“Món nợ” chế tài

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Để chống được trục lợi từ đất, kiểm soát “cơn sốt” đất đai, chống được tham nhũng... cần phải có chế tài phải đủ mạnh. Nhưng “chế tài” như thế nào thì các cơ quan xây dựng luật pháp, thiết kế chính sách nghĩ chưa ra. Đó là “món nợ” đối với kỷ cương, với cuộc sống.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chiều 16/3, khi kết luận phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản, các văn bản hướng dẫn luật và các văn bản có liên quan.

Ông nêu vấn đề, chú trọng đến các quy định liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất, không để xảy ra tình trạng lợi dụng các phiên đấu giá để trục lợi; đặc biệt là quy định chặt chẽ về điều kiện tham gia đấu giá, việc xác định giá khởi điểm, thời hạn nộp tiền trúng đấu giá; việc xử lý khi cuộc đấu giá có dấu hiệu bất thường; có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn các trường hợp trúng đấu giá nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các cam kết.

Đã đến lúc phải sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan phù hợp với pháp luật về đất đai để bảo đảm tính thống nhất trong điều chỉnh các quan hệ về đất đai, tài sản gắn liền với đất, giao dịch quyền sử dụng đất, các quy định về hợp đồng, đặt cọc khi mua bán chuyển nhượng, hứa mua, hứa bán về đất đai.

Ai cũng biết, để chống được trục lợi từ đất, kiểm soát “cơn sốt” đất đai (nói chung là bất động sản), thất thoát nguồn thu từ đất, chống được tham nhũng, bảo vệ được cán bộ... cần phải có chế tài phải đủ mạnh. Nhưng “chế tài” như thế nào thì các cơ quan xây dựng luật pháp, thiết kế chính sách nghĩ chưa ra. Đó là “món nợ” đối với kỷ cương, với cuộc sống.

Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế làm nảy sinh những vấn đề pháp lý mới mà pháp luật đất đai hiện hành chưa được đề cập đến. Đặc biệt chính sách tài chính về đất đai chưa đủ mạnh để khắc phục tình trạng đầu cơ đất, chậm đưa dự án vào sử dụng đất và triển khai thực hiện, gây lãng phí nguồn lực lớn... Hay nói cách khác, khi “thiết kế” Luật Đất đai năm 2013, chúng ta không hình dung ra. Cũng không phải sau 10 năm thi hành luật này mới bộc lộ, nhiều bất cập nhìn thấy rõ khi luật vừa có hiệu lực pháp luật.

Trong điều hành, năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu khẩn trương tổ chức tổng kết thực hiện Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai sửa đổi; yêu cầu rà soát thể chế, cơ chế, chính sách hiện hành trên cơ sở yêu cầu của thực tiễn để tìm ra, chỉ rõ các chính sách, quy định đang kìm hãm các nguồn lực cho sự phát triển, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Đây cũng là nhiệm vụ, góp phần tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 31/10/2012 của Trung ương (khóa XI) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai.

Việc sửa đổi Luật Đất đai sẽ giải quyết một cách căn cơ những bất cập của luật hiện hành, khắc phục được sự chồng chéo; vận hành các quan hệ đất đai theo cơ chế thị trường, giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai, thúc đẩy các giao dịch về quyền sử dụng đất và phát triển thị trường bất động sản công khai, lành mạnh… thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đọc thêm