Một vụ việc có dấu hiệu “hình sự hóa quan hệ dân sự“

(PLVN) - Bên đặt cọc đã nhận và quản lý, sử dụng nhà nhiều năm nay và vướng mắc chỉ xuất hiện khi UBND TX Bến Cát không chấp nhận điều chỉnh, cấp lại sổ đỏ cho các căn nhà xây dựng không đúng diện tích đất đã được cấp sổ. Sự việc vốn là quan hệ dân sự, được các bên thỏa thuận giải quyết theo pháp luật, thế nhưng Công an tỉnh Bình Dương lại khởi tố vụ án dẫn đến quan ngại về vụ việc hình sự hóa quan hệ dân sự, trái ngược với chủ trương của Chính phủ.

Ngày 11/11/2020, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT CA Bình Dương, Thượng tá Bùi Phạm Hải có văn bản số 858/TB-CSKT(Đ4) thông báo “kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm”.

Theo đó, Công an tỉnh Bình Dương nhận được tố giác của ông Lưu Văn Thủy (SN 1966, đường NH4, KP7, phường Chánh Phú Hòa, TX Bến Cát); ông Phạm Khả Bôn (SN 1974, tổ 4, KP4, phường Mỹ Phước, TX Bến Cát); ông Nguyễn Công Khuê (SN 1974, đường N1, KP1, phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một. Ba người này được cho là tố bà Đặng Thị Kim Oanh “lừa đảo thông qua việc chuyển nhượng nhà đất tại khu H2 dự án KĐT Mỹ Phước III với tổng số tiền chiếm đoạt gần 7,4 tỷ đồng”.

Văn bản do Thượng tá Hải ký cho rằng sau khi kiểm tra, xác minh tố giác, Công an tỉnh Bình Dương “xác định vụ việc có dấu hiệu tội phạm” và đã ra quyết định khởi tố hình sự Trốn thuế và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại phường Chánh Phú Hòa để tiến hành điều tra làm rõ.

Quyết định gây trên làm dư luận “nổi sóng” vì việc khởi tố vụ án là có dấu hiệu hình sự hóa quan dân sự. 

Kim Oanh đã họp các khách hàng, đề nghị thanh lý các hợp đồng đặt cọc. 

Theo hồ sơ, ba người tố cáo tới Công an tỉnh Bình Dương là những khách hàng đã mua nhà trong khu đất H2 tại phường Chánh Phú Hòa. Khu đất này gồm nhiều lô, được cấp sổ đỏ cho ông Lưu Tấn Tiến năm 2008.

Tại thời điểm năm 2009, ông Lưu Tấn Tiến đã đầu tư xây dựng 20 căn nhà trên phạm vi các thửa đất nêu trên. Tuy nhiên, các căn nhà không xây dựng đúng vị trí lô đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà ông Lưu Tấn Tiến đã xoay hướng nhà các căn nhà này, chuyển hướng mặt tiền đường DH2, DH3 thành mặt tiền đường NA7, NH4 vì hai trục đường này là hai trục đường chính, thuận tiện cho việc kinh doanh và làm tăng giá trị căn nhà. Việc chuyển hướng căn nhà đồng bộ với quy hoạch và cảnh quan đô thị của khu vực này.

Giữa 2017, ông Tiến chuyển nhượng lại khu đất cho bà Nguyễn Thị Nhung. Bà Nhung ký hợp đồng dịch vụ với Công ty cổ phần Địa ốc Kim Oanh để môi giới tìm kiếm khách hàng. Công ty cổ phần Địa ốc Kim Oanh ký hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng các căn nhà trên cho 18 người. Các bên cam kết đã hiểu về tình trạng pháp lý căn nhà, kỳ vọng UBND TX Bến Cát sẽ thu hồi 16 sổ đỏ cũ, cấp sổ mới cho các căn nhà tự tách thửa xoay hướng như hiện tại.

Dù mới ký hợp đồng đặt cọc nhưng khách đã được bàn giao nhà, sổ đỏ, diện tích, thiết kế đúng như hợp đồng. Từ công trình xây dựng bỏ hoang mốc meo nhiều năm, sau khi được đầu tư sửa sang, những căn nhà này đã “lột xác” thành dãy phố kinh doanh sầm uất.

Những vị khách được giao toàn bộ sổ đỏ, cùng Kim Oanh TP HCM và bên bán đi xin nhập tách thửa, cấp sổ mới cho căn nhà. Dù một số cơ quan chuyên môn đánh giá hiện trạng xây dựng nhà không đúng với sổ đỏ đã được cấp là do ông Tiến gây ra trong quá khứ, nhưng đầu năm 2020 UBND TX Bến Cát chính thức có văn bản không đồng ý. 

Trước ý kiến trên, Công ty cổ phần Địa ốc Kim Oanh thanh lý hợp đồng với khách hàng, chấp nhận “thiệt đơn thiệt kép” vừa trả lại tiền cọc, còn bồi thường thêm một khoản. Các khách hàng đã đặt cọc đều đã thỏa thuận giải quyết xong, trừ 3 người nêu trên đưa ra điều kiện không thể thực hiện nên Công ty cổ phần Địa ốc Kim Oanh đã khởi kiện ra tòa để giải quyết.

Trao đổi với Báo Pháp luật Việt Nam, bà Đặng Thị Kim Oanh cho biết, 20 căn nhà xâu dựng trên 16 lô đất đã được cấp sổ đỏ tồn tại từ nhiều năm trước là do cá nhân khác đã thực hiện trước khi bán cho bà Nguyễn Thị Nhung. Sau khi bà Nhung mua lại các lô đất đã có nhà nên cũng chuyển nhượng đúng hiện trạng đã mua. Về phía Công ty cổ phần Địa ốc Kim Oanh, Công ty là đơn vị môi giới, hai bên mới ký hợp đồng đặt cọc chứ chưa phải hợp đồng chuyển nhượng. 

Bà Oanh cho biết, các khách hàng điều biết trước tình trạng pháp lý các căn nhà. Sau khi ký hợp đồng đặt cọc đã được nhận sổ nhận nhà ngay, vào sinh sống kinh doanh hưởng lợi. Việc không được cấp sổ mới đến từ nguyên nhân bất khả kháng. 

Sau khi Bến Cát không chấp nhận kiến nghị về việc cấp lại sổ đỏ theo hiện trạng, Công ty cổ phần Địa ốc Kim Oanh đã có thông báo và gặp gỡ khách hàng bàn hướng xử lý. Trong số khách đặt cọc mua tài sản, có 15 người thanh lý hợp đồng đặt cọc, nhận thêm một khoản đền bù. Còn lại 3 khách, trước đặt cọc 1, nay “bắt bí” đòi đền bù gấp 3-5 lần, là điều vô cùng vô lý. Trước khi Công an tỉnh Bình Dương vào cuộc, Công ty đã khởi kiện dân sự vụ việc tại TAND TX Bến Cát.  

Một số căn nhà tại khu H2 bị chủ cũ tự xoay hướng từ hàng chục năm trước. 

Quá trình điều tra đơn thư tố cáo trong vụ việc trên của PC03, Công an Bình Dương có khá nhiều điểm bất thường. 

Lo ngại bị “hình sự hóa dân sự”, Công ty Kim Oanh có đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng Trung ương. Ngày 3/7/2020, Văn phòng Chính phủ có công văn số 5386/VPCP-V.I truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về đơn phản ánh của Công ty Kim Oanh, yêu cầu UBND tỉnh Bình Dương kiểm tra, xem xét, giải quyết.

Ngày 26/8/2020, C03 Bộ Công an cũng có Văn bản 5805/C03-P15 gửi Giám đốc CA Bình Dương, khẳng định sự việc chỉ là giao dịch dân sự và các giao dịch này vô hiệu theo Điều 123 BLDS.  

Thế nhưng, vừa qua Công an tỉnh Bình Dương vẫn khởi tố vụ án liên quan đến việc đặt cọc mua bán các căn nhà xây dựng không đúng sổ đỏ được cấp mà Công ty cổ phần Địa ốc Kim Oanh đã môi giới.

Trước sự việc này, bà Đặng Thị Kim Oanh cho hay, bà thực sự sốc trước việc làm của Công an tỉnh Bình Dương và đã có đơn khiếu nại Quyết định khởi tố của Công an Bình Dương đồng thời kêu cứu đến Bộ Công an, VKSNDTC rút hồ sơ về điều tra kiểm sát để đảm bảo tính khách quan. Cũng theo bà Đặng Thị Kim Oanh, trong thời gian qua, các doanh nghiệp của gia đình bà liên tục bị Công an tỉnh Bình Dương và các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương gây khó dễ trong việc thực hiện dự án đầu tư. 

Theo Luật sư Lê Văn Kiên, ĐLS TP Hà Nội, khi doanh nghiệp môi giới bán sản phẩm là nhà đất và khách hàng mới đặt cọc thì giao dịch mua bán chưa hoàn thành. Bên cạnh đó, việc khách hàng đã nhận nhà, sử dụng nhà và trả tiền đầy đủ, đã biết rõ về tình trạng pháp lý của căn nhà khi mua thì không thể cho rằng bị lừa đảo và bên môi giới cũng như chủ sở hữu nhà không thể bị quy kết là lừa đảo được.

"Việc giao nhà nhưng không hoàn thành các thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản là quan hệ dân sự, được giải quyết bằng thỏa thuận hoặc giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự, không thể quy kết một bên là lừa đảo", Luật sư Lê Văn Kiên nhấn mạnh.

  

Đọc thêm