Rủi ro trong xây dựng cơ bản ở Nghệ An: Thiệt đủ đường do không tuân thủ quy định

(PLO) - Hàng năm, nhiều địa phương phải gánh chịu nhiều thiệt hại do mưa bão gây ra, trong đó thiệt hại liên quan đến các dự án đang xây dựng. Đáng nói là dù một số công trình đã được mua bảo hiểm nhưng khi thiệt hại xảy ra lại không được bồi thường bởi chủ đầu tư không tuân thủ các điều khoản nêu trong hợp đồng khiến Nhà nước thiệt đơn, thiệt kép. 
Một công trình bị từ chối bồi thường vì chủ đầu tư vi phạm hợp đồng bảo hiểm
Một công trình bị từ chối bồi thường vì chủ đầu tư vi phạm hợp đồng bảo hiểm

Không thực hiện đúng quy định

Việc quản lý và hạn chế rủi ro trong lĩnh vực xây dựng cơ bản được quy định tại Điểm I Khoản 2 Điều 76 Luật Xây dựng 2003:  “Chủ đầu tư xây dựng công trình có nghĩa vụ mua bảo hiểm công trình xây dựng” và tại Điểm a Khoản 1 Điều 45 Nghị định số 48/2010/NĐ-CP cũng nêu rõ: “Bảo hiểm công trình xây dựng do chủ đầu tư mua...”. 
Có thể coi đó là quy định việc các chủ đầu tư dự án bắt buộc phải mua bảo hiểm mọi rủi ro trong quá trình xây dựng lắp đặt của dự án được đánh giá có mức độ rủi ro cao một cách rất rõ ràng và mang tính ràng buộc trách nhiệm trong công tác quản lý nguồn vốn đầu tư công. 
Bên cạnh đó, việc các dự án được bảo hiểm sẽ đảm bảo cho việc xây dựng lắp đặt dự án được đảm bảo về mặt kỹ thuật, an toàn… theo quy định của pháp luật vì các bên bảo hiểm sẽ đưa ra các điều khoản ràng buộc nhằm kiểm soát rủi ro cho dự án, như vậy đây có thể coi như là một hình thức quản lý “chéo” nếu nhìn từ khâu quản lý vĩ mô của chính sách…  
Ông Lê Văn T, từng là Giám đốc một Công ty bảo hiểm tại tỉnh Nghệ An, cho biết: “Để một hợp đồng bảo hiểm được ký kết thì đơn vị bảo hiểm phải thực hiện các bước như: đánh giá rủi ro, chào phí bảo hiểm cho chủ đầu tư, thương lượng về phí bảo hiểm hay thời hạn thanh toán phí bảo hiểm. Ngoài ra còn phải thương lượng về các điều khoản bảo hiểm mở rộng khác theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm...”. 
Mặc dù quy định như vậy nhưng vẫn không ít dự án thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về xây dựng và đã được mua bảo hiểm nhưng lại không được bồi thường khi không may xảy ra tổn thất vì các nguyên nhân được đánh giá là “thuộc phạm vi bảo hiểm”. Bởi vậy, các tổn thất về ngân sách của những thiệt hại đó thì ai là người chịu trách nhiệm ?
Thiệt hại xảy ra, nhiều nhà phải chịu
Thực tế qua tìm hiểu của phóng viên Báo PLVN trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có một số dự án như kè ven sông Lam,  sông Con và một số công trình đập chứa nước trên địa bàn bị tổn thất vì nguyên nhân như mưa, bão, lũ lụt... nhưng không được bồi thường theo hợp đồng bảo hiểm đã ký kết bởi chủ đầu tư đã vi phạm hợp đồng. 
Trao đổi với chúng tôi, Trưởng ban Quản lý dự án huyện Anh Sơn  cho biết: “Do không chuyển đủ phí bảo hiểm nên bên bảo hiểm không bồi thường, chủ thầu bỏ tiền ra thi công hiện tại chúng tôi đang nợ nhà thầu”. 
Với thực trạng này, không chỉ vốn bỏ ra đầu tư công trình, tiền phí bảo hiểm bị mất mà ngân sách địa phương phải tăng thêm khoản đáng kể để khắc phục các sự cố xảy ra chỉ vì việc không tuân thủ các điều kiện và điều khoản của hợp đồng bảo hiểm.
Cũng theo ông T,  thường là chủ đầu tư quá chủ quan, không tôn trọng hợp đồng, ký xong nhưng không theo dõi, kiểm tra lại để thực hiện các điều khoản liên quan. Thậm chí doanh nghiệp bảo hiểm gửi thư  đốc thúc thực hiện các điều khoản trong quá trình thực hiện  hợp đồng nhưng chủ đầu tư không quan tâm. Khi tổn thất xảy ra không thể bồi thường bởi sau khi ký hợp đồng, nhà bảo hiểm đã phải “tái bảo hiểm” cho doanh nghiệp khác theo quy định của pháp luật. 
Thường thì doanh nghiệp tái bảo hiểm là doanh nghiệp nước ngoài, khi có yêu cầu bồi thường họ thường xem xét kỹ các điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm. Nếu chủ đầu tư vi phạm hợp đồng như quá thời hạn bảo hiểm, thời hạn thanh toán bảo hiểm, các quy trình kỹ thuật về xây dựng dự án theo đúng thiết kế, các biện pháp thi công... thì chủ đầu tư phải chịu mọi tổn thất xảy ra. 
Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề tìm nguồn vốn khắc phục tổn thất công trình do mưa bão gây ra, một cán bộ thuộc thành phần xem xét hỗ trợ tỉnh Nghệ An cho biết: “Việc xem xét hỗ trợ có nhiều thành phần ban, ngành của tỉnh. Thường thì đến tận nơi kiểm tra, có chụp ảnh hiện trường lưu hồ sơ. Thời gian qua, một số dự án có xảy ra tổn thất, địa phương gửi tờ trình xin hỗ trợ, tuy nhiên đối với công trình dự án chưa hoàn thành và thuộc phạm vi bảo hiểm thì không được xét hỗ trợ”.
Công trình xảy ra thiệt hại, nhà bảo hiểm không bồi thường, không được hỗ trợ quỹ phòng chống bão lụt đối với thiệt hại xảy ra. Thiết nghĩ, UBND, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An cần chỉ đạo kiểm tra chặt chẽ về trách nhiệm quản lý và hạn chế rủi ro xảy ra trong quá trình đầu tư nói chung thông qua  hợp đồng bảo hiểm của một số công trình bị thiệt hại trên địa bàn và có hướng xử lý, góp phần hạn chế tổn thất cho các công trình khi mùa mưa bão sắp tới.

Đọc thêm