Mượn đất xong lấy luôn
Bà Võ Thị Mỹ Duyên (ngụ tại 1990 Phạm Phú Thứ, quận 6 – TP HCM) cho biết, trước năm 1975, cha mẹ bà mua lại đất tại đây, có giấy tờ do chế độ cũ cấp. Sau giải phóng, Nhà nước đắp con đê ngăn mặn Vĩnh Tân. Khoảng cuối 1979, đầu năm 1980 con đê hoàn tất đã chia đất canh tác của nhà bà Duyên và nhiều hộ dân khác ra làm hai phần trong đê và ngoài đê.
Theo đơn của bà Duyên, nguồn gốc phần đất mà bà đang khiếu nại có diện tích 10.250m2 trong khu rừng đước. Phần đất này của ông bà nội bà Duyênb (ông Võ Tấn Tài và bà Nguyễn Thị Sen), mua lại của ông Trần Văn Thừa với diện tích 21.300m2 và trực tiếp sử dụng.
Sau này khi tuổi già sức yếu, ông bà nội của bà Duyên đã tạm giao cho cháu nội là bà Võ Thị Mỹ Duyên canh tác. Đến năm 1976 thì ông nội bà Duyên qua đời nên bà Duyên trực tiếp canh tác 21.300m2 đất.
Vị trí khu đất mà người dân đang khiếu nại. |
Đến năm 1977, nhà nước có chủ trương đắp đập Rạch Chiêm ngăn đê khoanh vùng cắt ngang phần đất chia làm hai phần. Trong đó phần ngoài đê giao lại cho lực lượng quân sự huyện lên mô, liếp trồng mía và quản lý trồng đước cho đến nay. Còn phần đất bên trong đê thì bà Duyên tiếp tục sử dụng và được cấp quyền sử dụng đất.
Nhưng cho đến năm 2002, bà Võ Thị Mỹ Duyên làm đơn gửi đến UBND xã Tân Tập xin đăng ký phần đất ngoài đê nhưng không được xem xét, nên bà làm đơn khiếu nại xin lại 10.250m2 đất ngoài đê.
Ngày 12/01/2004, UBND huyện Cần Giuộc ban hành Quyết định số 49/QĐ-UB với nội dung bác đơn khiếu nại của bà Võ Thị Mỹ Duyên về việc xin lại diện tích 10.250m2 đất rừng đước hiện nay do Ban Chỉ huy quân sự huyện Cần Giuộc quản lý.
Theo bà Võ Thị Mỹ Duyên và một số bà con có đất ở khu vực ngoài đê Vĩnh Tân cho biết: “Năm 1977 – 1978, Nhà nước có đắp đập Rạch Chim và ngăn đê ra làm hai phần gồm phần trong đê và ngoài đê, cho đến chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra, bộ đội về đóng quân dọc theo đê để canh tác cải thiện đời sống.
Đến năm 1983 – 1984, bộ đội hết nhiệm vụ. Lúc này xã, huyện có chủ trương làm tập đoàn, phân chia đất theo nhân khẩu nên chính quyền giữ luôn khu đất ngoài đê. Đến năm 1989 – 1990 tập đoàn giải thể, đất của ai trả cho người đó, để cho dân tự canh tác tiếp. Đồng thời Nhà nước cho kê khai lại quyền sử dụng đất”.
Lúc đó, các hộ gia đình đã đem giấy tờ gốc ra xã kê khai lại để đổi quyền sử dụng đất. Nhưng lúc đó xã chỉ cấp quyền sử dụng đất phần trong đê, còn phần ngoài đê thì không cấp. Tuy nhiên, điều đáng nói là vẫn có hộ được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất ngoài đê.
Người dân đội nắng ra khu đất để đòi lại quyền lợi. |
Gia đình bà Duyên lúc đó cũng mong muốn được cấp quyền sử dụng đất cho phần đất ở ngoài đê của ông bà nội để lại, nhưng bị từ chối với lý do “đất khu rừng Đước, xã Tân Tập là đất có nguồn gốc của địa chủ, trước năm 1975 do chiến tranh đánh phá ác liết, ông hội đồng Ngay và các con ông bỏ đất hoang hóa về Sài Gòn sinh sống. Đến năm 1977, Nhà nước đã trưng dụng và đưa vào quản lý đất khu vực Rừng Đước cho đến nay và hiện nay khu vực đất này đã có quyết định thu hồi đất giao cho Công ty cổ phần Cảng Long An.
Do đó, việc các hộ dân khu vực Rừng Đước khiếu nại xin công nhận quyền sử dụng đất hoặc đòi lại đất nhưng không có các loại giấy tờ để chứng minh là không có cơ sở để xem xét giải quyết”.
Tuy nhiên, năm 1990, tập đoàn nông trường hoàn toàn giải thể nên đất của gia đình nào trả theo gia đình nấy. Đồng thời lúc này cũng có chủ trương kê khai để cấp sổ đỏ. Các hộ gia đình kê khai canh tác theo giấy tờ gốc từ ngày xưa, địa phương chỉ cấp sổ đỏ phần trong đê, còn phần ngoài đê là 44.000m2 thì không cấp.
Gia đình Bà Võ Thị Mỹ Duyên và các hộ dân có đất ở phần ngoài đê đã khiếu nại nhiều năm nay đều bị xã, huyện, tỉnh bác đơn, không xem xét giải quyết thỏa đáng, còn bác đơn với lý do không hợp lý như trường hợp của bà Võ Thị Mỹ Duyên.
Mâu thuẫn trong báo cáo của huyện
Theo Báo cáo số 250/BC-UBND của UBND huyện Cần Giuộc do Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc ký ngày 8/12/2016, trước năm 1945, ông Hội đồng Ngay có rất nhiều ruộng đất không rõ diện tích nằm dọc sông Soài Rạp, cho nông dân thuê đất để thu tô.
Sau khi ông Ngay qua đời, đất được giao lại cho các con ông Ngay sử dụng. Năm 1950 - 1955, do chiến tranh ác liệt nên các con ông Ngay về Sài Gòn sinh sống, bỏ lại đất hoang. Đến năm 1958, có một số hộ nông dân đến khai hoang nhưng sau đó cũng bỏ đi không sử dụng.
Năm 1960 - 1969, chế độ cũ giải tỏa khu vực từ mé sông Soài Rạp vào đất liền 2km cho tàu hải quân thường xuyên tuần tra bắn phá nên khu vực này dân không được ở và cũng không canh tác ruộng, đất bỏ hoang. Báo cáo của huyện đến đây bắt đầu có những thông tin khác so với thông tin người dân cung cấp, khi cho rằng, “sau ngày 30/4/1975, chính quyền Cách mạng có vận động dân vào khu vực này để khai vỡ sử dụng nhưng ít ai đến”.
Người dân cắm biển yêu cầu dừng thi công. |
Năm 1977-1978, Nhà nước đắp đập Rạch Chim và ngăn đê khoanh vùng giao cho lực lượng quân sự huyện quản lý khai hoang, sau đó giao Công an huyện khai phá. Năm 1983, UBND huyện giao cho Đoàn kinh tế tiếp tục khai phá nuôi trồng thủy sản, trồng trọt sau đó chuyển sang trồng đước.
Năm 1993, Tiểu đoàn Kinh tế giải thể, UBND huyện giao cho Xí nghiệp Công Nông nghiệp, đến năm 1994 giao lại cho Công ty Dịch vụ sản xuất kinh doanh tổng hợp huyện quản lý. Đến năm 2000 giao cho Ban Chỉ huy quân sự huyện quản lý phần đất có diện tích 206.985m2.
Bản báo cáo này kết thúc bằng phần nhận xét, “đất khu vực Rừng Đước, xã Tân Tập là đất của nguồn gốc của địa chủ, trước năm 1975 do chiến tranh đánh phá ác liệt, Hội đồng Ngay và các con ông bỏ đất hoang về lại Sài Gòn sinh sống.
Chế độ cũ đã khống chế khu vực này từ sông Soài Rạp vào 2km, thường xuyên cho tàu tuần tra bắn phá nên không cho người dân nào canh tác ruộng được trong khu vực này từ những năm 1960 cho đến năm 1975”.
Ngay trong bản báo cáo này cũng đã bộc lộ mâu thuẫn, khi ở trang trước cho rằng “ít ai đến” khai hoang, nhưng phần nhận xét lại nói rằng: "không có người dân đến khu vực này để khai khẩn”.
Vẫn theo báo cáo, “đến năm 1977, Nhà nước đã trưng dụng và đưa vào quản lý đất khu vực rừng đước cho đến nay và hiện nay khu vực đất này đã có Quyết định thu hồi đất giao cho Công ty Cổ phần Cảng Long An. Do đó, việc các hộ dân khu vực rừng đước khiếu nại xin công nhận quyền sử dụng đất hoặc đòi lại đất nhưng không có các loại giấy tờ để chứng minh là không có cơ sở để xem xét giải quyết”.
Xem xét thực tế, căn cứ vào các giấy tờ các hộ dân còn lưu giữ, cho thấy báo cáo nêu trên của huyện có nhiều điểm không chính xác. Vì sao có chuyện công sức khai hoang bao đời của các hộ dân bất ngờ bị “xóa trắng” như trên? Báo PLVN sẽ tiếp tục phản ánh sự việc.