Mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc rất không bình thường

(PLO) - Phát biểu tại hội thảo “Tự chủ kinh tế trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau” chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc là rất không bình thường. 
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định mối quan hệ kinh tế với TQ là không bình thường. Ảnh: Hướng Dương
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định mối quan hệ kinh tế với TQ là không bình thường. Ảnh: Hướng Dương
Trong bối cảnh căng thẳng Biển Đông ngày càng leo thang, sáng hôm qua (3/7), các chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam đã có buổi thảo luận sôi nổi về chủ đề tự chủ, độc lập về kinh tế trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau. 
Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, bài toán lớn nhất của tự chủ kinh tế trong một thế giới tương thuộc là phải tối đa hóa độc lập chủ quyền, tối đa hóa sự phát triển. Nhưng trong quá trình đó mức độ hội nhập, phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế là tất yếu.
Tự chủ theo nghĩa lớn là hoàn toàn tự chủ, có thể đóng cửa, mở cửa. Nhưng một khi đã “chơi” bài toán hội nhập thì quyền này đã bị thu hẹp, những gì đã cam kết thì phải làm. 
“Trung Quốc (TQ) hiện nay là một quốc gia đang trỗi dậy, một nền kinh tế lớn và rất hấp dẫn vì thế chúng ta không thể không chơi với họ. Thế giới rất muốn TQ hội nhập với thế giới, phát triển một cách văn minh, đàng hoàng nhưng TQ luôn phát triển chủ nghĩa dân tộc cực đoan và không muốn chấp nhận luật chơi mà các nước lớn đề ra”, ông Thành nói.
Tuy nhiên, TS Thành nhận định TQ sẽ không gây hấn ồ ạt đối với Việt Nam và căng thẳng Biển Đông trong thời gian qua là thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh tái cấu trúc hội nhập nhưng phải tự chủ được.
Từ nhiều năm nay, TQ luôn là đối tác lớn với Việt Nam. “Việt Nam phụ thuộc khá nặng vào xuất nhập khẩu với TQ nên đã triệt tiêu nội lực, nhiều ngành sản xuất của VN bị chèn ép, khó phát triển. Cơ cấu thương mại VN bị tụt hậu, các doanh nghiệp yếu kém trong việc đầu tư vào công nghiệp phụ trợ”, chuyên gia Phạm Chi Lan đánh giá. 
Phát biểu tại hội thảo, bà Phạm Chi Lan cho rằng mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc là không bình thường. Theo đó, chính trị ở Việt Nam vẫn chi phối nhiều đến quyết định về kinh tể, Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước vẫn nắm quyền chính. Các quyết định về kinh tế hiện nay còn rất phân tán, chuẩn mực, quy trình, trách nhiệm ra quyết định không minh bạch. Kỷ cương của thị trường, luật vẫn yếu kém, hiệu lực quản lý thấp.
Quan hệ kinh tế với Trung Quốc luôn ở vào thế bất bình đẳng, Việt Nam bị chèn ép, thua thiệt kéo dài nhưng không dám đấu tranh cũng không có công cụ tự bảo vệ. Lợi ích nhóm, tham nhũng lũng đọan gây hại lớn nhưng được che dấu và bảo vệ. Trong khi đó nông dân, doanh nghiệp, người tiêu dùng bị bỏ mặc, không có tiếng nói phản biện. “Quan hệ kinh tế với TQ rất phức tạp vì luôn phải đối mặt với những  nguy hại về quản lý nhà nước, anh ninh kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng khó lường hết được”, bà Lan nhận định.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh lại cho rằng chúng ta không nên than phiền quá nhiều về việc tại sao lại là láng giềng của một nước lớn như Trung Quốc để rồi bị chèn ép, bị phụ thuộc mà hãy phải coi đây là một lợi thế để được chú ý, chứng minh cho thế giới rằng chúng ta dù là nước nhỏ nhưng vẫn vươn lên tự chủ, độc lập về kinh tế. 
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết các nhà thầu TQ bất chấp các thủ đoạn đút lót để trúng cử nhiều dự án trọng điểm ở Việt Nam. Ảnh: Hướng Dương
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết các nhà thầu TQ bất chấp các thủ đoạn đút lót để trúng cử nhiều dự án trọng điểm ở Việt Nam. Ảnh: Hướng Dương 
Ông Doanh cho biết, thời gian qua Việt Nam đã có quá nhiều các dự án, công trình trọng điểm rơi vào tay Trung Quốc như: xi măng; dự án nhiệt điện đốt than, giao thông, khai khoáng, cho thuê rừng và đất rừng ở vùng biên giới… Sở dĩ có điều này là bởi các nhà thầu Trung Quốc rất nhanh nhạy, bất chấp mọi thủ đoạn kể cả đút lót để trúng thầu. Đây cũng chính là nguyên nhân chính dẫn đến việc quá lệ thuộc vào TQ.
Theo ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, ngành cơ khi cũng đang lệ thuộc lớn vào TQ. Các dự án do TQ làm thường chậm tới 3 tháng hoặc 3 năm, chất lượng không đồng đều. Nhà thầu thường xuyên thay đổi các thiết bị so với cam kết ban đầu. 
Ông Thụ cho rằng, một phần nguyên nhân của tình trạng trên là do luật Đấu thầu của Việt Nam hiện vẫn ưu tiên cho các nhà thầu bỏ giá thấp mà chưa chú trọng đến nguồn gốc xuất xứ về chất lượng thiết bị. Các dự án chỉ định thầu EPC do nhà thầu Trung Quốc thu xếp được tài chính từ nguồn vay tại Trung Quốc với lãi suất thấp, thủ tục vay đơn giản. Trong khi đó, chính sách thuế, chính sách tín dụng của Việt Nam cũng chưa thực sự ưu đãi với chủ đầu tư và nhà thầu trong nước. Do vậy các nhà thầu Việt Nam khi tham gia dự thầu không thể chào thầu với giá thấp mà không có trợ giá và hỗ trợ.
Tại hội thảo, ngành dệt may, nông sản, hiệp hội sắn, ngành titan cũng bày tỏ những khó khăn, vướng mắc do phụ thuộc vào thị trường TQ. “Ngành dệt may phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vải nhập khẩu từ TQ chiếm tới 48%, tình trạng này giống như nút thắt cổ chai đối với các DN dệt may của VN”.
Nói về việc làm sao để “thoát Trung”, thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc, đại biểu Giáp Văn Dương cho rằng ngoài những điều mà các chuyên gia đầu ngành đã nói ở trên thì việc đầu tư vào nhân tố con người cũng vô cùng quan trọng. 
Theo ông Dương chính sách tự chủ phải bắt đầu từ yếu tố con người. Điều cần làm ngay là phải nâng cao chất lượng giáo dục, cải thiện chất lượng lao động. “Nhân tố con người mới chính là chìa khóa giải bài toán thoát Trung. Hi vọng trong thời gian không xa nữa, giới trẻ VN sẽ đem lại một luồng sinh khí mới vào nền kinh tế chứ hiện tại tôi không kì vọng vào nhân tố nào”, ông nói./.

Đọc thêm