Doanh nhân Việt đồng hành trong hành trình bảo vệ chủ quyền biển đảo

(PLO) - Tất cả các doanh nhân tham dự trong buổi tọa đàm “Doanh nhân Việt Nam trước sự kiện Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam” do Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp với Trung tâm Văn hóa Doanh nhân Việt Nam và Tổ chức kết nối thương mại toàn cầu BNI Vietnam tổ chức vào sáng 14/5 đều lên tiếng kịch liệt phản đối sự ngang ngược của chính quyền Trung Quốc và sẵn lòng đồng hành cùng Chính phủ và nhân dân cả nước đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.
Toàn cảnh buổi tọa đàm
Toàn cảnh buổi tọa đàm
Tại buổi tọa đàm, các doanh nhân đã đóng góp 140 triệu đồng ủng hộ chương trình “Vì biển đảo quê hương” do Báo Pháp luật Việt Nam phát động.
Sẵn sàng chung tay góp sức
Tại buổi tọa đàm, không chỉ bày tỏ thái độ phản đối, lên án sự ngang ngược của chính quyền Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc phải rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, cộng đồng doanh nhân Việt Nam còn bày tỏ ý chí quyết tâm, sẵn sàng chung tay góp sức trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo. 
Ông Thái Vũ Hòe – Giám đốc Trung tâm Văn hóa Doanh nhân Việt Nam chi nhánh phía Nam cho rằng: “Là một người con dân nước Việt, là một doanh nghiệp, tôi thấy phải có trách nhiệm cùng với Chính phủ và người dân góp một tiếng nói, một hành động thiết thực để lên án những hành vi xâm hại biển Đông của Việt Nam bằng cách đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 vào sâu trong vùng lãnh hải Việt Nam. Đây là một hành vi ngang ngược và sai trái mà cả cộng đồng quốc tế đều đã lên án.
Từ đó, ông cũng lên tiếng kêu gọi cộng đồng doanh nhân cần có thái độ trách nhiệm đối với việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Qua sự kiện này, ông Hòe cũng kêu gọi trách nhiệm đóng góp hy sinh quyền lợi của doanh nghiệp, của bản thân doanh nhân, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết. Ngoài cơ sở vật chất, cộng đồng doanh nhân cũng cần phải đóng góp cả máu thịt của mình để chống lại sự xâm lấn của Trung quốc. 
Nói về ứng phó của doanh nghiệp Việt trước những động thái chống phá từ phía Trung Quốc, ông Hòe cho biết: “Thông điệp mà giới doanh nhân muốn gởi đi qua hội thảo này là doanh nhân Việt Nam cần nói không với những sản phẩm kém chất lượng từ Trung Quốc, và doanh nhân Việt Nam nên điều chỉnh dần chiến lược kinh doanh để không phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, từ nhập đến xuất khẩu hàng hóa với thị trường Trung Quốc”.
Xung quanh sự việc một số vụ công nhân tại các khu công nghiệp phản ứng một cách quá khích trước hành động của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam xảy ra gần đây, ông Hòe cũng cho rằng: “Với vai trò là doanh nhân, tôi thấy không nên đánh đồng hành động của chính quyền Trung Quốc với doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam, làm chia rẽ quan hệ của nhân dân hai nước. Cần kêu gọi người lao động bình tĩnh, có ứng xử phù hợp, sáng suốt, doanh nghiệp nên tuyên truyền cho công nhân nắm được những thông tin về hành động của Trung Quốc”, ông Thái Vũ Hòe nói.
Ông Hồ Quang Minh - Chủ tịch HĐQT Công ty Tổ chức Kết nối Thương mại toàn cầu Việt Nam (BNI Việt Nam) cho rằng, việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam là một sai lầm nghiêm trọng trong chính sách của Trung Quốc đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và trong lòng bạn bè quốc tế. Qua đó, ông kêu gọi cộng đồng doanh nhân Việt Nam hãy cùng nhau lên tiếng trước những hành động sai trái của Trung Quốc; đồng thời lên tiếng cảnh báo doanh nhân Việt Nam nên chủ động trong sản xuất, tìm kiếm nguồn nguyên liệu khác thay thế thay vì phụ thuộc vào Trung Quốc. “Hơn lúc nào hết, doanh nhân Việt Nam chúng ta lúc này cần chứng tỏ năng lực cạnh tranh của mình” - ông Minh nói.
Doanh nhân Trần Thiện Thiên Trang – Giám đốc Công ty Khách sạn Đại Kết cho rằng, mặc dù không muốn chiến tranh xảy ra, tuy nhiên trước sự ngang ngược của Trung Quốc, bà cho hay:  “Ông bà ta xưa đã có truyền thống và đúc kết thành câu “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”, nay Trung Quốc đã ngang nhiên mang giàn khoan  vào đến nhà mình rồi thì thái độ chúng ta phải thế nào?  Với tư cách là một doanh nhân, chúng ta phải tỉnh táo, tuyên truyền cho nhân viên, cộng sự và cả đối tác của mình biết sự thật này để tranh thủ sự ủng hộ của họ, cả trong nước lẫn quốc tế”.
Nâng cao sự gắn kết đấu tranh trong cộng đồng doanh nghiệp Việt
Ông Nguyễn Cảnh Nam - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh tại TP.HCM cho rằng, ông rất tự hào với bài phát biểu của Thủ tướng tại Hội nghị Asean vừa qua. Với tư cách là Chủ tịch Hội, ông sẽ kêu gọi 500 hội viên đấu tranh đến cùng để Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. “Trước nay chúng ta vẫn gọi Trung Quốc là anh em. Anh em làm như thế thì cần phải coi lại cái tình anh em này.”  Dự đoán tình hình có thể kéo dài, ông Nam cho rằng doanh nhân cũng cần phải có chiến lược lâu dài để ứng phó.
“Đối với các hoạt động phá hoại kinh tế, chúng ta cần nâng cao tuyên truyền để người dân nhận thức cao hơn về sự phá hoại này. Đồng thời ông cũng kêu gọi doanh nhân không nên vì lợi nhuận mà gián tiếp phá hoại quê hương, đất nước, cố gắng đấu tranh hòa bình, tránh quá khích để tránh căng thẳng vượt quá mức không cần thiết” - ông Nam nói.
Ông Nguyễn Cảnh Hà – Giám đốc Cty TNHH An Thiên Lý thẳng thắn: “Sau khi nghe Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị Asean thì mừng rơi nước mắt. Trung Quốc vẫn có tử huyệt của Trung Quốc, chúng ta không nên quá lo lắng. Dân cư cấu trúc 1 - 2 - 4 của Trung Quốc thì 1 người chết đến 6 người buồn. Và khả năng thích nghi với những “con gà công nghiệp” này hoàn toàn không cao… 
Bên cạnh đó, ông Hà cũng cho rằng: “Đây cũng là cơ hội để người dân Việt đồng lòng, sát cánh thể hiện lòng yêu nước bằng cách dùng hàng Việt, và cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam hoàn thiện mình hơn, tự “lớn lên” để bớt phụ thuộc từ nền kinh tế Trung Quốc.” 
Ông cho biết, thâm hụt mậu dịch giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện ngày càng lớn, nhập siêu của doanh nghiệp Việt Nam từ nguồn hàng Trung Quốc là hơn 30 tỷ USD/năm. Còn phía Trung Quốc thì thương nhân của họ, từ nhiều năm nay đã len lỏi vào từng vùng nông thôn Việt Nam, mướn đất canh tác lúa, hoa màu, rồi lợi dụng sự thiếu kiến thức của người nông dân nên đã mua thu gom nhiều thứ rất… lạ, như: dây khoai lang, lá điều, đọt hồng non, đỉa… Song song với việc đó, họ cũng tuồn vào Việt Nam nhiều chất độc hại, các vật phẩm trái cây, quần áo với hàm lượng độc tố cao để đầu độc người tiêu dùng trong nước.
Ông Đỗ Thanh Năm, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn chiến lược Win- Win chia sẻ: “Tôi có may mắn được ra Trường Sa cách đây mấy hôm. Nếu có đến Trường Sa thì các bạn mới thấy yêu biển đảo, yêu đất nước mình ra sao. Thời gian gần đây, khi ngồi với nhau thì nhiều người trong giới doanh nhân chúng tôi bàn nhiều đến chuyện làm ăn với Trung Quốc, rõ ràng là do những hành động của Trung Quốc gần đây, thương hiệu của Trung Quốc bắt đầu bị ảnh hưởng, suy giảm.”
Theo ông Lê Thành - Giám đốc Trung tâm truyền thông, Viện nghiên cứu và đào tạo quản lý thì chúng ta cần phải phát huy quyền lực mềm của giới doanh nhân, có thể dùng bàn phím để nói chuyện chính nghĩa với cộng đồng thế giới; nên thể hiện quyền lực mềm lồng vào chiến lược kinh doanh, tinh thần yêu nước cần được đưa vào giá trị cốt lõi của công ty trong tình hình nguy biến. Qua đó ông kêu gọi mỗi doanh nhân, mỗi doanh nghiệp, cộng đồng cần tận dụng tối đa mối quan hệ, công nghệ thông tin tuyên truyền đấu tranh mạnh mẽ hơn nữa trước sự kiện này. 
Đa số các doanh nhân tham gia hội thảo đều khẳng định mạnh mẽ thông điệp mà doanh nhân muốn gửi đi là thái độ phản đối hành động vi phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc. Doanh nhân sẽ sẵn sàng đóng góp công sức để hưởng ứng phong trào bảo vệ biển đảo được tốt hơn, cùng nhau kêu gọi đóng góp tiền cho lực lượng Cảnh sát Biển để tăng cường đầu tư trang thiết bị bảo vệ biển đảo. 

Đọc thêm