Một dự án trồng rừng tại Quảng Nam bị cản trở nhiều năm: UBND huyện cũng “bó tay”, nhờ Tòa giải quyết

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Được UBND tỉnh Quảng Nam cho thuê đất thực hiện dự án trồng rừng sản xuất, nhưng nhiều năm qua ông Lê Văn Ngọc (ngụ huyện Quế Sơn) vẫn không cách gì thực hiện. Suốt thời gian trên, diện tích đất được giao cho ông Ngọc tại thôn 3, xã Phước Hiệp (huyện Phước Sơn) bị một người dân địa phương tranh chấp vì cho rằng đất do mình khai hoang, không thể giao cho người khác.
 Một phần dự án tại thôn 3.
Một phần dự án tại thôn 3.

Vụ việc còn khiến dư luận quan tâm do liên quan thói quen, tập tục khai hoang canh tác của người dân từ xưa trên đất Nhà nước quản lý.

Thuê được đất nhưng không thể canh tác

Khu đất đồi trồng keo tại thôn 3, xã Phước Hiệp, huyện Phước Sơn có nguồn gốc từ Xí nghiệp thuốc lá Quảng Sơn thuê của Nhà nước từ 2003, diện tích 144ha, giao UBND xã quản lý. Vì Xí nghiệp làm ăn thua lỗ, ngày 18/11/216, UBND tỉnh có Quyết định 4093/QĐ-UBND thu hồi đất, giao UBND xã Phước Hiệp quản lý và giao lại Cty Ngọc Sơn (ông Lê Văn Ngọc làm GĐ) thuê 19,37ha để thực hiện dự án trồng rừng sản xuất. Những phần còn lại gồm đường giao thông, các con suối thì không tính đến.

Trên cơ sở các căn cứ pháp lý trên, tháng 11/2016, Cty Ngọc Sơn đã thực hiện các trách nhiệm nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.

Ngày 13/6/2017, sau khi đơn vị cũ đã khai thác hết số cây keo, giao lại đất cho Cty Ngọc Sơn để dọn vệ sinh, chuẩn bị đưa cây keo con vào trồng. Tuy nhiên, lúc này ông Vũ Văn Minh (người dân ngụ thôn 4, xã Phước Hiệp) cho rằng đây là đất ông khai hoang, dọn dẹp nên không cho Cty làm lán trại, phát dọn cây.

Suốt 3 năm, hễ phía Cty Ngọc Sơn cho người vào trồng cây đều gặp cản trở. Nhiều lần Cty có văn bản báo cáo UBND xã và huyện, tỉnh.

Ngày 15/4/2019, UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện cùng Công an huyện Phước Sơn phối hợp giải quyết. Nhưng sự việc chưa thể rõ ràng dứt khoát vì ông Minh đưa ra lý do đất tranh chấp.

Theo đơn của Cty, tháng 7/2019, ông Sơn đưa 22 lao động vào làm lán trại để chăm sóc cây, lúc này ông Minh và người thân tiếp tục không cho người phía Cty tiếp cận. Cty báo cáo Công an xã và huyện Phước Sơn xuống lập biên bản, sự việc tạm được ổn thỏa.

Vậy nhưng trong thời gian 5 năm, khi cây keo lớn, phía tranh chấp bị cho là còn tự ý cho người vào khai thác hết 6ha cây keo trên 19,37ha trên. Công an xã đã vào kiểm tra hiện trường, đo đạc diện tích, đình chỉ không cho khai thác, lập biên bản lấy lời khai các đối tượng, chuyển hồ sơ cho Công an huyện Phước Sơn.

Thống nhất nhờ Tòa

Vụ việc kéo dài nhiều năm, gây bất ổn trật tự. Trong nhiều cuộc họp với UBND xã, Phòng TN&MT huyện, ông Minh cho rằng, ngày 22/2/2004 có làm đơn xin đất để xây dựng mô hình VACR và được UBND xã xác nhận. Tuy nhiên, biên bản giải quyết tranh chấp giữa ông Minh với Xí nghiệp Quảng Sơn (đơn vị cũ trước khi UBND tỉnh có quyết định cho Cty Ngọc Sơn thuê lại), ông Minh chưa cung cấp.

Một số cây keo của Cty Ngọc Sơn bị cho là bị phía tranh chấp “khai thác trộm”.

Một số cây keo của Cty Ngọc Sơn bị cho là bị phía tranh chấp “khai thác trộm”.

Trong khi đó, tại biên bản làm việc tháng 9/2021, ông Trần Ngọc Lan (cán bộ địa chính xã), cho biết, năm 2014, UBND huyện đo đạc toàn bộ diện tích của các hộ gia đình đang sử dụng trong ranh giới thuộc Xí nghiệp Quảng Sơn thuê đất. Trong hồ sơ đo đạc năm 2014, hộ ông Minh đã xác nhận ranh giới với phần diện tích trên là không tranh chấp. Từ đó, UBND huyện mới có căn cứ đề nghị cho Cty Ngọc Sơn thuê lại.

Trao đổi với PV, ông Vũ Đình Nghiễu, Chủ tịch UBND xã Phước Hiệp cho biết, năm 1998, ông Minh là người nơi khác đến huyện Phước Sơn lập nghiệp. Năm 2001, ông Minh nhập khẩu thường trú tại xã Phước Hiệp. Do thời điểm trước đó đất đồi mênh mông, xã tạo điều kiện để người dân tự phát quang, canh tác tăng thu nhập. Xã cũng hướng dẫn từ đơn xin cấp xã, người dân phải lên huyện và hoàn thiện các bước tiếp theo.

“Nhưng vì một phần do nhận thức, một phần chủ quan ở khu vực đồi núi, nên người dân mặc nhiên nhận đất của mình, từ đó mới xảy ra câu chuyện tranh chấp kéo dài như hôm nay. Địa phương đã nhiều lần giải thích nhưng ông Minh không đồng tình nên thống nhất đưa vụ việc ra Tòa thụ lý”, ông Nghiễu nói.

Về vấn đề này, trong các văn bản trả lời do ông Nguyễn Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện, ký, nêu rõ, trên cơ sở nhiều lần mời làm việc và ý kiến hai bên không thống nhất, huyện đề nghị ông Minh làm đơn kèm theo chứng cứ chứng minh nguồn gốc để được TAND các cấp xem xét giải quyết.

Văn bản nhấn mạnh: “Trong thời gian chờ, đề nghị ông Minh không được có hành vi gây cản trở việc sản xuất của Cty Ngọc Sơn. Tại thời điểm lập hồ sơ cho Cty Ngọc Sơn thuê không có phát sinh tranh chấp với các hộ gia đình, cá nhân nào, mà diện tích trên có nguồn gốc do thu hồi từ diện tích thuê của Xí nghiệp Quảng Sơn. Khi có quyết định của Tòa, bên nào sai phải có trách nhiệm bồi thường cho bên kia theo pháp luật”.

Thẩm phán Phan Thị Lan, Phó Chánh án TAND huyện, xác nhận hiện Tòa đã thụ lý đơn khởi kiện của ông Ngọc; bị đơn là ông Minh.

Ông Ngọc đề nghị Tòa giải quyết, buộc bị đơn không được cản trở trên diện tích đất 19,37ha UBND tỉnh cho Cty Ngọc Sơn thuê đất. Nguyên đơn cho rằng bị thiệt hại trong 6 năm bị đơn cản trở không cho Cty kinh doanh sản xuất; và khai thác trộm; nên đòi bị đơn phải bồi thường 300 triệu đồng. Tòa đã mời các bên tham gia hòa giải đến lần thứ hai nhưng vẫn chưa có kết quả.

Theo Cty Ngọc Sơn, tại dự án trên, tương tự như trường hợp ông Minh, còn có một số hộ ở thôn 1, 3, 4 cũng canh tác trên đất đồi chồng lấn phần đất Cty thuê. Do yếu tố lịch sử, tập quán khai hoang của bà con, Cty sẵn sàng thỏa thuận chi trả và những hộ này đều đã đồng tình bàn giao toàn bộ diện tích đất và cây trồng cho Cty Ngọc Sơn.

Đọc thêm