Mỹ: Biểu tình do sắc tộc, hai cảnh sát bị bắn

(PLO) - Hai sỹ quan cảnh sát tại thành phố Ferguson, thuộc hạt St.Louis, bang Missouri của Mỹ rạng sáng 12/3 đã bị bắn trúng trong cuộc biểu tình mới nhất nhằm phản đối cách đối xử của lực lượng cảnh sát gồm toàn người da trắng với cộng đồng người da màu sở tại.
Người biểu tình tại Ferguson. Ảnh: AFP
Theo AFP, cuộc biểu tình mới nhất diễn ra sau khi Cảnh sát trưởng Ferguson Thomas Jackson ngày 11/3 trở thành quan chức mới nhất tại St.Louis từ chức vì vụ việc viên cảnh sát da trắng Darren Wilson bắn chết thanh niên da màu không vũ trang Michael Brown hồi tháng 8 năm ngoái.
Việc từ chức này diễn ra một tuần sau khi Bộ Tư pháp Mỹ công bố báo cáo cho rằng cảnh sát Ferguson thường xuyên có hành vi phân biệt đối xử với người da đen khi nhằm vào người Mỹ gốc Phi để xử phạt. 
Trước đó, một thẩm phán tại tòa án thành phố Ferguson và hai chỉ huy cảnh sát cũng đã từ chức. Đến ngày 10/3, người quản lý tại đây cũng đã rút lui khỏi bộ máy chính quyền. Tuy nhiên, một người tham gia biểu tình tên DeRay McKesson cho biết đám đông muốn nhiều hơn thế, họ muốn giải tán Sở Cảnh sát địa phương và cả Thị trưởng phải từ chức.
Quả thực, sau khi việc từ chức của Cảnh sát trưởng Jackson được loan báo, tối 11/3 khoảng 60 đến 70 người biểu tình đã tụ tập trước trụ sở cảnh sát. Một số người đã chặn các tuyến phố và vỉa hè, buộc giới chức địa phương điều cảnh sát đến. Nhân chứng Markus Roehrer cho hay, không khí tại cuộc biểu tình khá căng thẳng. Sau đó, anh nghe thấy tiếng súng vang lên và các cảnh sát ngã xuống. 
Theo tuyên bố của Cảnh sát trưởng St.Louis Jon Belmar, một cảnh sát đã bị bắn vào mặt và người còn lại bị bắn vào vai trong khi đang giải tán cuộc biểu tình. Ông Belmar cho biết thêm, những vết thương khá nghiêm trọng nhưng cả hai viên cảnh sát đều đã tỉnh táo. “Những cảnh sát đang đứng đó và họ bị bắn chỉ vì họ là cảnh sát” – ông Belmar nói thêm. Nhân chứng Roehrer thông tin, cảnh sát sau đó đã rút vũ khí để giải tán đám đông. 
Thành phố Ferguson trong những tháng gần đây trở thành một trong những điểm nóng về vấn đề cảnh sát đối xử khắc nghiệt với những thanh niên da màu bùng lên sau vụ việc của Brown. Cái chết của thanh niên này tại thời điểm đó đã dấy lên những cuộc biểu tình giận dữ và một cuộc tranh luận quốc gia về chủng tộc và lực lượng hành pháp tại Mỹ.
Sự tức giận của người dân càng tăng cao khi Wilson sau đó đã không bị truy tố về cái chết của Brown. Không khí tại thành phố này đã trở nên căng thẳng đến mức bất cứ diễn biến mới nào trong vụ việc của Brown cũng có thể đưa các cuộc biểu tình trở lại đường phố. 
Hiện, nhân vật cấp cao duy nhất còn lại tại Ferguson là Thị trưởng James Knowles. Trước các động thái trên, ông Knowles đã cam kết sẽ tiến hành các cải cách từ gốc đến ngọn trong cộng đồng gồm 21.000 người, trong đó gồm đa số người da màu này để cải thiện tình hình./.

Đọc thêm