có thu nhập thấp hoặc trung bình. Con số này dự đoán sẽ tăng hơn 8 triệu người mỗi năm vào năm 2030 nếu các nước không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Việc sử dụng thuốc lá là nguy cơ đe dọa đối với bất kỳ ai, không phân biệt giới tính, tuổi, chủng tộc, văn hóa hay học vấn. Và thuốc lá đã gây ra tổn thất kinh tế lên tới hơn 1.400 tỷ USD mỗi năm gồm chi phí điều trị bệnh và mất năng suất lao động. Các nước đang phát triển gánh chịu 40% tổn thất kinh tế toàn cầu do sử dụng thuốc lá. Tổn thất do thuốc lá Việt Nam chiếm gần 1% GDP mỗi năm. Nếu những tổn thất kinh tế này có thể tránh được thông qua kiểm soát thuốc lá, nó sẽ giúp giảm nghèo, tăng năng suất lao động và thúc đẩy phát triển toàn quốc”.
Ông Lokky Wai kêu gọi Chính phủ Việt Nam và tất cả các đối tác cùng nỗ lực vượt qua thách thức để làm giảm sử dụng thuốc lá bằng cách tăng thuế thuốc lá, sẽ giảm nhu cầu đối với sản phẩm nguy hiểm này và giúp đảm bảo cho một tương lai lành mạnh và bền vững hơn cho Việt Nam.