Một số dấu hiệu sai phạm tại BV Mắt Thái Nguyên

(PLVN) - Bác sĩ (BS) đang đi học tập trung nhưng vẫn tham gia khám chữa bệnh tại bệnh viện và có dấu hiệu ký khống hàng loạt phiếu siêu âm; bị từ chối thanh toán chi phí khám chữa bệnh do thực hiện dịch vụ kỹ thuật trên máy mượn và nhiều dấu hiệu vi phạm khác là những vấn đề bị tố xảy ra Bệnh viện Mắt Thái Nguyên (BVMTN).
Bệnh viện Mắt Thái Nguyên bị “tố” hàng loạt sai phạm
Bệnh viện Mắt Thái Nguyên bị “tố” hàng loạt sai phạm

Theo đơn thư tố cáo gửi đến Báo PLVN, BS Nông Xuân Ngàn đang học cao học hệ tập trung tại Hà Nội theo Quyết định số 2245/QĐ-SYT ngày 8/10/2018 về việc cử viên chức đi học sau đại học năm 2018 của Sở Y tế Thái Nguyên. Tuy nhiên, trong thời gian đi học, BS Ngàn vẫn tham gia ký phiếu siêu âm mắt tại BVMTN.

Theo phản ánh, trong thời gian đầu, BS Ngàn về ký phiếu siêu âm vào các ngày cuối tuần, sau đó chỉ về một vài lần để ký khống hàng loạt phiếu siêu âm trong khoảng thời gian từ tháng 10/2018 – tháng 3/2019. Trong đó, ước chừng khoảng trên 700 phiếu siêu âm A, Javal, đo công suất thể thủy tinh cho bệnh nhân mổ phaco (chủ yếu là bệnh nhân BHYT) và trên 200 ca siêu âm B chẩn đoán bệnh lý dịch kính võng mạc để thu tiền siêu âm của bệnh nhân khám yêu cầu. 

Đáng chú ý, quý IV năm 2018 và quý I năm 2019, thông qua giám định BHYT, BHXH tỉnh Thái Nguyên đã từ chối thanh toán chi KCB BHYT tại BVMTN với số tiền hơn 54 triệu đồng. Theo đó, nguyên nhân được Phòng Giám định BHYT, BHXH tỉnh Thái Nguyên chỉ rõ tại Báo cáo tổng hợp từ chối thanh toán chi KCB BHYT tại BVMTN: Không thanh toán chi phí KCB do BS vừa đi học vừa đi làm.

Cụ thể, BS Nông Xuân Ngàn, Hoàng Mạnh Hùng có quyết định đi học tại Trường Đại học Y Hà Nội nhưng vẫn trực tiếp tham gia KCB và điều trị trong giờ hành chính và không thanh toán chi phí KCB do BS vừa đi học vừa đi làm, thực hiện dịch vụ kỹ thuật trên máy mượn.

Tuy nhiên, Kết luận số 1006/KL-SYT ngày 15/5/2019 của Sở Y tế Thái Nguyên kết luận nội dung tố cáo của BVMTN có liên quan đến ông Nguyễn Văn Hữu (Phó Giám đốc phụ trách bệnh viện) lại cho rằng: BS Ngàn được sự chỉ đạo của Ban lãnh đạo bệnh viện về đọc và ký vào tờ siêu âm mắt để giúp đỡ bệnh viện trong lúc khó khăn khi thiếu BS. Việc hỗ trợ chuyên môn là đúng trách nhiệm của một người cán bộ tại bệnh viện cũng như theo đúng cam kết với bệnh viện trước khi đi học và khẳng định là hoàn toàn không ký khống vào tờ siêu âm.

Trái ngược với kết luận Thanh tra của Sở Y tế Thái Nguyên, lãnh đạo BHXH tỉnh Thái Nguyên cho rằng: BS Nông Xuân Ngàn, Hoàng Mạnh Hùng muốn tham gia KCB trong giờ hành chính tại BVMTN buộc phải có đơn xin nghỉ học, bảo lưu kết quả tại Trường Đại học Y Hà Nội. Khi quay trở lại thăm khám bệnh phải có thông báo bằng văn bản và có lịch cụ thể hàng ngày, hàng giờ, chứ không có chuyện được thăm khám thường xuyên.

“Ngay sau khi phát hiện trường hợp BS Nông Xuân Ngàn, Hoàng Mạnh Hùng đang đi học nhưng vẫn tham gia KCB, bộ phận giám định BHYT đã tổng hợp và từ chối thanh toán đối với những trường hợp này. Bởi theo quy định, BS đang đi học tập trung thì không đảm bảo thời gian có thể tham gia KCB tại bệnh viện được. Do vậy, chúng tôi khẳng định không đúng và từ chối thanh toán. Còn việc BVMTN có trục lợi BHYT hay không thì phải chờ kết quả từ phía các cơ quan chức năng” – đại diện lãnh đạo BHXH tỉnh Thái Nguyên cho biết.

Theo nhận định của các chuyên gia, việc ký khống phiếu siêu âm là hành vi vi phạm pháp luật, có tổ chức, bởi một cá nhân không thể thực hiện được. Trong trường hợp trên, nếu BHXH tỉnh Thái Nguyên không phát hiện thì sẽ có hàng nghìn ca ký “khống” phiếu siêu âm và sổ bệnh án gian lận, trót lọt hòng trục lợi BHYT và thu tiền của các đối tượng bệnh nhân sai quy định.

Vậy, có hay không hành vi “trục lợi BHYT” tại bệnh viện này? Dư luận đang rất cần câu trả lời chính xác từ phía các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên. 

Theo Điều 215 BLHS năm 2015, các hành vi giả mạo giấy tờ, hồ sơ để trục lợi BHYT..., chiếm đoạt tiền BHYT từ 10.000.000đ đến dưới 100.000.000đ hoặc gây thiệt hại từ 20.000.000đ đến dưới 200.000.000đ mà không thuộc trường hợp quy định tại một trong các điều 174, 353 và 355 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 20.000.000đ đến 100.000.000đ, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm…

Đọc thêm