Một vụ ủy quyền trồng rừng tại Cà Mau: Khuất tất trong liên doanh liên kết, phân chia lợi nhuận

(PLVN) - Vụ việc xảy ra tại thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau, theo đó người khiếu nại phản ảnh dù đã liên doanh liên kết tự bỏ vốn đầu tư trồng rừng nhưng lại không được phép thu hoạch…
Rừng tràm ông Long tự bỏ vốn đầu tư nhưng không được khai thác
Rừng tràm ông Long tự bỏ vốn đầu tư nhưng không được khai thác

Khuất tất trong liên doanh liên kết?

Theo phản ảnh, ngày 6/3/1996, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính và Trật tự xã hội Công an tỉnh Cà Mau (đại diện là ông Lý Minh Đăng, Phạm Thanh Sở và Phạm Thành Sý làm đại diện) ký giấy ủy quyền cho ông Phạm Thành Long (ngụ tại khóm 2, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) được sản xuất trồng rừng và hưởng thành quả lao động. Theo đó, Phòng này sẽ không còn chịu trách nhiệm gì trên phần đất 57,8ha rừng do Lâm ngư trường U Minh 2 (nay là Cty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ-Cty U Minh Hạ) quản lý.

Với tư cách hợp đồng liên doanh liên kết với đơn vị quản lý, ông Long là người trực tiếp sản xuất trồng rừng và khai thác diện tích đất rừng nói trên tại ấp 12, xã Khánh Thuận, huyện U Minh; thực hiện nộp thuế và nghĩa vụ tài chính khi khai thác lâm sản đối với Cty U Minh Hạ.

Để phát triển việc sản xuất trồng rừng kết hợp với du lịch sinh thái, tháng 06/2012 ông Long đã thành lập Cty TNHH Thương mại Dịch vụ Du lịch Sinh thái Rừng tràm Phạm Thanh Long (Cty Phạm Thanh Long). 

Tuy nhiên, mới đây viện lý do ông Long không đồng ý tiếp tục ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Cty U Minh Hạ, mà chỉ xin được thuê đất trồng rừng (theo Nghị định 118 ngày 17/12/2014 của Chính phủ), đơn vị này đã từ chối không cho ông tiếp tục sản xuất trên 57,8ha đất rừng mà hơn 20 năm qua gia đình ông đã bỏ nhiều công sức chăm sóc, canh tác. Thậm chí, Cty U Minh Hạ còn không cho phép ông Long khai thác 20ha tràm trồng từ năm 2015 (ông tự bỏ vốn 100%) đến nay đã đến tuổi phải thu hoạch(!?). Bức xúc, ông Long gửi đơn đến nhiều cơ quan thẩm quyền tỉnh Cà Mau để khiếu nại. 

Theo ông Long, từ khi được ủy quyền đến nay ông sản xuất và tự chịu trách nhiệm pháp lý, việc này Cty U Minh Hạ đều biết. Tại giấy xác nhận ngày 24/11/2015, chính Phó Giám đốc Cty U Minh Hạ - ông Nguyễn Hữu Phước đã khẳng định: “Ông Phạm Thành Long là đối tác hợp tác đầu tư trồng rừng tại khoảnh 5+6 tiểu khu 025... Diện tích sản xuất lâm nghiệp 63,14 ha” (tính cả đất kênh bờ bao).

Vậy nhưng, trong Báo cáo số 456/BC-Cty, ngày 18/06/2019, gửi Sở KH&ĐT tỉnh Cà Mau, Giám đốc Cty U Minh Hạ Trần Văn Hiếu lại cho rằng đã thanh lý hợp đồng liên doanh liên kết với Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính và Trật tự xã hội Công an tỉnh Cà Mau vào ngày 28/04/2019. Tuyệt nhiên, không đả động gì đến quyền lợi của ông Long? Trong khi ông Long là người nhận ủy quyền cũng không hề được biết?

Phân chia lợi nhuận thiếu minh bạch?

Theo tìm hiểu, vừa qua không riêng gì hộ ông Long bức xúc trước cách làm việc của Cty U Minh Hạ mà phần đông các hộ dân khác cũng bức xúc không kém. Đó là các khoản thu giá trị lâm sản khai thác mà Cty này đã thu của các hộ dân nhận khoán trồng rừng. 

Thay vì thực hiện đúng theo nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh Cà Mau trong Công văn số 1252/UBND-NN ngày 20/03/2014 “V/v phương án phân chia lợi nhuận trồng rừng tại khu vực rừng tràm” thì Cty U Minh Hạ đã thu nhiều hơn mức quy định. Trường hợp hộ liên doanh, liên kết tự bỏ vốn đầu tư trồng rừng sẽ được tính phân chia lợi nhuận với chủ đất theo tỷ lệ góp vốn và phải nộp thêm cho chủ đất 5% giá trị sản phẩm khai thác sau khi trừ các khoản chi phí theo quy định. 

Tuy nhiên, Cty U Minh Hạ không bỏ vốn đầu tư nhưng lại thu nhiều hơn gấp nhiều lần quy định. Trường hợp hộ ông Long là một ví dụ. Tháng 7/2015, sau khi trừ các khoản chi phí, Cty U Minh Hạ đã thu phần lợi nhuận bán lâm sản đến 15%. Tháng 9/2017, lợi nhuận bán lâm sản thu được sau khi trừ chi phí cũng đã thu của hộ ông Long là 14,27%...(!?). 

Trở lại trường hợp của ông Long, căn cứ Khoản 4, Điều 16, Nghị định 118/NĐ-CP ngày 17/12/2014: “Trường hợp công ty đã góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất để liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư mà hình thành doanh nghiệp mới sử dụng đất đúng mục đích, có hiệu quả thì tách diện tích đã góp ra khỏi diện tích đất của công ty và chuyển sang thuê đất. Nếu sử dụng không đúng mục đích thì thu hồi và giao lại địa phương để quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai”. “Vậy tại sao Cty của tôi xin thuê đất tiếp tục sản xuất trồng rừng nhưng không được chấp thuận? Rừng tràm đã 4 năm, hộ liên doanh liên kết tự bỏ vốn đầu tư đến ngày thu hoạch lại không cho khai thác, liệu cách hành xử này có đúng luật?”, ông Long bức xúc.

Đọc thêm