Một vụ “cố ý gây thương tích”: Bên bị hại cũng có hành vi hủy hoại tài sản sao vẫn vô can?

(PLVN) - Truy tố và xét xử Nguyễn Quốc Hùng (SN 1993, ngụ xã Hà Linh, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) về tội “Cố ý gây thương tích”, các cơ quan tiến hành tố tụng đều không xem xét đến nguyên nhân dẫn đến sự việc phạm tội, là việc bị hại đã có hành vi chặt hạ cây trồng của gia đình bị cáo. Việc này bị cho là không chỉ vi phạm nguyên tắc “khách quan, toàn diện” khi xác định sự thật của vụ án, mà còn có dấu hiệu bỏ lọt tội “Cố ý hủy hoại tài sản”. 
Công an xã Hà Linh trong một lần đến hiện trường giải quyết việc chặt phá cây keo
Công an xã Hà Linh trong một lần đến hiện trường giải quyết việc chặt phá cây keo

Xô xát từ tranh chấp đất  

Theo hồ sơ vụ án, sáng 29/3/2018, ông Nguyễn Khắc Thiết (SN 1957 trú tại xã Earan, huyện EaH’leo, tỉnh Đắk Lắk)  cùng chị gái (bà Nguyễn Thị Huy, SN 1952, trú tại xã Hà Linh, huyện Hương Khê) và anh Phan Văn Hà (con rể bà Huy) mang theo rựa mống, cuốc đào… đến khu vực vườn keo ở xóm 9, xã Hà Linh để dọn vườn (chặt cây keo).

Tuy nhiên, do đây là khu đất mà gia đình bà Nguyễn Thị Chiến (mẹ bị cáo Hùng) đang sử dụng và trồng keo, tranh chấp chưa được giải quyết dứt điểm, giữa hai bên đã xảy ra xô xát.

Hùng chạy đến can ngăn bà Huy và bà Chiến thì bị ông Thiết lấy gậy gỗ đánh trúng vào cổ tay và khuỷu tay trái. Bị đánh, Hùng liền dùng rựa mồng vung về phía ông Thiết một cái nhưng không trúng. Ông Thiết lùi lại, tiếp tục bị Hùng chém trúng một nhát vào mạng sườn bên trái.

Sau khi được đưa đi cấp cứu, điều trị, ông Thiết được giám định tổn thương 40% sức khỏe. Từ kết quả này, Hùng đã bị khởi tố, bắt tạm giam và truy tố về tội “Cố ý gây thương tích”.

Tại phiên tòa sơ thẩm, Hùng bị TAND huyện Hương Khê tuyên phạt 6 năm tù. Sau đó Hùng kháng cáo nhưng bị TAND tỉnh Hà Tĩnh tuyên y án sơ thẩm.

Đáng nói, trong vụ án này, ngay từ giai đoạn điều tra, bà Chiến đã liên tục có đơn thư đề nghị CQĐT Công an huyện Hương Khê xem xét, xử lý hành vi “cố ý hủy hoại tài sản” của ông Thiết, bà Huy trong cùng vụ án để làm rõ nguyên nhân, động cơ phạm tội của Hùng cũng như đảm bảo giải quyết triệt để, toàn diện vụ án.

Tuy nhiên, cả Kết luận điều tra và Cáo trạng đều chỉ nêu rằng: “Liên quan đến hành vi chặt cây keo tràm do gia đình bà Chiến trồng, hiện CQĐT đang phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tục xác minh, điều tra làm rõ để xử lý”.

Hủy hoại tài sản người khác vẫn vô can

Ngày 28/5/2019, CQĐT Công an huyện Hương Khê có văn bản trả lời bà Chiến, cho rằng “việc ông Thiết, bà Huy chặt cây keo lá tràm trồng trên thửa đất không có dấu hiệu tội phạm, không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan CSĐT Công an huyện Hương Khê”.

Phản đối việc trả lời trên, bà Chiến đã có đơn khiếu nại vì cho rằng Thông báo trả lời trên là không đúng với quy định của Bộ Công an về thủ tục giải quyết tin báo, tin tố giác tội phạm và điều tra hình sự (không căn cứ điều luật, không thể hiện việc gửi văn bản đến VKSND cùng cấp để thực hiện chức năng kiểm sát…).

Ngoài ra, thông báo của Cơ quan CSĐT Công an huyện Hương Khê còn có nội dung thiếu khách quan, có dấu hiêu bỏ lọt tội phạm và bao che cho người vi phạm. Cụ thể, trong thời gian từ năm 2008 đến tháng 3/2018 gia đình ông Thiết, bà Huy nhiều lần kéo người đến thửa đất đang tranh chấp để chặt phá keo của gia đình bà Chiến và đánh người.

Trong nhiều lần lập biên bản ghi nhận, ngoài việc yêu cầu các bên giữ nguyên hiện trạng thì UBND xã Hà Linh đã xác định khá cụ thể số cây bị gia đình ông Thiết chặt phá. 

Cụ thể, biên bản ngày 16/10/2014 xác định có  378 cây keo bị chặt phá (trị giá hơn 10,3 triệu đồng). Biên bản ngày 15/03/2018 xác định có 166 cây keo bị cắt ngả (đường kính 18- 20cm, cao khoảng 15m, từ 7 – 10 năm tuổi)… Trong khi đó, gia đình bà Chiến sử dụng đất từ năm 2000, trên cơ sở có sự đồng ý của lãnh đạo UBND Hà Linh lúc đó.

Theo Luật sư Hà Mạnh Huy (Cty Luật Hà Nguyễn, Hà Nội) thì tại thời điểm chị em ông Thiết kéo đến chặt phá cây keo của gia đình bà Chiến, vẫn chưa có bất kỳ quyết định, bản án có hiệu lực nào của cơ quan có thẩm quyền  giải quyết tranh chấp đất đai giữa hai gia đình.

Hơn nữa, giả sử có quyết định hoặc bản án giải quyết tranh chấp đất thì  cũng phải được thi hành bởi cơ quan có thẩm quyền chứ gia đình ông Thiết không được tự ý kéo người đến chặt cây của gia đình bà Thiết. 

Số cây keo bị gia đình ông Thiết chặt hạ đều được UBND xã Hà Linh lập biên bản yêu cầu bàn giao cho gia đình bà Chiến quản lý. Như vậy, bản thân chính quyền địa phương và các đương sự trong vụ án này đều thừa nhận số cây keo bị ông Thiết chặt hạ (có giá trị hàng chục triệu đồng) thuộc sở hữu của gia đình bà Chiến. Vì vậy, hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu này là có dấu hiệu của tội “Cố ý hủy hoại tài sản”, cần được khởi tố, điều tra theo theo quy định.

Chưa hết, sự việc xô xát giữa hai bên xảy ra là do bên gia đình ông Thiết kéo người đến tiếp tục chặt phá cây keo của gia đình bị cáo Hùng. Chính từ việc hủy hoại tài sản này dẫn đến hành vi chém người của Hùng.

Như vậy, việc cơ quan tố tụng huyện Hương Khê và tỉnh Hà Tĩnh “loại” hành vi hủy hoại tài sản và không xem xét giải quyết trong vụ án này là không đảm bảo nguyên tắc xử lý vụ án khách quan, triệt để, toàn diện. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến việc xác định tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Hùng, mà còn có dấu hiệu bỏ lọt tội “hủy hoại tài sản” với những người đã chặt phá cây gia đình bị cáo.

Ngoài việc khiếu nại Thông báo giải quyết tố cáo của CQĐT Công an huyện Hương Khê, mới đây bà Chiến đã có đơn thư đề nghị xem xét vụ án của con trai bà theo thủ tục giám đốc thẩm. Được biết ngày 17/5/2019, TAND Tối cao đã tiếp nhận đơn thư này. 

Đọc thêm