Một vụ tranh chấp đất đai ở Long An: Tỉnh chưa làm rõ nhiều vấn đề

(PLVN) - Bà Lê Thị Hường (66 tuổi, xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) mặc dù được Bộ TN&MT và UBND tỉnh Long An thống nhất công nhận phần đất khai hoang 22.256 m2 nhưng sau đó bà Hương vẫn bị thu hồi đất; UBND tỉnh Long An bị cho đã không thực hiện theo đúng tinh thần làm việc với Bộ TN&MT.
Theo Bộ TN&MT, đơn vị này và tỉnh Long An đã thống nhất công nhận đất cho bà Hường
Theo Bộ TN&MT, đơn vị này và tỉnh Long An đã thống nhất công nhận đất cho bà Hường

Vụ tranh chấp đất kéo dài nhiều năm

Như Báo PLVN đã phản ánh, năm 1982, gia đình bà Hường hưởng ứng cuộc vận động của chính quyền địa phương đã tham gia khai hoang, cải tạo phần đất diện tích 27.514 m2 (tại ấp 5, xã Đức Hoà Đông). Phần đất được nhà bà Hường sử dụng ổn định đến năm 1992 thì xảy ra tranh chấp với ông Nguyễn Khắc Thiện. Trong hai năm 1994 -1995, UBND huyện Đức Hòa và UBND tỉnh Long An lần lượt công nhận phần đất trên cho bà Hường. Lý do là bà Hường trực tiếp khai hoang và sử dụng đất ổn định hơn 10 năm.

Thế nhưng năm 1996, UBND tỉnh Long An bất ngờ cho rằng bà Hường “lấn chiếm” đất và công nhận đất cho ông Thiện. Dù đoàn liên ngành tỉnh Long An sau đó xác minh và kết luận bà Hường khai hoang theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, thế nhưng bà Hường vẫn bị bác đơn. 

Đến năm 2002, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ TN&MT kiểm tra xác minh giải quyết. Năm 2003, sau khi làm việc với UBND tỉnh Long An, Bộ TN&MT đã có Công văn 2545/BTNMT-TTr báo cáo vụ việc lên Thủ tướng. Báo cáo khẳng định, gia đình ông Thiện từ trước năm 1975 đến 1983 không sử dụng đất và đất bị bỏ hoang. Từ năm 1983 đến năm 1996, bà Hường đã khoai hoang và sử dụng ổn định suốt 13 năm trên đất. Căn cứ Hiến pháp 1980, Luật Đất đai 1988, Luật Đất đai 1993 và Nghị định số 64/CP ngày 27/7/1993 của Chính phủ thì việc khiếu nại của bà Hường có cơ sở xem xét.

Công văn của Bộ TN&MT cũng nêu rõ: “Ngày 18/6/2003, lãnh đạo Bộ TN&MT và UBND tỉnh Long An đã làm việc và thống nhất… theo hướng: Công nhận cho bà Hường được tiếp tục sử dụng 22.256 m2 đất...”. Đồng thời, Bộ TN&MT cũng có Công văn 2546/BTNMT-TTr gửi UBND tỉnh Long An, đề nghị sớm giải quyết vụ việc như đã thống nhất và báo cáo Thủ tướng.

Vụ việc tiếp tục kéo dài, đến năm 2007 UBND tỉnh Long An ra Quyết định 2603/QĐ-UBND, bác đơn khiếu nại đồng thời thu hồi toàn bộ diện tích bà Hường đã khai phá. Điều này theo lời bà Hường hoàn toàn trái ngược với những gì địa phương đã thống nhất với Bộ TN&MT. Tháng 6/2018, bà Hường khởi kiện UBND tỉnh Long An, yêu cầu TAND tỉnh Long An tuyên hủy quyết định 2603/QĐ-UBND, cùng một số văn bản, quyết định liên quan do UBND tỉnh ban hành.

Tòa đề nghị UBND tỉnh trả lời nhiều vấn đề

Trong phiên tòa sơ thẩm ngày 14/5/2019, UBND tỉnh Long An với tư cách là bị đơn đã vắng mặt, chỉ có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn tham gia phiên tòa. Tuy nhiên vị này không trả lời được nhiều vấn đề của luật sư bà Hường và chủ tọa phiên tòa đặt ra, đồng thời xin ngừng phiên tòa để cung cấp văn bản, ý kiến. Hơn 1 tháng sau đó Tòa vẫn chưa nhận được ý kiến của UBND tỉnh Long An.

Ngày 24/6/2019 TAND tỉnh Long An đã có văn bản gửi UBND tỉnh Long An, nhắc lại việc chậm trễ của bị đơn. Theo đó, tháng 7/2018, UBND tỉnh Long An đã có ý kiến cho rằng, việc ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại 2603/QĐ-UBND, trong đó thu hồi đất đối với bà Hường, là thực hiện theo văn bản của Văn phòng Chính phủ. Tuy nhiên TAND tỉnh Long An cho rằng, trong hồ sơ vụ án còn thể hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn 3404/VPCP.VII năm 2002, giao Bộ TN&MT giải quyết vụ việc bà Hường. Sau khi xem xét báo cáo của Bộ TN&MT năm 2003, Văn phòng Chính phủ ra Văn bản 5825/VPCP-V.II ngày 24/11/2003. Trong đó, Phó Thủ tướng Thường trực thay mặt Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, giao Bộ TN&MT hướng dẫn tỉnh Long An giải quyết dứt điểm vụ việc, chấm dứt vụ việc tại thời điểm đó. “Tuy nhiên, việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực như thế nào chưa được UBND tỉnh nêu rõ”, vấn đề được Tòa án đề cập với UBND tỉnh Long An.

Tòa án tỉnh Long An cũng đặt ra nhiều vấn đề mà cho tới tận thời điểm này vẫn chưa được sáng tỏ. Điển hình như: “Vì sao trong quyết định giải quyết khiếu nại (Quyết định 2603 năm 2007 – PV) lại có nội dung thu hồi đất cũng chưa được UBND tỉnh Long An giải thích về căn cứ pháp luật”.

Cho đến thời điểm mở phiên tòa ngày 28/6/2019, UBND tỉnh Long An vẫn chưa có văn bản trả lời, đồng thời xin hoãn phiên tòa. Dự kiến ngày 19/7 tới đây, Tòa mở lại phiên xét xử.

Ban hành quyết định trái luật

Ths. Luật sư Đặng Văn Cường – Văn phòng Luật sư Chính Pháp – Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhận định, trong vụ tranh chấp đất giữa Hường và ông Thiện, năm 2007 UBND tỉnh Long An có Quyết định giải quyết khiếu nại số 2603/QĐ-UBND. Quyết định này có tới 4 nội dung: thu hồi quyết định giải quyết khiếu nại năm 1996, thu hồi đất tranh chấp giao huyện Đức Hòa quản lý, giao huyện Đức Hòa thu hồi giấy chứng nhận QSDĐ của ông Thiện và giải quyết khiếu nại  của bà Hường. Văn bản này hoàn toàn không phù hợp với quy định pháp luật tại thời điểm ban hành về căn cứ, hình thức, thẩm quyền ban hành, đặc biệt là nội dung. Chẳng hạn như không nêu rõ thông tin của người khiếu nại và người bị khiếu nại, không có nội dung khiếu nại, không nêu rõ kết quả xác minh, căn cứ giải quyết khiếu nại và không nêu quyền khởi kiện tại Tòa án cho người khiếu nại biết, ảnh hưởng đến quyền khởi kiện của bà Hường tại Tòa án.

Quyết định 2603 quyết định nội dung “thu hồi đất” và “giao đất” hoàn toàn không đúng với quy định của pháp luật về đất đai, cụ thể là Luật Đất đai 1987; Luật đất đai 1993, Luật đất đai 2003. Việc thu hồi đất cũng là trái thẩm quyền, sai trình tự thủ tục.

Quyết định 2603 bác yêu cầu được sử dụng đất của bà Hường chỉ với lý do “không có cơ sở xem xét giải quyết” mà cũng không nêu ra được căn cứ cụ thể nào. Trong khi đó, trong hai năm 2002 - 2003, đoàn kiểm tra liên ngành của UBND tỉnh Long An và Bộ TN&MT đều đề nghị công nhận cho bà Hường 22.256 m2 đất.

Đọc thêm