Một vụ vay mượn tiền qua điện thoại ở Yên Bái: Bị hại đề nghị đối chất với chủ thuê bao

(PLVN) - Phản ánh đến Báo PLVN, bà Nguyễn Thị Thảo (trú tại tổ 7, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) cho rằng các cơ quan tiến hành tố tụng địa phương làm chưa hết trách nhiệm trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” mà bà là nạn nhân. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong đơn gửi đến nhiều cơ quan, bà Thảo trình bày: Do quen biết, trong khoảng thời gian từ ngày 30/9/2019 đến ngày 5/10/2019 bà Lê Thị Hồng (trú tại tổ 6, thị trấn Yên Bình) nhiều lần gọi điện cho bà hỏi vay tiền. Các lần vay chủ yếu được giao dịch qua các cuộc gọi điện và tin nhắn giữa hai bên, sau đó bà Hồng nhờ người đến lấy tiền.

Tổng số tiền mà bà Thảo chuyển cho bà Hồng qua ông Nguyễn Đức Thuận là 750 triệu đồng. Tuy nhiên, tiền thì đã chuyển đủ nhưng sau này đến hẹn không thấy trả, bà Thảo tìm bà Hồng để đòi nợ thì bà Hồng phủ nhận việc vay mượn. Cho rằng bị lừa đảo, bà Thảo làm đơn trình báo sự việc tới Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Yên Bái.

Theo kết quả xác minh được nêu trong Thông báo trả lời đơn của bà Thảo số 225/TB-VPCQCSĐT ngày 16/3/2020 của Cơ quan CSĐT: Ngày 29/9/2019, Nguyễn Đức Thuận đến trông nhà cho bà Lê Thị Hồng. Tại đây, Thuận đã sử dụng điện thoại di động của bà Hồng giả danh bà Hồng gọi điện, nhắn tin cho bà Thảo để hỏi vay tiền, giả chữ viết, chữ ký của bà Hồng viết giấy vay tiền và trực tiếp đến nhà bà Thảo vay tổng số 750 triệu rồi chiếm đoạt.

Cũng theo cơ quan công an, bản thân Nguyễn Đức Thuận đã thừa nhận toàn bộ hành vi giả mạo bà Hồng để vay tiền, khẳng định bà Hồng không biết việc này.

Thông báo của Công an tỉnh Yên Bái cũng cho hay: Bà Lê Thị Hồng xuất cảnh đi Thái Lan từ ngày 29/9/2019 đến 3/10/2019 mới nhập cảnh về Việt Nam. Bên cạnh đó, xác định các cuộc gọi và tin nhắn của số điện thoại (0918.939…) từ ngày 29/9/2019 đến ngày 7/10/2019 đều được thực hiện ở các cột sóng thuộc lãnh thổ Việt Nam. Kết luận giám định chữ viết của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Yên Bái cũng xác định: Chữ viết và chữ ký trên giấy vay tiền không phải do bà Hồng viết ra.

Liên quan đến vụ việc trên, ngày 21/3/2020 VKSND tỉnh Yên Bái cũng có Văn bản số 195/VKS-P2, trong đó nêu: Qua giám định chữ ký và chữ viết của bị can Nguyễn Đức Thuận và chữ ký, chữ viết của bà Lê Thị Hồng, giấy vay tiền ghi ngày 5/10/2019 không phải do bà Hồng viết và ký tên. Từ đây, VKSND tỉnh Yên Bái cho rằng bà Hồng có căn cứ ngoại phạm nên không cần phải tiến hành đối chất giữa bà Thảo và bà Hồng.

Tuy nhiên, bà Thảo cho rằng kết luận của cơ quan CSĐT và VKSND tỉnh Yên Bái là chưa khách quan. Bà Thảo cho rằng việc ông Thuận nhận toàn bộ hành vi giả mạo bà Hồng để vay tiền và khẳng định bà Hồng không biết chuyện là dàn dựng. Bà Thảo nhiều lần yêu cầu được đối chất với bà Hồng nhưng Cơ quan điều tra không cho thực hiện.

Bà Thảo cũng cho rằng việc thực nghiệm lại giọng nói của ông Thuận qua việc giả giọng bà Hồng gọi điện cho bà vay tiền là bằng chứng mấu chốt có thể chứng minh sự đúng, sai của sự việc, nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng từ chối. Được biết, hồ sơ vụ án hiện đã chuyển sang tòa án xử lý.

Đọc thêm