Xúc động Cuộc vận động “Tự hào một dải non sông”
Cuối tháng 12 vừa qua, tại Đà Nẵng, Trung ương (T.Ư) Đoàn tổ chức Lễ phát động Cuộc vận động “Tự hào một dải non sông” với sự tham gia của hơn 5.000 đoàn viên thanh niên. T.Ư Đoàn cũng triển khai 10 điểm cầu trực tuyến tại 10 tỉnh, thành phố đại diện cho các cụm: Điện Biên, Cao Bằng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An, Khánh Hòa, Kon Tum, Tây Ninh, Đồng Tháp, Cà Mau. Đồng thời, Lễ phát động được kết nối trực tuyến tới 53 điểm cầu cấp tỉnh, thành phố trên hệ thống phòng họp trực tuyến và tổ chức các hoạt động ra quân, hưởng ứng Lễ phát động.
Ông Bùi Quang Huy - Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn khẳng định, đây là hoạt động của tuổi trẻ Việt Nam nhằm thể hiện trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Hoạt động cụ thể của Cuộc vận động “Tự hào một dải non sông” là treo bản đồ Việt Nam tại các cơ quan, phòng làm việc, phòng học, sinh hoạt của các cấp bộ đoàn, đoàn viên, thanh, thiếu nhi trong và ngoài nước với mong muốn hình ảnh về toàn bộ lãnh thổ đất nước yêu quý của chúng ta thường xuyên được thấy ở những nơi học tập, sinh hoạt cộng đồng.
Cuộc vận động “Tự hào một dải non sông” được triển khai và hưởng ứng rộng khắp trên toàn quốc, ở tất cả các cấp bộ Đoàn, Hội, Đội trong và ngoài nước thông qua việc sử dụng bản đồ Việt Nam tại các không gian học tập, làm việc và sinh hoạt cộng đồng của thanh, thiếu nhi và người dân Việt Nam - góp phần nâng cao ý thức về chủ quyền quốc gia, dân tộc. Đặc biệt, hưởng ứng chủ đề công tác năm 2023 là “Năm chuyển đổi số các hoạt động của Đoàn”, T.Ư Đoàn còn xây dựng bản đồ ứng dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường AR để hiển thị bản đồ số 3D trên điện thoại. Qua đó, người dùng có thể tương tác trực tiếp với bản đồ chân thật và sinh động nhất, đồng thời, lan tỏa thông điệp về cuộc vận động trên các nền tảng mạng xã hội.
“Mỗi tấm bản đồ được treo, nhiều cán bộ đoàn, đoàn viên sẽ hiểu hơn về những chỉ dẫn địa lý của đất nước, địa danh gắn liền với lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Có tấm bản đồ treo trang trọng trong phòng, chúng ta sẽ luôn nhìn thấy Tổ quốc thân yêu của mình, từ đó có thêm quyết tâm, động lực để học tập, lao động, cống hiến cho Tổ quốc”, ông Bùi Quang Huy chia sẻ.
Ông Bùi Quang Huy lưu ý, bản đồ cần được treo, đặt ở vị trí trang trọng, dễ nhìn, dễ thấy. Khuyến khích treo bản đồ trên tàu, thuyền phương tiện hoạt động trên vùng biển Việt Nam; trong nhà dân, phòng sinh hoạt cộng đồng ở các khu vực biên giới, biển đảo; không gian sinh hoạt chung của người Việt Nam ở nước ngoài… “Bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc không chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm cao cả mà còn là vinh dự của mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ. Lòng yêu nước không chỉ là những hành động to lớn, xa vời mà nhiều khi chỉ là những hành động nhỏ nhưng thiết thực, ý nghĩa. Hiểu về đất nước để yêu hơn mảnh đất thân yêu hình chữ S này là một hành động yêu nước”, ông Bùi Quang Huy gửi gắm.
Theo đó, T.Ư Đoàn ban hành Đề án tổ chức Cuộc vận động “Tự hào một dải non sông” với nội dung tuyên truyền, tổ chức để đoàn viên, thanh, thiếu nhi treo bản đồ Việt Nam tại nơi học tập, lao động, làm việc. Cuộc vận động “Tự hào một dải non sông” là sự chuẩn bị sớm hướng đến kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và 80 năm Cách mạng tháng Tám thành công, Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Theo đó, Đề án triển khai trong 3 năm: 2023, 2024 và 2025. Trong đó, điểm rơi trọng tâm của cuộc vận động là năm 2024 và năm 2025 là năm về đích.
Ông Nguyễn Thái An, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Đoàn cho biết, Ban Tổ chức thống nhất chủ trương treo bản đồ hành chính nước Cộng hoà XHCN Việt Nam bảo đảm đúng điều kiện quy chuẩn theo quy định hiện hành, do Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam phát hành. Bản đồ được đóng khung hoặc nẹp hai đầu.
Ban Tổ chức xây dựng bản đồ số Việt Nam định dạng 3D áp dụng công nghệ thực tế tăng cường (AR) kèm theo tên và thông điệp của Cuộc vận động. “Đoàn viên, thanh niên khi sử dụng điện thoại thông minh quét mã QR đưa lên hình bản đồ nhận về định dạng bản đồ 3D và có thể chụp ảnh, quay video với hình ảnh bản đồ kèm theo thông điệp của Cuộc vận động đăng tải trên các nền tảng số”, ông An cho biết.
T.Ư Đoàn đặt mục tiêu trong năm 2023, 100% trụ sở các cơ quan chuyên trách…; 100% phòng làm việc của cán bộ Đoàn, Hội, Đội cấp T.Ư, cấp tỉnh, cấp cơ sở đều treo bản đồ Việt Nam. Năm 2024, phấn đấu 100% chi đoàn, chi hội, chi đội; Ban Cán sự Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam ở ngoài nước; các không gian sinh hoạt chung của các chi hội, câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm thuộc Hội LHTN Việt Nam; phòng sinh hoạt cộng đồng ở các khu vực biên giới, hải đảo, làng thanh niên lập nghiệp; không gian trên tàu, thuyền, phương tiện hoạt động trên vùng biển Việt Nam sẽ treo bản đồ Việt Nam tại không gian sinh hoạt chung.
Năm 2025, sẽ treo bản đồ tại các cơ sở giáo dục khu vực ngoài công lập; trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh; không gian trong nhà dân; không gian sinh hoạt của người Việt Nam ở nước ngoài.
“Một tấc bản đồ, vạn tấc quê hương”
Bạn Lê Kim Ngọc Hằng - sinh viên ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) bày tỏ: “Tự hào một dải non sông” - chúng em ý thức sâu sắc rằng lòng yêu nước của mình phải được thể hiện bằng hành động cụ thể, bằng việc nâng cao hiểu biết, trau dồi kiến thức về đất nước mình, bằng việc nỗ lực, phấn đấu trong học tập, luyện rèn để dựng xây đất nước”. Hiện chi đoàn của cô đã tổ chức treo bản đồ trong phòng học, thay hình nền điện thoại, máy tính, hình đại diện trên mạng xã hội để cùng lan toả thông điệp vô cùng ý nghĩa của Cuộc vận động “Mỗi tấm bản đồ, một trái tim Việt Nam”.
Theo chị Cầm Ngọc Thu Phương - Phó Bí thư Huyện đoàn Phù Yên, tỉnh Sơn La, Cuộc vận động “Tự hào một dải non sông” có thông điệp giáo dục sâu sắc đến thế hệ trẻ Việt Nam. Trong tâm thức của mỗi học sinh - những chủ nhân tương lai của đất nước, Cuộc vận động sẽ góp phần “gieo” hy vọng và trách nhiệm cho mỗi cá nhân tiếp tục tiếp nối và phát huy những truyền thống tốt đẹp mà cha ông đã để lại. Từ đó, tinh thần tự hào dân tộc và khát vọng cống hiến sẽ được khơi dậy mạnh mẽ, hướng họ đến những thành tựu lớn lao hơn trong tương lai.
“Việc treo bản đồ Việt Nam là hình thức tuyên truyền trực quan, có ý nghĩa lan tỏa, tạo sức ảnh hưởng tới không chỉ các bạn đoàn viên, thanh, thiếu nhi mà còn khơi dậy niềm tự hào và ý thức về toàn vẹn lãnh thổ trong mỗi người dân Việt Nam”, Hoa hậu Việt Nam 2020 Đỗ Thị Hà chia sẻ.
Ở góc độ lịch sử, nhà Sử học Dương Trung Quốc bày tỏ, các cụ từng nói “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”, ý thức về lãnh thổ, quốc gia, không gian sống đã có từ xa xưa. Trước đây, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã dâng lên bản đồ Tổ quốc Việt Nam trong một sự kiện vào năm 1946 để thể hiện ước mong lớn nhất của người dân, không chỉ độc lập mà còn là câu chuyện 3 miền Bắc, Trung, Nam thống nhất với nhau.
Theo ông Dương Trung Quốc, ngày xưa dân ta còn lập bàn thờ Tổ quốc trong gia đình, bao giờ cũng có một dòng chữ “Tổ quốc trên hết” rồi được lan rộng khắp nơi. Song mỗi nơi sẽ có cách thể hiện khác nhau, cũng có thể là Quốc kỳ hoặc bản đồ đất nước Việt Nam.
Ngày nay, bản đồ không chỉ là yếu tố chỉ dẫn địa lý mà còn là biểu hiện của sự nhận thức về lãnh thổ, không gian sinh sống, chủ quyền. Nhắc nhở cho mọi người có ý thức và bảo vệ lãnh thổ. Chính cái nền tảng, giá trị, tài sản ấy sẽ giúp đất nước Việt Nam “giao lưu với thiên hạ, thế giới”.
Với Cuộc vận động “Tự hào một dải non sông” của T.Ư Đoàn, theo ông Dương Trung Quốc, cần chú trọng đến vấn đề thiết kế, làm sao khi đặt bản đồ ở một nơi nào đó phải đem lại sự thoải mái, hài hòa, không gò bó, khiên cưỡng. Hãy để bản đồ Việt Nam mang vẻ đẹp tự nhiên, mọi người đều có thể chiêm ngưỡng.
Cuộc vận động “Tự hào một dải non sông” của T.Ư Đoàn với nội dung tuyên truyền treo bản đồ Việt Nam tại nơi học tập, lao động, làm việc là một hình thức giáo dục trực quan, sinh động. Điều này giúp cho mỗi người, đặc biệt là trẻ em có ý thức về toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền đất nước, biết thêm về vùng miền khác.
Cùng với đó, theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Hậu, Tổng Thư ký Hội Sử học TP HCM: “Không chỉ trong nhà, lớp học hay công sở, tôi nghĩ nên treo bản đồ ở những nơi như sân bay, ga xe lửa, bến xe, điểm đến du lịch để du khách đến và nhìn thấy ngay toàn vẹn lãnh thổ vùng miền của đất nước Việt Nam. Tôi có đề xuất hãy in bản đồ Việt Nam ở bìa vở (thay cho hình ảnh con người, cảnh vật thiên nhiên hay bảng cửu chương…). Mỗi ngày soạn tập vở là học sinh thấy bản đồ Việt Nam, hoạt động này nếu thực hiện tốt thì mọi người sẽ có ý thức về chủ quyền toàn vẹn thống nhất.
Tôi mong sao bây giờ trong mỗi lớp học có được một tấm bản đồ Việt Nam, để hằng ngày con em chúng ta luôn nhìn thấy và nhớ rằng “Một tấc bản đồ, vạn tấc quê hương”.