Mong manh “thuốc tiên” và “thuốc độc”

 Việc kiểm soát thực phẩm chức năng, từ khâu sản xuất, kiểm định chất lượng, phân phối loại hình thực phẩm đặc biệt này, vẫn đang còn nhiều bất cập. Hơn 10 năm nay, cụm từ “loạn thực phẩm chức năng”vẫn được nhắc đi nhắc lại như điệp khúc chưa có hồi kết.

Việc kiểm soát thực phẩm chức năng, từ khâu sản xuất, kiểm định chất lượng, phân phối loại hình thực phẩm đặc biệt này, vẫn đang còn nhiều bất cập. Hơn 10 năm nay, cụm từ “loạn thực phẩm chức năng” vẫn được nhắc đi nhắc lại như điệp khúc chưa có hồi kết.

Về bản chất, thực phẩm chức năng (TPCN) không phải là thuốc chữa bệnh mà chỉ có tác dụng hỗ trợ một mặt nào đó trong việc điều trị bệnh tật. Tuy vậy, đánh trúng tâm lý “có bệnh phải vái tứ phương” của người dân, nhà sản xuất TPCN đã dùng nhiều cách, trực tiếp hoặc gián tiếp, đưa ra những lời quảng cáo về tác dụng của TPCN như các loại “thuốc tiên” có thể “chữa tận gốc thấp khớp”, “điều trị ung thư”, “kéo dài sinh lực”, “trẻ mãi không già”, “giảm cân siêu tốc”.

Theo thống kê, hiện có khoảng 3.700 loại TPCN đang lưu hành tại Việt Nam. Ảnh chỉ mang tính minh họa.

Những quảng cáo có cánh đó cùng với sự nhiệt tình đến không ngờ của các nhân viên bán hàng được tập huấn bài bản đã khiến không ít người tiêu dùng khó tính nhất cũng phải “móc hầu bao”.

“Thuốc tiên”: Từ từ mới... ngấm!

Trên thị trường TPCN, những loại gắn mác ngoại (Nhật Bản, Pháp, Mỹ...) với những lời quảng cáo công nghệ sản xuất hiện đại, công dụng “tức thì”, “siêu tốc” đang đè bẹp các mặt hàng nội, dù giá “ngoại” gấp năm bảy lần “nội”.

Gia đình bà Hoàng Thị T (ở Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội) dùng sản phẩm nước N từ sự giới thiệu từ một người quen. Bà T kể: “Người bán hàng nói tuổi già, hay đau ốm, mệt mỏi nên dùng N, ông nhà tôi bị nhiều bệnh, chỉ cần uống N là mọi bệnh tiêu tan, con cái làm việc căng thẳng uống N sẽ sảng khoái, đến cháu gái biếng ăn, còi cọc cũng chỉ cần dùng N là hiệu quả tức thì”. Mặc dù “thần dược” N giá bạc triệu, nhưng vì hoa mắt trước công dụng của nó nên cả nhà bà T vẫn bấm bụng mua. Mua rồi dùng, dùng mãi không thấy “hiệu quả tức thì”, khách hàng hỏi thì người bán hàng đính chính: “Hiệu quả chưa rõ rệt vì thực phẩm này chiết xuất từ thiên nhiên, nên phải từ từ mới ngấm”.

TPCN được bán dưới rất nhiều hình thức. Ban đầu, mặt hàng này chỉ lưu hành ở những nhà thuốc, thẩm mĩ viện hoặc công ty nhập khẩu chính hãng. Hiện nay, “thuốc tiên” được rao bán tràn lan trên internet. Ngoài việc không biết đâu là nguồn cung tin cậy, khách hàng còn dễ bị thổi phồng về công dụng, chất lượng, giá cả.

Trên một diễn đàn dành cho “các mẹ”, chị H (ở Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) tìm được thông tin về một loại TPCN “giảm cân siêu tốc”, “lấy lại dáng thon, người săn chắc, da không bị tái do mất nước”. Khi tìm đến hiệu thuốc gần nhà, người bán hàng thông báo loại sản phẩm đó hiện đã bị cấm lưu hành, và giới thiệu một loại giảm cân khác làm từ linh chi mà công dụng còn “hơn thế”. Nhưng khi tìm trên mạng, người có nhu cầu vẫn có thể loại TPCN được cho là bị cấm bán nói trên trong nội thành. Quy cách rất đơn giản: Liên hệ theo số điện thoại của người bán, chuyển tiền vào tài khoản, “thuốc tiên” sẽ được giao tận tay qua đường bưu điện hoặc do người bán đem đến.

Cũng trên các “phiên chợ internet”, các loại TPCN như thuốc D... USA , S... H3 được quảng cáo là “phát minh khoa học y dược mới của Mỹ: Thuốc Cải lão hoàn đồng giúp bạn có thể sống thọ 120, 130, 150 tuổi và... hơn nữa”. Các tay buôn không ngần ngại chào bán “những thảo dược quý hiếm từ châu Mỹ, châu Phi, Trung Quốc, Ấn Độ”, giúp “tăng cường sinh lực ngay tức thì” và “đem lại hiệu quả lâu dài”. Thậm chí, các “dược sĩ ảo” còn rao bán cả TPCN có chức năng... chống ung thư, ngăn chặn bệnh gout, thấp khớp!

Bỏ tiền mua họa vào thân

Tin vào những lời quảng cáo về tác dụng thần diệu, “tức thì” của TPCN, nhiều người tiêu dùng đã bỏ tiền... mua họa vào thân vì gánh chịu những tác dụng phụ của “thần dược”.

Trao đổi với PLVN, đại diện Trung tâm Dị ứng, Miễn dịch Lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai khẳng định, từ đầu năm đến nay, các bác sỹ đã tiếp nhận hàng chục bệnh nhân dị ứng, ngộ độc sau khi dùng TPCN.

Dị ứng TPCN biểu hiện dưới nhiều dạng thức. Nhẹ thì nổi mề đay, mẩn ngứa; khó thở hoặc lên cơn hen suyễn; đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy; viêm kết mạc... Nặng hơn, nạn nhân sẽ có biểu hiện da xanh tái, tụt huyết áp, loạn nhịp tim, trụy tim mạch mà nếu không cấp cứu kịp thời, sẽ dễ dẫn đến tử vong, hoặc gây bong da, tróc niêm mạc, y như người bị bỏng toàn thân. Nặng nhất là sốc phản vệ, trường hợp này khó cữu chữa.

Nhà nhà làm thực phẩm chức năng

Theo thống kê, hiện nay nước ta có khoảng 1.600 cơ sở sản xuất kinh doanh TPCN, với khoảng 3.700 loại sản phẩm TPCN. Cùng với sự gia tăng về số lượng sản phẩm, mở rộng thị trường thì Hiệp hội TPCN Việt Nam cũng đã nhận được rất nhiều các đơn từ, phản ánh của người dân về chất lượng của những cơ sở sản xuất, hay sản phẩm TPCN không đạt tiêu chuẩn.

Trao đổi với PLVN, ông Trần Đáng - Chủ tịch hiệp hội TPCN đã chỉ ra những vấn đề bất ổn của thị trường TPCN từ khâu sản xuất đến khâu tiêu dùng.

Khuyết điểm thứ nhất là ở những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ tự nghiên cứu, sản xuất, công bố sản phẩm để người ta chữa bệnh, chữa được cả ung thư mặc dù không công bố tiêu chuẩn chất lượng của bộ  Y tế. Nhiều cơ sở dùng một số loại cây, loại thuốc cổ truyền, hay thậm chí chẳng phải bài thuốc cổ truyền hòa trộn thành một loại TPCN nhằm vào những cái người tiêu dùng đang cần. Cũng có khi cơ sở tự xưng là gia truyền, tạo ra sản phẩm từ năm bảy loại thảo dược khác nhau rồi bán ra thị trường. Đến khi được người tiêu dùng phản ánh và xác minh mới biết chủ cơ sở mới chưa qua trường lớp về Y học, gia đình cũng không gia truyền ngành thuốc, thậm chí xem trong sách về thuốc gia truyền của bộ Y tế không có cây cỏ, bài thuốc đó nhưng vẫn cứ sản xuất ra, thậm chí còn nói có thể chữa được tiểu đường.

Ông Đáng có đưa ra trường hợp một cơ sở sản xuất “kê đơn” sản xuất một loại TPCN bao gồm năm thành phần chữa được tiểu đường. Nhưng việc thực hành thì lại chưa đến nơi đến chốn, theo phản ánh lại hiệp hội thì họ mua và chế biến các nguyên liệu của Trung Quốc, sản xuất cả các viên nang, rượu, người tiêu dùng xem chỉ biết các thành phần trong nhãn mác thì đủ năm thành phần, nhưng trong quá trình sản xuất thì liều lượng đúng như thế... thì lại chưa kiểm soát được.

Với một số sản phẩm nhập lậu ở nước ngoài, hoặc xách tay về mà chưa làm công bố thủ tục tại Việt Nam . Mặc dù về nguyên tắc phải công bố tại Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (ATVSTP), Bộ Y tế, nhưng số lượng ít, chủ yến bán thăm dò nên chủ yếu bán trôi nổi trên thị trường, không qua kiểm duyệt.

Ngay cả những sản phẩm đã công bố ở cục ATVSTP, nhưng lợi dụng tâm lý của khách hàng, người bán hàng thổi phồng lên về công dụng để bán sản phẩm. Đó là chua kể thông tin về các loại TPCN bị cấm lưu hành, hay trôi nổi trên thị trường chưa đến được với người tiêu dùng, nhiều loại TPCN đến tay khách hàng chủ yếu từ kênh truyền miệng, khó xác minh hiệu quả thực sự của sản phẩm.

Hiếu Hạnh  

Đọc thêm