Một vụ kiện hành chính tại Hà Nội: Vì sao đơn kháng cáo bị Tòa “ngâm” gần 4 năm?

(PLO) - Ngay sau khi bị TAND TP Hà Nội bác đơn khởi kiện đối với UBND TP Hà Nội, ông Mai Thế Cường (trú tại 2C Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm. Thế nhưng đã gần 4 năm nay, đơn kháng cáo và hồ sơ vụ kiện hành chính này vẫn chưa được chuyển đến Tòa cấp phúc thẩm để xét xử theo thẩm quyền.
Ông Cường đã có đơn tố cáo việc cụ Sơn bị giả mạo chữ ký “hiến nhà” trong vụ việc này
Ông Cường đã có đơn tố cáo việc cụ Sơn bị giả mạo chữ ký “hiến nhà” trong vụ việc này

Bị “quản lý” nhà đất không đúng căn cứ?

Năm 1964, khi đang sử dụng đất theo ủy quyền của Hội đồng gia tộc họ Mai thì cụ Mai Thế Sơn (bố ông Cường) nhận được Thông báo số 880/QLNĐ của  Ủy ban Hành chính (UBHC) TP Hà Nội Hà Nội cho biết “thành phố đã quản lý đất của gia đình bàn giao ở ngõ Thịnh Hào 2, khu Đống Đa và cấp Giấy chứng nhận sử dụng đất cho 4 hộ khác”. Kèm theo Thông báo trên là văn bản có nội dung “đề nghị được giao cho Nhà nước quản lý nhà, đất” (ghi ngày 18/5/1963), có chữ ký “Sơn”.

Cho rằng chữ ký trên không phải của mình, cụ Sơn đã khiếu nại đến Sở Nhà đất khẳng định chưa bao giờ bàn giao bất kỳ diện tích đất nào cho UBHC TP Hà Nội. Tuy nhiên, khi trả lời khiếu nại của cụ Sơn vào năm 1996, Sở Nhà đất không trả lời rõ về chữ ký này mà cho rằng: “Nhà nước không thừa nhận lại việc đòi lại đất đã giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Vì vậy, việc Nhà nước quản lý thửa đất của cụ Sơn là đúng chính sách và việc đòi lại thửa đất này là không có cơ sở để giải quyết.

Khi cụ Sơn mất, việc đòi đất vẫn được tiếp tục và kéo dài đến ngày 16/6/2011 thì UBND TP Hà Nội có Quyết định giải quyết số 2694/QĐ-UBND “bác” đơn của ông Cường (khiếu nại việc Nhà nước quản lý nhà đất theo Thông tư số 73/TTg ngày 7/7/1962)”.

Không đồng ý, ông Cường đã khởi kiện vụ án hành chính, đề nghị Tòa tuyên hủy Quyết định số 2694/QĐ- UBND nêu trên vì cho rằng hồ sơ quản lý đất có nhiều mâu thuẫn; UBND TP Hà Nội trích dẫn sai quy định và dùng văn bản giao đất có chữ ký giả mạo của cụ Sơn để làm căn cứ giải quyết khiếu nại, ảnh hưởng đến quyền lợi của gia đình ông. Cụ thể, đối với chiếu với Thông tư 73/TTg thì đất của gia đình ông Cường không thuộc diện bị quản lý vì đất không vắng chủ, không bỏ hoang, không cho thuê (một phần gia đình sử dụng, một phần cho bộ đội ở nhờ). Các thông tin tại văn bản đề nghị giao đất ngày 18/5/1963 (như tuổi, nghề nghiệp của cụ Sơn, số thửa đất, địa chỉ…) đều không đúng.

Chữ ký không phải của chủ đất

Ngoài ra, gia đình ông Cường đã gửi đi giám định chữ ký của cụ Sơn tại văn bản đề ngày 18/5/1963. Viện Khoa học hình sự (KHHS)- Bộ Công an đã kết luận: chữ viết, chữ ký trên tài liệu này không phải của cụ Sơn.

Tuy nhiên, khi xét xử sơ thẩm, TAND TP Hà Nội lại cho rằng: “Việc giám định tài liệu là bản photocopy và các tài liệu so sánh là bản photocopy không phải là bản gốc thì không đảm bảo tính chính xác của tài liệu cần giám định”. Từ đó, bác đơn khởi kiện của ông Cường.

Luật sư Nguyễn Trung Thành (Cty TNHH Luật Hòa Lợi) cho rằng,  UBND TP Hà Nội cho rằng ông Sơn đã bàn giao nhà đất cho Nhà nước ngày 18/5/1963 thì trước hết phải đưa ra các chứng cứ thể hiện việc UBHC TP Hà Nội đã “quản lý” nhà đất của gia đình ông Cường năm 1963, trong đó phải đưa ra bản gốc văn bản xin giao nhà đất cho Nhà nước có chữ kỹ ông Sơn ngày 18/5/1963. Đáng lẽ, Tòa án phải yêu cầu bên bị kiện cung cấp bản gốc ghi ngày 18/5/1963 có chữ ký “Sơn” (mà Sở Nhà đất đã sao gửi gia đình ông Cường năm 1964) để đối chiếu, làm cơ sở giải quyết vụ kiện. Nếu bên bị kiện không xuất trình được văn bản gốc thì cũng có nghĩa năm 1964, nhà đất của cụ Sơn đã bị “quản lý” thiếu căn cứ. Không hiểu sao việc “không có bản gốc” lại bị Tòa coi là căn cứ để bác đơn khởi kiện của ông Cường?

Áp dụng Luật năm 2003 để giải quyết khiếu nại từ năm 1964

Ngoài ra, theo LS Thành thì Quyết định số 2694/QĐ- UBND (đối tượng bị kiện) căn cứ vào Luật Đất đai 2003 và Nghị định 181/2004/NĐ-CP để bác đơn của ông Cường là không đúng quy định.

Khoản 2, Điều 4 Nghị định 181 quy định rõ: “Việc giải quyết các trường hợp khiếu nại, tranh chấp về đất đai phải căn cứ vào pháp luật về đất đai tại thời điểm xảy ra các quan hệ đất đai dẫn đến khiếu nại, tranh chấp”. Như vậy, nếu UBND TP Hà Nội thừa nhận vào năm 1964, cụ Sơn đã có đơn xin lại nhà đất thì đúng ra, cơ quan này phải căn cứ vào các quy định của pháp luật về đất đai có hiệu lực thời điểm 1964 để giải quyết khiếu nại của cụ Sơn. Điều này đồng nghĩa với việc, UBND TP Hà Nội không thể áp dụng quy định tại Luật Đất đai 2003 này và Nghị định 181 (về việc “Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất và không xem xét giải quyết khiếu nại về việc đòi lại đất mà Nhà nước đã giao cho người khác sử dụng theo các chính sách ruộng đất trước ngày 15/10/1993”) để bác yêu cầu đòi đất của con cụ Sơn được.

LS Thành cho rằng, UBHC (nay là UBND) TP Hà Nội đã có lỗi trong việc chậm trễ giải quyết khiếu nại (để vụ việc kéo dài từ năm 1964 đến năm 2011) thì không thể bắt người dân chịu bất lợi khi áp dụng những quy định mới ban hành. 

Được biết, ngay sau khi bị TAND TP Hà Nội bác đơn khởi kiện, ông Cường có đơn kháng cáo và đã được Tòa này tiếp nhận vào ngày 9/1/2014. Tuy nhiên, đã gần 4 năm qua, hồ sơ vụ kiện vẫn chưa được TAND TP Hà Nội chuyển lên Tòa cấp phúc thẩm để giải quyết theo thẩm quyền.

Làm việc với TAND Cấp cao tại Hà Nội, chúng tôi được đại diện đơn vị này cho biết: “Sau khi nhận được phản ánh của Báo về vụ này, cán bộ Tòa án đã liên lạc với Thư ký phiên tòa sơ thẩm và được người này xác nhận, hồ sơ vụ kiện vẫn còn ở TAND TP Hà Nội”.

Luật Tố tụng Hành chính quy định: “Toà án cấp sơ thẩm phải gửi hồ sơ vụ án, đơn kháng cáo, quyết định kháng nghị và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho Toà án cấp phúc thẩm trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày người kháng cáo nộp đơn kháng cáo cho Toà án cấp sơ thẩm (trong trường hợp người kháng cáo được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm) hoặc người kháng cáo nộp cho Toà án cấp sơ thẩm biên lai nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm (trong trường hợp người kháng cáo phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm).

Quy định là vậy nhưng không biết vì lý do gì mà TAND TP Hà Nội phải “ngâm” đơn kháng cáo và hồ sơ vụ kiện trong gần 4 năm như trên?

Đọc thêm