(PLO) - “Em chào chị, chị có phải là chị Phương, mẹ của bé H, trường A không”. “Vâng, có việc gì vậy cô, con tôi…”. “Không ạ, em là nhân viên của trung tâm tiếng Anh, em muốn mời chị…”, tút tút tút. Chị Phương vứt bụp chiếc máy điện thoại xuống bàn chán nản than trời: từ sáng tới giờ hết mời mua bảo hiểm, bất động sản, đi du lịch giờ tới gia sư, tiếng Anh. Cứ thế này, đến đổi số điện thoại thôi…
Một phút vô tâm, cả năm bị “quấy”
Sáng tiếp điện thoại của nhân viên tư vấn bảo hiểm, trưa nghe máy của cò mồi bán đất, nửa đêm còn bị gọi mời mở thẻ, vay vốn ngân hàng là tình cảnh của nhiều người chứ không phải của mình chị Phương.
“Chẳng hiểu các doanh nghiệp rồi cả ngân hàng suy nghĩ như thế nào mà thời buổi này còn sử dụng những chiêu thức tiếp thị, quảng cáo, bán hàng cũ rích, làm phiền khách hàng đến thế”, chị Phương phàn nàn.
Trách người nhưng chị Phương cũng tự trách mình bởi chính chị chứ chẳng phải ai khác đã vô tình để lộ số điện thoại để rồi từ đó số máy của chị thành hàng “hot” được bán hết cho dịch vụ này tới dịch vụ khác.
“Số máy này mình dùng gần 10 năm rồi, chỉ bạn bè, đối tác biết thôi, trên danh thiếp mình chỉ ghi số cố định ở cơ quan chứ không in số di động. Năm ngoái đi mua mỹ phẩm, cô bé bán hàng khéo miệng cứ chèo kéo xin chị số điện thoại để có chương trình khuyến mãi sẽ gọi cho chị. Thế là chị cho cô ta số máy, bẵng đi một thời gian sau, tự dưng cứ có các số máy lạ gọi tới, chào mời tham gia mua bán cái này cái kia, đủ các loại dịch vụ. Mình bực lắm, có lần đã tới thẳng shop đó, gặp cô bé kia thì chủ cửa hàng bảo cho cô bé nghỉ việc lâu rồi còn cứ leo lẻo mọi thông tin của khách hàng đều được bảo mật”, chị Phương chia sẻ.
Không hiếm người vô tình trở thành “nạn nhân” như chị Phương song có nhiều người dù rất thấm tinh thần “bảo mật” song thông tin cá nhân vẫn bị lộ. “Tôi tuyệt đối không trao số di động cho người mới quen, vậy mà gần đây liên tiếp bị “nã” điện thoại, chủ yếu nhắn tin mời mua bất động sản, mở thẻ tín dụng. Họ không những biết số điện thoại mà còn biết cả tên của tôi. Có hôm đang họp, điện thoại đổ chuông, thấy số lạ, không trong danh bạ, tôi tắt đi nhưng số máy đó cứ kiên trì gọi cả chục cuộc, ngỡ có việc thực sự cần tôi nhấc máy nghe, hóa ra là nhân viên tiếp thị, mời tham gia mua thẻ thành viên của một khách sạn 5 sao. Thực sự là bực mình không thể tưởng”, chị Ngọc Hân, giám đốc nhãn hàng của một doanh nghiệp dệt may bức xúc chia sẻ.
Sau nhiều tháng cất công dò hỏi, thậm chí phải mua cả một hợp đồng bảo hiểm chị Hân mới “dò” ra thủ phạm “phát tán” số điện thoại của chị là một người bạn khá thân. Truy cô bạn, chị nhận được lời xin lỗi và lý do khá…vớ vẩn: “tớ đi tập yoga ở Z, họ bảo giới thiệu thêm bạn sẽ tặng thêm 2 tháng vào thẻ thành viên, nghĩ là cậu cũng có nhu cầu đi tập nên tớ đã cho họ số máy của cậu”.
Hàng “hot” thời @
Xã hội thời @, thông tin cá nhân thực sự “quý như vàng”, nhất là thông tin của những người có thu nhập, thường xuyên mua sắm hoặc có công việc tốt, vị trí cao trong xã hội. Một nhân viên môi giới bất động sản “bật mí” với phóng viên, để có được danh sách những khách hàng tiềm năng, bao gồm tên tuổi, công việc, email và đặc biệt số điện thoại (mà khách hàng dùng thực sự, thường xuyên) họ phải mua với giá không hề rẻ, từ vài triệu tới cả chục triệu đồng/ gói.
Câu hỏi đặt ra là ai đang bán những thông tin cá nhân của khách hàng. Theo quan sát của phóng viên, những cá nhân từng làm việc ở các vị trí như nhân viên chăm sóc khách hàng, nhân viên truyền thông, phụ trách quan hệ khách hàng…thường là những cá nhân có được nhiều thông tin nhất về khách hàng. Những cá nhân này “âm thầm” gom dữ liệu khách hàng và bán cho những ai cần sử dụng để kiếm lời. Ban đầu, việc bán thông tin cá nhân còn lặng lẽ, về sau, trở thành chuyện phổ biến, thậm chí được rao bán công khai trên mạng Internet.
Tình trạng này khiến cho khách hàng không khỏi hoang mang, lo lắng. Trong khi đó, theo quy định của pháp luật (điều 38 Bộ luật dân sự năm 2005) thì “quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ”. Do vậy thông tin cá nhân không phải là thông tin có thể công khai hoặc rao bán như một loại hàng hóa, việc rao bán các thông tin này là vi phạm pháp luật. Tùy mức độ có thể bị xử phạt hành chính 50-70 triệu đồng và xử lý hình sự với mức phạt cao nhất 7 năm tù, phạt bổ sung đến 200 triệu đồng. Các hành vi “cung cấp” (bán) và hành vi “mua” những thông tin hợp pháp của các cá nhân, tổ chức mà không được phép của các chủ sở hữu là vi phạm pháp luật.
Quy định như thế nhưng để “bắt tận tay, day tận trán” và xử phạt được cả người mua thông tin và người bán thông tin không hề đơn giản. Thực tế, nạn mua bán thông tin cá nhân đã “nóng” từ vài năm trở lại đây nhưng cơ quan chức năng chưa coi đây là một dạng “tội phạm” để có chiến dịch “truy quét”, xử lý triệt để, đem lại sự an tâm cho người dân.
Điểm lại, từ năm 2012 tới nay mới chỉ có một vài vụ việc lẻ tẻ đối tượng bán thông tin bị “sờ gáy”. Điển hình là vụ đầu năm 2012, A87 bộ Công an (phía Nam) đã xử lý các đối tượng gồm: Dương Hồng Lê (ngụ quận Tân Phú), Hứa Văn Tuấn (ngụ quận 8) và Lê Minh Trung (ngụ quận Bình Thạnh) có liên quan đến hoạt động mua bán trái phép thông tin cá nhân của hàng trăm ngàn người trên mạng.
Hành vi của các đối tượng nói trên có dấu hiệu vi phạm luật hình sự. Tuy nhiên, sau đó chỉ bị phạt hành chính do các đối tượng khi bị mời làm việc đã thành khẩn hợp tác, trình bày do không am hiểu pháp luật và là lần đầu phạm tội. Phải chăng, chính do sự “xem nhẹ” đó nên vấn nạn mua bán thông tin cá nhân ngày càng nở rộ, trở thành món hàng “béo bở” bất chấp hành vi đó là phạm pháp. Bản thân các doanh nghiệp sử dụng thông tin khách hàng mà bằng cách thức không hợp pháp họ thu thập được để tiếp thị, quảng cáo cũng không ý thức được mình đang ‘tiếp tay” cho hành vi phạm pháp mà chỉ đơn thuần thấy “lợi là làm”.
Tự “cứu mình” trước khi “được cứu”
Không để lại số điện thoại ở những nơi không cần thiết, nhất là khi đi mua sắm, sử dụng các dịch vụ, nếu bị các số lạ quấy rầy cần sử dụng dịch vụ chặn số lạ, thậm chí đe dọa khởi kiện những đơn vị, tổ chức, cá nhân nhắn tin, gọi điện tiếp thị làm phiền khách hàng. Đó là những cách đơn giản nhất giúp bạn có thể “thoát” khỏi vòng vây của “đội quân” tiếp thị qua điện thoại đang hoạt động hết công suất, nhất là trong những ngày cuối năm.
Thạc sỹ Lê Thành Vinh, công ty Luật SmiC:
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi, đối tượng rao bán thông tin cá nhân của người khác trên mạng có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong trường hợp hành vi của người rao bán thông tin gây hậu quả nghiêm trọng, đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứ trách nhiệm hình sự theo Điều 226 Bộ luật hình sự về hành vi: Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa những thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.
Để bảo vệ quyền lợi của mình, khách hàng bị rao bán thông tin có thể làm đơn tố cáo gửi đến Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông cấp tỉnh; Chủ tịch UBND cấp huyện, Trưởng Công an cấp huyện, Giám đốc Công an cấp tỉnh và các cơ quan có liên quan để được giải quyết theo thẩm quyền.