Dự đoán này chủ yếu dựa trên niềm tin rằng nền kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thực thi kế hoạch tiến hành nhiều đợt tăng lãi suất trong năm 2017.
Lãi suất cao hơn sẽ khiến việc tích trữ tài sản tính bằng đồng USD trở nên hấp dẫn hơn, và nhờ đó thu hút nguồn tiền đổ vào Mỹ.
Đồng USD mạnh là biểu hiện rõ rệt nhất cho thấy Phố Wall ngày càng lạc quan với nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, đối với nhiều quốc gia đồng bạc xanh mạnh lên báo hiệu những rắc rối mới.
Tờ The Wall Street Journal dẫn lời ông Christopher Stanton, nhà phụ trách đầu tư của công ty Sunrise Capital LP, cho biết hiện tại đang có áp lực chưa từng có buộc các nhà đầu tư phải bán mọi loại tiền tệ để mua vào USD.
Ông Stanton, hiện đang quản lý 700 triệu USD, đánh cược rằng trong vài tháng tới, đồng bạc xanh sẽ tăng giá so với đồng đôla Australia, đồng yen Nhật và đồng euro.
Đồng USD mạnh lên làm tăng sức mua của người tiêu dùng và giới kinh doanh Mỹ bởi lẽ hàng nhập khẩu sẽ rẻ hơn và chi phí đi du lịch nước ngoài sẽ giảm. Tuy nhiên, đồng USD lại gây phương hại tới các nhà xuất khẩu Mỹ bởi lẽ hàng hóa của Mỹ sẽ kém sức cạnh tranh ở nước ngoài hơn, dẫn đến hệ quả là lợi nhuận công ty giảm và có nguy cơ tác động xấu tới cổ phiếu.
Tại các thị trường mới nổi, đồng USD mạnh có thể gây tác động giá dầu và những tài sản được tính bằng USD, gây áp lực lên những nền kinh tế đang phát triển vốn dựa vào xuất khẩu nguyên liệu thô. Các công ty và chính phủ ở những thị trường mới nổi sẽ gặp khó khăn hơn nữa trong việc trang trải các khoản vay nợ bằng USD.
Riêng đối với Trung Quốc, đồng USD mạnh lên làm trầm trọng thêm tình trạng tẩu tán vốn ra nước ngoài và thắt chặt khả năng thanh khoản, gây rối loạn thị trường sau một năm 2016 khá ổn định.
Tháng 12 vừa qua, các thị trường chứng khoán Trung Quốc đã phản ứng hoảng loạn sau khi Fed quyết định nâng lãi suất và phát tín hiệu về một số đợt tăng tiếp theo. Bắc Kinh đã bơm tiền nhằm ngăn chặn khả năng cạn kiệt tín dụng trong khi giá cổ phiếu giảm.
Trong 3 quý năm 2016, để làm chậm lại đà mất giá của đồng nhân dân tệ so với đồng USD, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã phải tiêu đến 300 tỷ USD tiền dự trữ ngoại tệ, cao hơn tổng số tiền phải bỏ ra trong năm 2015.
Kể từ tháng 10/2016, đồng nhân dân tệ đã giảm giá 4,3% so với đồng USD, và hiện đang đứng ở mức thấp kỷ lục. Các đồng tiền của những thị trường mới nổi khác thậm chí còn mất giá thê thảm hơn, đơn cử như đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ giảm giá 15% trong 3 tháng cuối năm.
|
Ảnh minh họa. (Nguồn: Contact.az)
|
Trao đổi với tờ The Wall Street Journal, ông Alan Ruskin, người phụ trách chiến lược ngoại hối của ngân hàng Deutsche Bank, cho biết những kỳ vọng vào các gói kích thích tài chính dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump "đã tiếp thêm sức mạnh tuyệt đối cho đồng USD" và "đây là sự thay đổi quan trọng trong các động lực chính sách."
Chỉ số đồng USD của tờ The Wall Street Journal Dollar Index, thước đo giá trị đồng USD so với một rổ gồm 16 đồng tiền, đã tăng 3,1% trong năm 2016, chủ yếu nhờ đồng USD tăng mạnh giá trị so với đồng euro, đồng yen và các đồng tiền của những thị trường mới nổi trong những ngày cuối năm 2016.
Khoảng 60% khách hàng được tập đoàn Citigroup khảo sát tin rằng đồng USD sẽ "lên giá đôi chút" hoặc "lên giá mạnh" so với các đồng tiền của các thị trường phát triển và mới nổi trong năm 2017.
Tuy nhiên, một số người lo ngại rằng những đề xuất của ông Trump đối với chi tiêu vào hạ tầng cơ sở và cắt giảm thuế có thể không thu được kết quả như mong muốn. Lịch sử cũng cho thấy những đợt kích thích tài chính trước đây đã tạo những tác động khác nhau lên đồng tiền của Mỹ.
Đơn cử như chỉ số ICE Dollar đã tăng hơn 80% trong khoảng năm 1981-1985, nhờ một loạt những biện pháp kích thích tài chính được chính quyền Tổng thống Ronald Reagan thông qua cũng như một loạt đợt tăng lãi suất của Fed trong những năm đầu của thập niên 1980.
Trái lại, theo một báo cáo của ngân hàng Deutsche Bank, những khoản giảm thuế dưới thời Tổng thống George W. Bush lại không nâng được giá trị đồng USD vào những năm 2000, do chúng bị đi kèm với cách tiếp cận nới lỏng tiền tệ của Fed và các thị trường chứng khoản bất ổn.
Các nhà đầu tư cũng dự đoán Fed sẽ theo dõi sát sao những diễn biến của đồng USD và sẽ nâng lãi suất ở tốc độ chậm hơn nếu như sự mạnh lên của đồng bạc xanh có dấu hiệu gây phương hại nền kinh tế Mỹ.
Thanos Bardas, nhà phụ trách vốn đầu tư của công ty Neuberger Berman hiện đang quản lý 255 tỷ USD, cho biết trong tháng 12 ông đã thu được lợi nhuận nhờ dự đoán rằng đồng USD sẽ tăng giá trị, song ông tỏ ra thận trọng trước việc đồng bạc xanh tăng giá quá nhanh trong một thời gian ngắn.
Theo ông, khi mà các thị trường "quá nhiều màu hồng, thì cách giao dịch khôn ngoan là đặt niềm tin, song phải có sự thẩm định"./.