Theo phản ánh, sáng 3/4/2021, anh Kiên đang ở Hải Phòng thì nhận được điện thoại của vợ là Nguyễn Thị Thủy báo có lực lượng kiểm lâm vào xưởng bóc ván gỗ của anh tại xã Cường Lợi thu giữ hàng hóa và tài sản là ván bóc tại xưởng. Sau đó, họ tiếp tục đến 5 địa điểm anh Kiên thuê phơi thu giữ toàn bộ số ván bóc ở đây và lập biên bản, yêu cầu chị Thủy ký vào biên bản.
Ngày 13/4/2021, anh Kiên đến Hạt Kiểm lâm Na Rì làm việc, trình hồ sơ nguồn gốc lâm sản đề nghị được nhận lại toàn bộ số ván bóc bị thu giữ nhưng không được giải quyết. Anh Kiên tiếp tục khiếu nại nhưng chỉ nhận được thông báo của cơ quan Kiểm lâm đã bàn giao vụ việc đến Cơ quan điều tra Công an huyện Na Rì điều tra, làm rõ.
Anh Kiên cho biết, vợ anh không trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động xưởng bóc gỗ, không trực tiếp thu mua nên không hiểu rõ các nội dung liên quan đến nguồn gốc gỗ nên không thể trình bày chính xác với cơ quan chức năng. Tuy nhiên, khi anh Kiên cầm hồ sơ đến làm việc thì cơ quan kiểm lâm trả lời chỉ làm việc với người ký biên bản, như vậy là ảnh hưởng đến quyền lợi của anh.
Cũng theo phản ánh của anh Kiên, việc lập biên bản của lực lượng kiểm lâm chưa đúng quy định tại khoản 9 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính vì biên bản không ghi rõ tên, số lượng, chủng loại, tình trạng của tang vật, phương tiện bị tạm giữ… Anh Kiên cũng thắc mắc là trong sự việc của gia đình anh, số lượng lâm sản bị thu giữ lớn, nhiều tình tiết chưa được làm rõ nhưng cơ quan kiểm lâm lại không gia hạn tạm giữ để làm rõ.
Điều anh Kiên bức xúc nữa là trong khi sự việc chưa rõ đúng sai, chưa có kết quả cuối cùng nhưng lâm sản của gia đình anh sau khi bị lực lượng kiểm lâm lập biên bản thu giữ lại không được bảo quản cẩn thận khiến chất lượng ván bóc xuống cấp, hư hỏng, có dấu hiệu không tuân thủ quy định trong việc bảo quản tang vật.
Để xác minh phản ánh trên, phóng viên đã có mặt tại các điểm tạm giữ ván bóc, ghi nhận tất cả số lượng ván bóc trên chỉ được che phủ sơ sài bởi các tấm bạt mỏng; ván bóc có chỗ đã mốc, mục. Theo Luật sư Đào Thị Lan Anh (Công ty Luật Thiên Đức), căn cứ Điều 13 Nghị định số 115/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 3/10/2013 quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính thì chế độ quản lý, bảo quản, giao, nhận tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu được quy định như sau: Cá nhân, tổ chức được giao quản lý tang vật, phương tiện phải áp dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo quản tài sản được giao... Nếu tài sản bị mất mát, hư hỏng do lỗi của mình gây ra thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Điều 9 Nghị định 115/2013/NĐ-CP quy định cụ thể như sau: Người ra quyết định tạm giữ, tịch thu có trách nhiệm quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu. Trường hợp tang vật, phương tiện bị mất, bán, đánh tráo, hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì người ra quyết định tạm giữ, tịch thu chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Người trực tiếp quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và người ra quyết định tạm giữ, tịch thu về việc quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện. “Căn cứ những quy định trên, cơ quan Kiểm lâm huyện Na Rì nếu để hư hỏng, không đảm bảo chất lượng, giá trị tang vật đang tạm giữ thì phải chịu trách nhiệm”, Luật sư Lan Anh nói.
Để làm rõ các nội dung liên quan, PV liên hệ làm việc với ông Lục Văn Thuần, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Na Rì nhưng ông Thuần từ chối cung cấp thông tin. Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin sự việc.