Đồng thời, Sở cũng chỉ đạo các quận, huyện cố gắng không để phát sinh những trường hợp mới, nhất là những vụ vi phạm nghiêm trọng.
Đặc biệt, thực hiện năm “Kỷ cương hành chính” 2017, Sở quán triệt và yêu cầu toàn thể cán bộ, công chức thực hiện nghiêm túc các quy định về công vụ - công chức, xây dựng quy chế về xử lý công chức vi phạm kỷ cương hành chính; tăng cường tính công khai, minh bạch, kiện toàn và nâng cao chất lượng phục vụ của bộ phận một cửa, thực hiện tốt cơ chế một cửa liên thông, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và công dân.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, thời gian qua, do có sự buông lỏng quản lý và việc xử lý thiếu kiên quyết, dứt điểm của các cấp chính quyền cơ sở và đơn vị chức năng nên đã xảy ra tình trạng vi phạm trật tự xây dựng khá phổ biến và phức tạp trên địa bàn toàn thành phố, gây bức xúc trong dư luận.
Do vậy, ngay từ đầu năm, Sở đã yêu cầu toàn bộ cán bộ, công chức của Thanh tra Sở ký cam kết thực hiện nghiêm lĩnh vực phụ trách; trong đó xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của bản thân, đặc biệt vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực thi công vụ. Cùng với đó, Sở cũng thành lập các đoàn thanh tra công vụ kiểm tra việc thực thi đối với Đội thanh tra xây dựng tại một số quận, huyện.
Qua kiểm tra, mặc dù về cơ bản trách nhiệm công vụ của cán bộ thanh tra xây dựng được nâng cao, tình hình quản lý trật tự xây dựng có sự chuyển biến tích cực, nhưng cũng do sự hạn chế nhất định về trình độ chuyên môn, sự né tránh trách nhiệm nên một số cán bộ thanh tra xây dựng đã có những vi phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Trong năm 2016, Sở Xây dựng Hà Nội đã xử lý kỷ luật đối với 33 cán bộ; trong đó, khiển trách 22 cán bộ, cảnh cáo 7 cán bộ, giáng chức 2 cán bộ, buộc thôi việc 2 cán bộ. Sở Xây dựng cũng cho biết năm 2016, các đội thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã đã tiến hành kiểm tra 19.138 công trình, lập hồ sơ vi phạm 2.469 trường hợp (gồm 820 công trình không phép; 566 công trình sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kế; 159 công trình xây dựng ảnh hưởng đến môi trường, công trình lân cận; 924 công trình xây trên đất lấn chiếm, đất nông nghiệp, lâm nghiệp).
100% các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng đã được lực lượng thanh tra xây dựng lập hồ sơ xử lý vi phạm, đề xuất biện pháp xử lý và được chuyển đến Ủy ban nhân dân các cấp để xử lý vi phạm theo đúng quy định.
Theo đó, Sở Xây dựng đã đôn đốc chính quyền cơ sở xử lý vi phạm 1.766 trường hợp và tiếp tục giải quyết, xử lý theo thẩm quyền 693 trường hợp.
Thanh tra Sở và chính quyền cơ sở ban hành 1.841 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng (tăng 34,67% so với năm 2015), với tổng số tiền phạt hơn 29 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ tháng 8/2016, thực hiện Quyết định số 3973/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Xây dựng đã bàn giao công tác chỉ đạo, điều hành trực tiếp đội ngũ Thanh tra xây dựng cho các quận, huyện về trật tự xây dựng trên địa bàn.
Đối với việc xử lý nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng, Tổ công tác liên ngành đã tổ chức kiểm tra việc quản lý đất đai, quản lý quy hoạch kiến trúc, cấp phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng, xử lý tổng hợp nhà đất không đủ điều kiện mặt bằng kết hợp chỉnh trang tuyến phố đảm bảo cảnh quan kiến trúc đô thị tại các địa bàn: Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Ba Đình, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân, Long Biên, Gia Lâm và trên các trục đường vành đai 1, 2 và các trục đường mới.
Bên cạnh đó, tổ công tác đã đôn đốc các quận, huyện đẩy nhanh tiến độ xử lý các trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo theo hướng thu hồi sử dụng vào mục đích công cộng, hợp thửa hợp khối. Song, việc giải quyết của các quận, huyện vẫn còn chậm, chưa đạt tiến độ đề ra.
Trên cơ sở báo cáo của các quận, huyện, trong tổng số 552 trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện mặt bằng xây dựng, các quận, huyện đã giải quyết được 338 trường hợp, còn 214 trường hợp (trong đó có 11 trường hợp theo kết quả kiểm tra cũ), đã có các phương án để các quận triển khai thực hiện.