Một số cách giúp giảm bớt sự nóng tính

Trong cuộc sống hiện đại bộn bề những lo toan, chúng ta cảm thấy luôn ẩn chứa bao nhiêu điều bức xúc, hay nóng giận mà đôi khi dẫn đến những hành vi tổn thương cho người khác và cho chính bản thân mình.

Bởi những hành vi bốc đồng, khả năng tập trung và cưỡng lại ham muốn nhất thời cũng như sự chấp nhặt, tức giận, bất ổn… trong quan hệ giao tiếp có tác động rất lớn đến danh tiếng, công việc, và cả sức khỏe tinh thần và thể chất. Vậy làm sao để giảm bớt nóng tính và kiểm soát cơn giận?

Khi ta đang ở cấp độ trung bình thì đối với điều bất như ý thì ta biết đó là điều bất như ý và cố gắng đón nhận. Khi ta đang ở cấp độ trên trung bình thì đối với điều bất như ý thì ta xem đó là điều tự nhiên nó phải xảy ra như vậy theo nhân duyên mà không cần đem so với ý ta. Khi ta ở cấp độ thấp hơn trung bình thì đối với điều bất như ý là ta thấy nó đều là vấn đề là tồi tệ là nguy hại không nên xảy ra và cần loại bỏ.

“Tức giận”, đối với bản thân là cái không được chấp nhận vì nó gây ra “nhân duyên ác”.

Khi ta đang nổi giận thì ta cố gắng chống trả hay loại trừ tránh né không chấp nhận điều bất như ý, nhận thức ta lúc đó tin rằng nếu chấm dứt điều bất như ý ấy thì ta sẽ khỏe sẽ an lành sẽ có giá trị, khi ta suy cạn năng lượng hay tổn thương tâm lý thì phản ứng tự vệ càng dữ dội, tâm tưởng tượng sẽ khuếch trương vấn đề lên gấp trăm ngàn lần , tức là ta phản ứng trên cái hiểu biết sai lầm chủ quan của mình, nhưng có khi đối tượng không phải như vậy , thậm chí đối tượng rất dễ thương và muốn giúp đỡ ta.

Một vài câu nói khả nghi chạm vào ký ức đau đớn ta có thể ta đáp trả như họ là kẻ xấu đang muốn hại ta. Nhưng khi ta đang ổn đang vui vẻ tràn đầy năng lượng thì cũng là lời nói hay hành động không dễ thương của người nào đó sẽ không đủ sức làm cho ta nổi giận, tại vì khi đó điều kiện để giận không có trên bề mặt tâm thức. Như vậy đã rõ cơn giận của ta không phải do ai gây ra không ai đủ sức để làm điều đó nếu trong ta không có sẵn những điều kiện hình thành, giận là do hạt giống giận trong tâm thức ta quá lớn, đối tượng bên ngoài chỉ là một điều kiện thôi, hãy nhớ điều này để nỗi sợ hãi luôn đi kèm với cơn giận, nếu để ý kỹ sẽ thấy, sợ thua thiệt, sợ thất bại, sợ mất mát, sợ bị chê bai, sợ bị hiểu lầm, sợ bị lấn lướt, sợ bị bỏ rơi, sợ cô đơn.... Sợ quá mới tức giận...

Vì nội lực ta suy yếu do thiếu môi trường đào luyện, thiếu va đập với cuộc sống và đặc biệt là thiếu quay vào bên trong để xây dựng thói quen tỉnh thức, ta đã quen thói quen tìm kiếm đối tượng bên ngoài để có hạnh phúc, để tránh né cảm giác khó chịu, như vậy nếu muốn đối trị cơn giận phải nhổ gốc nỗi sợ.

Để thoát được cơn giận nhanh chóng nhất là phải tách tâm mình ra khỏi câu chuyện hay đối tượng vừa mới xảy ra, hãy đưa nó về ngay với hơi thở càng lâu càng tốt, chú ý sự phồng xẹp của bụng là cách dễ nhất trong lúc tâm đang hoang mang đi bộ ngoài trời chú ý vào bước chân và hơi thở nhớ là không nên nói năng hành động gì trong lúc giận vì lúc đó ta bị cảm xúc khống chế tâm không sáng suốt sẽ dễ xảy ra điều đáng tiếc...

Giỏi hơn nữa là nhìn thẳng vào cơn giận để quán sát từ khi nó mới phát sinh đến hình thành chế ngự từng phần đến khi thúc đẩy ta bung ra thành lời nói và hành động, tuy nhiên tâm ta lúc đó phải vững và nhất là phải có đủ sự tỉnh thức thì mới nên nhìn vào cơn giận, vì năng lực cơn giận khi đó rất mạnh nên nếu năng lực quan sát yếu hơn sẽ bị nó nuốt chửng và nó sẽ lại phình to hơn...

Nói chung quan sát được cơn giận là rất khó đòi hỏi không chỉ năng lực dự trữ sẵn mà phải cần kinh nghiệm và kỹ thuật khéo léo nữa, quan sát được cơn giận để nó không chiếm thế chủ động không để nó bành trướng ra là cách hữu hiệu nhất để cơn giận được bào mòn từ từ đến khi không còn trở lại làm phiền ta nữa, tuy nhiên đừng bao giờ tin rằng chỉ nhìn vào cơn giận là ta thắng được cơn giận ngay, ta phải nếm mùi thất bại te tua tơi tả nhiều lần, nhưng không sao! Cứ kiên trì, dù sao ta vẫn còn giải pháp phòng hờ là hơi thở chẳng hạn, khi nào thấy năng lượng ổn định thì ta quan sát cơn giận tiếp nếu nó vẫn còn ấn núp đâu đó, mà thật ra dập tắt cơn giận không quan trọng bằng nhận diện ra cơn giận, quan sát cơn giận liên tục mà không đồng nhất với nó vì kỹ năng này giúp ta luôn chủ động tình hình tâm thức, sau này dù là cơn giận hay bất cứ tâm tiêu cực nào khác tấn công ta cũng sẽ có tay nghề để xử lý và chỉ có cách quan sát trực tiếp này mới có hy vọng chặn đứng thế lực phiền não, thế nên năng lực tỉnh thức là quan trọng nhất để đạt đến tự do đích thực, vậy ta cứ chấp nhận mỗi khi phiền não có mặt, đừng sợ, công việc chính của người hành thiền là phát triển chánh niệm chứ không cần diệt trừ phiền não mà có muốn diệt cũng không được, hãy để chánh niệm giải quyết, tự phát hiện, tự soi rọi, tự đốt cháy phiền não, phiền não rơi rụng tới đâu thì ta ghi nhận tới đó, tóm lại cơn giận chính là hồi chuông kêu gọi chúng ta quay về giúp đỡ chính mình

Trích từ sách Làm như chơi – Thầy Minh Niệm