Mùa bưởi chín

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Gần đến cuối năm, cũng là lúc cây bưởi trên vườn của bố tôi bắt đầu chín. Vỏ bưởi chuyển sang màu vàng ngà ngà, cành bưởi nặng trĩu rủ xuống gần mặt đất ẩm ướt được ông tưới mỗi ngày. Mấy hôm nay, cứ sáng sớm, tôi lại hào hứng ra ngắm những trái bưởi được bọc trong ni lông của bố, thích thú nhìn quả bưởi tròn căng, thơm mùi hoa quả tươi thanh mát.
Ảnh minh họa. (Nguồn:Vietnamnet)
Ảnh minh họa. (Nguồn:Vietnamnet)

Bố tôi chỉ có hai cây bưởi, nhưng số lượng phải lên tới sáu mươi, bảy mươi quả. Chăm cây bưởi không hề dễ dàng, từ giữa tháng 3, bố tôi đã phải tỉa cành, bón phân khi hoa bưởi vừa rụng. Đến gần mùa hè, cả nhà tôi ba người lớn, bé, già, trẻ cầm một đống túi ni lông dễ phân hủy bọc từng trái bưởi lại để tránh bị những con ruồi vàng chích vào làm hỏng. Cứ như vậy, chăm bón, tưới tắm, đến nay đã gần một năm rồi, mới chuẩn bị thu hoạch.

***

Mẹ tôi nhìn những trái bưởi tròn lăn như đám lợn con, nói rằng quả bưởi chẳng vứt đi thứ gì. Vỏ bưởi có thể dùng mứt, rửa qua với muối, đun trong nước phèn chua cho hết đắng, ướp với đường, ngào lên trên chảo sẽ có vị ngòn ngọt, thơm bùi, nhâm nhi với tách trà xanh thì không còn gì bằng. Cùi bưởi, gia đình tôi thường để lại, xắt thành từng miếng vuông vắn vừa miệng ăn, bóp với muối cho ra hết tinh dầu đắng, rửa qua vài lượt nước. Vậy là món chè cùi bưởi giòn giòn, sần sật ăn với nước cốt dừa sắp được “ra lò” rồi. Cứ sau mùa thu hoạch bưởi, tủ lạnh nhà tôi lại chật kín những túi cùi bưởi để dành ăn dần.

“Thịt” bưởi đương nhiên là ngon nhất trong tất cả. Từng tép mang vị chua chua, ngọt ngọt xen lẫn với nhau. Giữa những ngày lạnh ẩm của mùa xuân, mà có múi bưởi thanh mát chấm với chút muối ô mai, ngắm mưa phùn lắc rắc rơi thì không còn gì đẹp bằng.

Nói về việc trồng bưởi, có lẽ công lao lớn nhất thuộc về bố tôi. Bố tôi là một kiến trúc sư xây dựng, ông mê mệt các khu vườn đậm chất Bắc bộ với những cây cau cao vổng, gáo dừa, chum nước. Vườn nhà tôi trước đây vốn thiếu nắng, khó trồng cây. Sau khi về hưu, bố tôi ngày ngày ngồi nghiên cứu cách trồng cây, trồng hoa. Ông dứt khoát bỏ đi những cây hoa hồng leo Rainy Blue màu tím, giàn nho xanh chua ngắt. Thay vào khu vườn nhỏ bằng những cây chuối cảnh, luống rau khoai lang, vài cây dọc mùng xanh rờn, giàn thiên lý, giàn mướp….

Lúc ấy, ông nói rằng: “Dù thế nào cũng phải có một cây bưởi”. Cây bưởi đối với bố tôi là biểu tượng của cái đẹp và cảm hứng thi ca bất tận. Tôi nhớ lại hồi bé, vào buổi tối rảnh rỗi, bố tôi thường ôm đàn guitar ngân nga hát mấy câu trong bài “Hương thầm” của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn: “Hoa bưởi thơm cho lòng bối rối/Anh không dám xin/ Cô gái chẳng dám trao/Chỉ mùi hương đầm ấm thanh tao. Không dấu được cứ bay dịu nhẹ”.

Đối với bố tôi cây bưởi đẹp lắm, hoa bưởi trắng đoan trang, đài các, nhị vàng, cánh mỏng như một sợi tơ. Cứ đến mùa hoa bưởi, ông lại cùng mẹ ra vườn ngắt mấy nhành để vào trong một chiếc lọ thủy tinh nho nhỏ trong phòng khách, mùi thơm dịu ngọt vấn vít mãi không buông….

Bố tôi thường ra vườn tự tay hái lá bưởi, để mẹ đun nồi nước với bồ kết gội “suối” tóc vừa dài, vừa đen của mẹ. Không phải lúc nào mẹ cũng rảnh để làm thứ nước thơm lừ này. Nhưng cứ mỗi lần mẹ đun, tôi lại hít hà, xin một ít để vừa gội đầu, vừa tắm. Dòng nước sâm sẫm màu, thơm tho chảy lên da thịt, khiến bao căng thẳng, mệt mỏi tan biến sạch.

***

Bố tôi thích ngắm quả bưởi. Ông nói rằng, quả bưởi cân đối, tròn đẹp, giống như khuôn trăng rằm của Thúy Vân trong thơ Nguyễn Du. Nhớ mùa bưởi đậu quả lần đầu tiên, ông vui lắm, cứ ra vườn cầm chiếc máy ảnh cơ chụp liên tục các góc của cây bưởi để lưu giữ làm kỷ niệm.

Đến mùa bưởi gần chín, ông thường lựa chọn thật kĩ, trăm quả mới ngắt một quả bưởi “non”, trái lúc này còn hơi xanh xanh, vỏ ngoài bóng loáng. Bố tôi đặt quả bưởi lên trên một chiếc đĩa bát tràng tráng men xanh, đặt bên cạnh vài nhành mộc lan nhụy hồng dâng lên bàn thờ gia tiên. Bố tôi có thể ngồi cả ngày ở phòng khách vừa đọc báo, vừa nghe mấy bản nhạc xưa.

Còn những quả bưởi khác, chúng tôi thu hoạch khi vỏ chuyển sang màu ngà ngà hơi vàng một chút. Bưởi sẽ được tôi và bố mẹ thu gọn lại vào trong một góc nhà. Chúng tôi quan niệm, bưởi càng để lâu, hơi “già” một chút ăn càng ngon, càng ngọt đậm. Nhiều lúc, dù cuối tháng 1 đã hái hết, nhưng đến tháng 3 mới ăn hết.

Bố mẹ tôi thường nói: “Bưởi cành la, na cành đỏng”, cứ có khách nào thân thiết tới nhà đúng mùa bưởi chín, bố lại dựa theo lời các cụ ngày xưa mà chọn bưởi tặng khách. Vừa chọn vài quả bưởi ngon, ông vừa giới thiệu từ cách trồng, tưới tắm không hóa chất, không thuốc trừ sâu cho họ. Nhiều khi tôi hỏi bố, sao không tặng thứ gì có giá trị hơn. Bố tôi lặng lẽ nói: “Từ khi còn bé bố đã ở Hà Nội, lúc đi sơ tán, thấy người nông thôn tặng nhau trái bưởi, buồng chuối, tình cảm keo sơn, mặn nồng, mà ước ao mình có thể trồng cây chuối, cây na để tặng hoa quả bạn bè, hàng xóm”. Khi lớn lên, bố bận rộn công việc, thời đại cũng thay đổi nhiều so với trước. Chỉ đến lúc về già, ông mới có thể thực hiện giấc mơ con con, nhỏ bé của mình.