Mùi cơ thể có khả năng cảnh báo dấu hiệu bệnh ung thư

(PLVN) - Một số bệnh thường được nhận biết qua mùi đặc trưng từ cơ thể. Nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng hơi thở của một người cũng có thể chỉ ra sự hiện diện của bệnh ung thư.
Thiết bị Breath Biopsy phát hiện ung thư thông qua hơi thở
Thiết bị Breath Biopsy phát hiện ung thư thông qua hơi thở

Để kiểm tra lý thuyết này, các nhà nghiên cứu ở Anh tiến hành một thử nghiệm kéo dài hai năm với một thiết bị lâm sàng, được gọi là Breath Biopsy, để tìm hiểu các phân tử trong không khí thở ra có thể giúp phát hiện ung thư hay không. Mới đây, thiết bị thử nghiệm thành công.

“Sinh thiết hơi thở”

Theo CNN, nghiên cứu được Trung tâm nghiên cứu Ung thư ở Vương quốc Anh (Cancer Research UK) tiến hành thực hiện trong 2 năm với 1.500 người tham gia, trong đó có cả những người khỏe mạnh và những người có dấu hiệu hoặc đang mắc bệnh ung thư. 

Các nhà nghiên cứu của Trung tâm này phối hợp cùng với Công ty Owlstone Medical phát minh ra loại máy có tên gọi là Breath Biopsy, nhằm chẩn đoán bệnh ung thư thông qua những thay đổi hóa học đơn giản trong hơi thở của người bệnh. Loại máy này còn có thể phát hiện ra bệnh nhân mắc các loại ung thư thuộc dạng khó chẩn đoán và phát hiện. 

Theo nghiên cứu, bệnh nhân ung thư sẽ có hơi thở thay đổi, cơ thể cũng tạo ra mùi đặc trưng. Do vậy, hơi thở của một người có thể nói lên tình trạng bệnh ung thư họ đang mắc phải.

Trong quá trình trao đổi chất thông thường diễn ra hàng ngày, tất cả các tế bào trong cơ thể sẽ tạo ra các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi được gọi là VOC. Nếu có một thay đổi nhỏ trong hoạt động của cơ thể, ví dụ như sự xuất hiện của ung thư, thành phần của VOC ít nhiều cũng sẽ có sự thay đổi và các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ xác định được bằng cách sử dụng thiết bị công nghệ.

Có thể nói, công trình mới này là một dạng “xét nghiệm hơi thở” hay “sinh thiết hơi thở”, dựa trên VOC của mỗi bệnh nhân. 

Trong số 15.000 người tham gia thử nghiệm, mỗi người sẽ phải dành ra 10 phút ngồi hít thở với máy Breath Biopsy. Những phân tử có nguồn gốc từ các tế bào ung thư sẽ đi vào máy và được xử lý thông qua hệ thống vi mạch hiện đại. Kết quả sau đó sẽ được mang tới phòng thí nghiệm của Công ty Owlstone Medical ở Cambridge phân tích và đưa ra kết luận cuối cùng. 

Thời gian chờ đợi cũng được rút ngắn đáng kể, thay vì 2 tuần nếu thực hiện xét nghiệm sinh thiết thông thường, người bệnh sẽ biết được kết quả chỉ sau vài ngày. Những người mắc bệnh về dạ dày, thực quản sẽ được ưu tiên thử nghiệm trước, sau đó mở rộng ra những bệnh nhân mắc ung thư tuyến tiền liệt, thận, bàng quang, gan và tụy.

Giáo sư Rebecca Fitzgerald, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu này của Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Vương quốc Anh, cho biết: “Chúng tôi cần khẩn trương nghiên cứu và phát triển ra loại máy Breath Biopsy, có thể hỗ trợ các bác sĩ chẩn đoán ung thư thông qua hơi thở, từ đó giúp các bệnh nhân có thêm cơ hội điều trị bệnh càng sớm càng tốt”. 

Giáo sư Rebecca Fitzgerald cũng chia sẻ thêm: “Đây là một nghiên cứu thí điểm, vì vậy trước tiên chúng tôi đang xem xét phạm vi các loại ung thư để xem liệu thiết bị này có nhận được tín hiệu hay không”.

Kỳ vọng phương pháp mới

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trên toàn cầu, ước tính có khoảng 18,1 triệu ca ung thư mới được báo cáo vào năm 2018. Theo Trung tâm nghiên cứu Ung thư ở Vương quốc Anh, có hơn 360.000 ca ung thư mới mỗi năm ở quốc gia này.

Và hiện nay, gần một nửa số bệnh nhân ung thư phát triển đến giai đoạn cuối mới chẩn đoán ra bệnh. Điển hình nhất là ung thư phổi, với khoảng 85% người mắc bệnh được chẩn đoán ở giai đoạn muộn, và họ sẽ chết trong một hoặc hai năm. 

Nguyên nhân là do bệnh nhân lo ngại về các xét nghiệm xâm lấn, thiếu kiến thức trong việc nhận biết các dấu hiệu ung thư, chủ quan hoặc nhầm lẫn các triệu chứng ban đầu như ợ nóng, khó tiêu… là dấu hiệu của những căn bệnh phổ biến, ai cũng có thể mắc phải. Có thể nói, phát hiện sớm bệnh ung thư là yếu tố quan trọng quyết định sự sống còn của bệnh nhân. 

Trước đó vào năm 2017, các nhà nghiên cứu cũng đã phát triển một thiết bị phân tích hơi thở, có thể phát hiện bệnh Parkinson, các bệnh ung thư, suy thận, đa xơ cứng và bệnh Crohn với độ chính xác 86%. Song tại thời điểm đó, thiết bị này gặp một số vấn đề, quan trọng nhất là việc chưa thể phân tích ngay lập tức hơi thở lưu trữ. Và hiện tại  thiết bị Breath Biopsy đã giải quyết được vấn đề trên.

 “Thông qua thử nghiệm lâm sàng này, chúng tôi hy vọng thông qua hơi thở, các bác sĩ có thể chẩn đoán ung thư sớm, trước khi bệnh nhân nhận thấy những dấu hiệu rõ rệt. Đây là bước quan trọng trong việc phát triển công nghệ này”, Giáo sư Rebecca Fitzgerald cho biết. 

Tiến sĩ David Crosby thuộc nhóm nghiên cứu cũng nhận xét, dự án nghe có vẻ lạ kỳ nhưng rất thực tế do chi phí sản xuất tương đối rẻ và đơn giản trong khi tiềm năng ứng dụng lại rất lớn. Phương pháp không gây xâm lấn, vì tất cả những gì bác sĩ cần là bệnh nhân ngồi thở vào máy.

Phương pháp này rất dễ thực hiện nên các nhà khoa học hy vọng rằng nó sẽ được áp dụng tại các phòng khám bác sĩ gia đình nếu thí nghiệm được áp dụng. Ông David Crosby mong rằng, thiết bị này trong tương lai có thể cứu sống hàng ngàn người mắc ung thư mỗi năm.

Đây không phải lần đầu tiên các nhà nghiên cứu tìm ra triệu chứng ung thư thông qua hơi thở. Vào năm 2014, một công ty Mỹ cũng đã phát minh ra dụng cụ mang tên BreathLink. Người bệnh cũng chỉ cần thở vào dụng cụ này 2 phút, từ đó xác định nồng độ hóa chất và phát hiện dấu hiệu ung thư. 

Các nhà khoa học cho biết độ chính xác của dụng cụ này tương đương với phương pháp chụp X-quang khi phát hiện tổn thương trong tuyến vú. Nhờ vậy, dụng cụ này có thể giảm thiểu tình trạng xâm lấn và hạn chế tiếp xúc với tia bức xạ, cũng như tâm lý e ngại khi đi khám sức khỏe ở bệnh viện. Không những vậy, phương pháp sẽ khuyến khích phụ nữ chủ động đi kiểm tra phát hiện sớm ung thư vú nhằm kịp thời điều trị. 

“Nếu kiểm tra cho kết quả âm tính, có tới 99,9% bạn không bị ung thư vú. Tôi tin trong tương lai không xa, kiểm tra hơi thở sẽ được thực hiện trên toàn cầu trong việc phát hiện nhiều bệnh, cả ung thư lẫn bệnh truyền nhiễm. Hy vọng nó sẽ trở thành một kiểm tra quan trọng như xét nghiệm máu hay nước tiểu”, Giáo sư Michael Phillips (Đại học Y khoa New York), người dẫn đầu nhóm nghiên cứu nhận định. 

Tháng 12/2016, các nhà nghiên cứu từ Viện công nghệ Israel đã phát triển một thiết bị sử dụng các hạt nano để xác định 17 loại bệnh khác nhau, thông qua hơi thở của người bệnh. Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra và phân tích hơi thở từ 1.400 bệnh nhân, từ đó xác định được 13 hóa chất trong 8 loại bệnh ung thư, bệnh Crohn, bệnh Parkinson, bệnh tăng huyết áp động mạch phổi và các bệnh khác. 

“Những dấu hiệu mùi trong hơi thở bệnh nhân được thiết bị nhận biết, từ đó cho phép chúng tôi xác định bệnh”, Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Hossam Haick cho biết.

Dù chưa đủ độ chính xác để chẩn đoán lâm sàng, nhưng công nghệ này có thể được sử dụng như một bài kiểm tra thường xuyên để bắt bệnh ở giai đoạn đầu. Thiết bị này thậm chí có thể được sử dụng để xác định những người không bị bệnh nhưng có nguy cơ cao hơn những người khác trong một số điều kiện nhất định.

Hơn nữa, với thiết bị này, người bệnh sẽ không cần phải làm thủ tục giấy tờ phức tạp, không gây nguy hiểm, luôn sẵn sàng và thậm chí có thể thử nhiều lần nếu cần thiết.