Hầu hết nhân chứng vắng mặt, luật sư “tẩy chay” phiên tòa
Tuy là phiên tòa đầu tiên nhưng đã có 8/10 nhân chứng vắng mặt. Cả bị cáo lẫn 5 luật sư (LS) bào chữa đều đề nghị hoãn phiên tòa vì việc vắng nhiều nhân chứng như trên thì xét xử sẽ không khách quan.
Nhất là trong vụ án này, các nhân chứng vắng mặt (là người thân của bị hại) đều có lời khai mâu thuẫn nhau, mâu thuẫn với các lời khai của người khác cần phải có mặt tại tòa để tiến hành đối chất. Một số LS còn cho rằng phải triệu tập Giám định viên để làm rõ nhưng khuất tất trong quá trình giám định và nội dung trong Kết luận giám định (KLGĐ) thương tích.
Tuy nhiên, HĐXX đã không chấp nhận đề nghị trên và quyết định tiếp tục xét xử vì cho rằng các nhân chứng và cơ quan giám định đã có lời khai hoặc văn bản trong giai đoạn điều tra. Ngay sau đó, cả 5 LS đã đồng loạt “tẩy chay” phiên tòa bằng cách từ chối tham gia tố tụng. LS Lê Văn Kiên (Văn phòng LS Ánh sáng công lý) cho rằng, việc HĐXX tiến hành xét xử dựa trên hồ sơ là không khách quan, không đảm bảo nguyên tắc tranh tụng công khai tại tòa, không thực hiện đúng yêu cầu cải cách tư pháp. Vì vậy, LS có tham gia bào chữa thì cũng như không.
Sau khi hội ý, HĐXX quyết định tiếp tục phiên xử mà không có mặt các LS bào chữa cho bị cáo.
Kiểm sát viên thừa nhận vụ án có nhiều mâu thuẫn
Theo cáo trạng, chiều 19/7/2003, ông Đỗ Đăng Chuyên và con trai Đỗ Đăng Của đến thửa đất đang có tranh chấp với gia đình Quý, Thúy tại gò Chè (xã Vân Côn) để đào móng xây tường rào. Sau khi bố con ông Chuyên có lời lẽ thách thức, Quý chạy về nhà gọi bố là ông Quản Đắc Họp ra giải quyết. Ông Họp cầm theo 1 gậy và 1 dao rựa ra chỗ đất tranh chấp và hô “thằng nào lằng nhằng thì chém chết cho tao”.
Sau đó, ông Hợp và Quý cầm dao rựa xông vào xô xát với ông Chuyên. Còn Thúy thì cầm tuýt sắt vụt trúng vào ngón trỏ tay phải anh Của. Anh Của bị Quý ném đất nên bỏ chạy thì bị Quý đuổi kịp, đứng đối diện cầm dao rựa chém 1 nhát trúng vào trán bên phải. Bị Quý chém tiếp 1 phát nữa, anh Của giơ tay lên đỡ thì nhát dao trúng cổ tay phải.
Theo KLGĐ thì anh Của bị 2 vết thương rách da ở vùng trán và cẳng tay phải do vật sắc nhọn gây nên, tỷ lệ thương tật là 34,16%.
Đến tháng 11/2003, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hoài Đức đã khởi tố vụ án, khởi tố 3 bố con ông Họp về tội “Cố ý gây thương tích”. Tuy nhiên, đến tháng 7/2015 thì cơ quan này đã có quyết định tách vụ án, tạm đình chỉ điều tra đối với ông Họp vì thấy rằng ông này là thương binh, đang được điều trị bệnh động kinh nên cần phải giám định tâm thần. Riêng Quý và Thúy bị truy tố về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 3, Điều 104 BLHS.
Trình bày quan điểm luận tội, Kiểm sát viên (KSV) VKSND huyện Hoài Đức thừa nhận: “Vụ án này bị kéo dài do hồ sơ có nhiều mâu thuẫn, phải trả đi, trả lại nhiều lần. Ngoài ra, bị hại của vụ án cũng có nhiều lời khai mâu thuẫn nhau và CQĐT không thu giữ được hung khí… Trong khi đó, các bị cáo không thừa nhận đã chém người và không hợp tác với CQĐT…”.
Bị hại liên tục thay đổi lời khai trong quá trình điều tra
Trả lời HĐXX về mâu thuẫn trong lời khai của mình, bị hại Của thừa nhận: “Lúc đầu, tôi khai bị ông Họp chém vào trán do được mọi người nói lại. Sau này tôi thay đổi lời khai là bị Quý chém. Còn về “thứ tự” vết chém, anh Của cho biết: “Lúc tôi khai bị chém ở tay trước, ở trán sau. Lúc thì khai bị chém ở trán trước, tay sau. Sở dĩ lời khai khác nhau như vậy là do lúc bị chém nhanh nên tôi không nhớ chính xác…”.
Cả bị cáo Thúy và Quý đều bác bỏ lời khai của bị hại và cho rằng, rất vô lý ở chỗ, bị hại bị chém ở tư thế đối diện nhưng lại không biết rõ ai là người chém mình, và cũng không biết bị thương ở đâu trước, ở đâu sau; Lúc thì khai bị chém ở trán phải, lúc thì khai bị chém ở trán trái… Hơn nữa, lời khai này còn mâu thuẫn với lời khai của nhiều nhân chứng khác. Đơn cử như nhân chứng Nguyễn Công Long (con nuôi ông Chuyên) cũng từng khai “không nhìn thấy Quý chém Của. Trước đây khai Quý chém Của là do suy diễn”.
Trước khi phiên tòa này diễn ra, một số LS đã có văn bản kiến nghị gửi TAND huyện Hoài Đức cho rằng việc truy tố Thúy, Quý là không có cơ sở vì Viện kiểm sát không chứng minh được ai, dùng hung khí gì, gây vết thương ở đâu cho bị hại…; Quy kết Quý cầm dao chém người nhưng không làm rõ con dao này ở đâu ra, hình thù như thế nào? Có gây được vết thương rách da dài 7cm trên trán bị hại mà không ảnh hưởng đến xương sọ không? Vết thương trên trán bị hại và tay bị hại có phải cùng 1 con dao gây ra hay không? Có LS còn cho rằng vết thương ở đầu anh Của là do anh này bị ngã xuống mương nước chứ không phải bị chém.
Dù các bị cáo không nhận tội, CQĐT không thu được hung khí của vụ án, bản thân bị hại có lời khai mâu thuẫn về thương tích, về trình tự bị chém, về người chém mình… nhưng ngạc nhiên ở chỗ, tại bản án sơ thẩm, HĐXX vẫn nhận định rằng: “Lời khai bị hại phù hợp với lời khai người làm chứng, phù hợp với thương tích, phù hợp các hung khí và cách thức trình tự các bị cáo gây thương tích cho bị hại…” . Từ đó, HĐXX tuyên phạt Quản Đắc Quý 5 năm 6 tháng tù; bị cáo Quản Đắc Thúy 5 năm tù.
CQĐT trưng cầu giám định trước khi biết vụ việc
Theo kết luận điều tra (KLĐT) thì ngày 27/10/2003, Công an huyện Hoài Đức mới nhận được báo cáo của Công an xã về vụ việc và ngày 17/11/2003 thì khởi tố vụ án. Tuy nhiên, hồ sơ vụ án lại thể hiện, ngày 19/8/2003, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hoài Đức đã có Quyết định trưng cầu giám định tổn hại sức khỏe cho anh Của. Như vậy, CQĐT đã trưng cầu giám định trước khi biết vụ việc hơn 2 tháng.
Nhiều LS đã có văn bản đề nghị các Cơ quan tiến hành tố tụng làm rõ ai là người đã đưa anh Của đi giám định? Liệu có việc giám định khống trong vụ án này? KLGĐ được gửi đi đâu khi cơ quan trưng cầu giám định còn chưa biết về vụ án? Tuy nhiên, những vấn đề này đã không được cơ quan nào trả lời.