Năm 2017, sẽ đăng ký khai sinh cho tất cả trẻ em là con lai người Việt

(PLO) - Đây là lời hứa của Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực (Bộ Tư pháp) Nguyễn Công Khanh liên quan đến phản ánh rằng có nhiều trẻ em là con lai người Việt chưa được đăng ký khai sinh nên chưa được đi học và chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế. 
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, ông Khanh khẳng định trên thực tế, con số này không nhiều và Cục sẽ hướng dẫn để giải quyết đăng ký khai sinh cho tất cả các em trong năm 2017.

Theo báo cáo của 63/63 địa phương về Cục, hiện số trẻ em là con lai có 19.080, nhưng cập nhật số liệu chính xác của Cục là 17.980 trẻ, còn số chưa chính xác thì Cục yêu cầu địa phương làm lại. Qua tổng hợp cho thấy, số được khai sinh và có quốc tịch là trên 85%, chỉ gần 15% chưa được khai sinh và xác định quốc tịch.

“Trong năm 2017, Bộ sẽ hướng dẫn để giải quyết nốt, thực ra số trẻ chưa được khai sinh và xác định quốc tịch là do vướng mắc về giấy tờ, song còn có nguyên nhân từ một phần là do ông bà ngoại giấu giấy tờ đi” – ông Khanh chia sẻ và cho biết, quý I năm 2017 dự kiến sẽ tổ chức một hội nghị ở TPHCM để nghe các địa phương báo cáo vướng mắc và bàn về giải pháp đăng ký khai sinh, xác định quốc tịch cho nhóm trẻ em này. 

Liên quan đến quyền học tập thì theo các địa phương báo cáo hầu hết các trẻ em có khai sinh và xác định quốc tịch đều được đến trường. Về cơ bản, trẻ em là con lai, kể cả trẻ em có quốc tịch nước ngoài nếu người nuôi dưỡng thuộc hộ nghèo, đều được miễn, giảm học phí và miễn các khoản thu. Còn đối với quyền khám chữa bệnh, tất cả trẻ em đã khai sinh mà dưới 6 tuổi cũng đều được đăng ký cư trú theo Luật Cư trú và cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí tại cơ sở y tế công cộng.

Tuy nhiên, do pháp luật của nước ta có rất nhiều quy định thay đổi theo hướng thuận lợi như thuận lợi trong việc đăng ký cư trú, xuất nhập cảnh, không có quy định ngăn cấm hạn chế, kiểm tra kiểm soát trong việc phải có sự đồng ý của người bố mới được mang con về nên ngày càng có nhiều các bà mẹ Việt Nam đưa con về nước.

Ngoài ra, pháp luật hiện hành cũng không có quy định để áp dụng riêng với người nước ngoài hay công dân Việt Nam, song quá trình triển khai thực hiện ở các địa phương không thống nhất, có nơi thực hiện miễn học phí chung cho cả trẻ em công dân Việt Nam và với người nước ngoài, có nơi thì phân biệt, ảnh hưởng đến việc đi học của các cháu trong khi ông bà của trẻ chỉ muốn cháu mình thành công dân Việt Nam để đi học miễn phí.

Mặt khác, xuất phát từ những bất cập về đăng ký cư trú xuất nhập cảnh, quá cảnh, trong đó có quy định về đăng ký tạm trú hết hạn phải gia hạn, mỗi lần gia hạn phải mất lệ phí nên nhiều gia đình không muốn đi gia hạn cho trẻ…

Bộ Tư pháp đề xuất, đối với nhóm trẻ đã đăng ký khai sinh và xác định quốc tịch thì đề nghị Thủ tướng giao Bộ Công an hướng dẫn địa phương vận dụng quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh khi đã có đủ thời gian cư trú để cấp thẻ thường trú, không phải làm thủ tục gia hạn. Bên cạnh đó, đề nghị các bộ liên quan chỉ đạo áp dụng thống nhất việc miễn, giảm học phí theo độ tuổi đi học, cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi như với trẻ em Việt Nam.

Đối với nhóm trẻ chưa được đăng ký cũng như xác định quốc tịch, đề nghị giao Bộ Tư pháp chỉ đạo cơ quan tư pháp địa phương làm thủ tục đăng ký khai sinh, nhập quốc tịch Việt Nam cho trẻ, đồng thời chỉ đạo Bộ Công an có giải pháp để xóa tên trong sổ hộ khẩu theo Luật Cư trú với những trẻ đã định cư, có quốc tịch nước ngoài.

Đọc thêm