Năm 2020 kinh tế Hà Tĩnh có nhiều ngành tăng trưởng khá

(PLVN) - Đối mặt với thiên tai, dịch bệnh Covid-19, mưa lũ kéo dài khiến tình hình kinh tế, xã hội trên địa bàn Hà Tĩnh gặp không ít khó khăn, với sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo và sự vào cuộc của các ngành chức năng tỉnh, nền kinh tế địa phương này có nhiều chuyển biến tích cực... 
Thành phố Hà Tĩnh có mức tăng trưởng khá hơn so với các địa phương khác
Thành phố Hà Tĩnh có mức tăng trưởng khá hơn so với các địa phương khác

Năm 2020, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có nhiều khó khăn, nguồn lực đầu tư hạn chế, thời tiết phức tạp, hạn hán mưa lũ kéo dài. Đặc biệt dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và doanh thu của các ngành. Nhưng tỉnh Hà Tĩnh kịp thời triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, Nghị quyết Ban chấp hành Đảng bộ và HĐND tỉnh. Nhờ vậy kinh tế nhiều ngành tăng trưởng khá.

Giá trị tổng sản phẩm trong tỉnh theo giá hiện hành GRDP năm 2020 ước đạt 81.818,2 tỷ đồng. Trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 12.940,29 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 15,81%; khu vực công nghiệp và xây dựng ước đạt 34.322,17 tỷ đồng, chiếm 41,95% ; khu vực dịch vụ ước đạt 27.612,81 tỷ đồng chiếm 33,75% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước đạt 6.943,16 tỷ đồng chiếm 8,49% trong tổng thu. 

Giá trị tổng sản phẩm trong tỉnh tính theo giá so sánh năm 2010: GRDP (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 47.740,93 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước tăng 0,53% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là năm tốc độ tăng trưởng GRDP thấp nhất kể từ sau sự cố môi trường biển năm 2016. Trong mức tăng chung của toàn thể nền kinh tế thì khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,76% đóng góp 0,5 điểm % vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 0,48% đóng góp 0,21điểm %; khu vực dịch vụ tăng 0,6% đóng góp 0,23 điểm % và thuế sản phẩm trừ sản phẩm giảm 4,57% đóng góp  -0,41% .  

Trong năm 2020 khu vực nông lâm, ngư nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng khá. Trong đó nông nghiệp tăng 3,59%, lâm nghiệp tăng 2,81%. Điểm áng của khu vực này là ngành thủy sản tăng 5,46%. Năm 2020 diện tích gieo trồng vụ Hè Thu tăng so với năm trước. Nông dân tuân thủ nghiêm lịch thời vụ, do đó lúa có sản lượng cao, nên tăng 5,41% (tăng 27.389 tấn) so với năm 2019. Cùng với cây lúa, các loại cây trồng cạn như: ngô, rau, khoai đậu đều tăng cao hơn năm 2019. Chăn nuôi lợn thực hiện đồng bộ kiểm soát dịch bệnh đến nay đã có kết quả tăng tái đàn, tăng đàn và sản lượng. 

Ngành công nghiệp và xây dựng năm 2020 tăng 1,13% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ các năm 2011-2020. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,5%, khai thác khoảng sản giảm 5,08%. Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng khá 12,52%. Cung cấp nước và xử lý rác thải giảm 7,27%. Ngành xây dựng trong năm giảm 2,24%. Sản lượng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm phôi thép, thép thành phẩm của Công ty Formosa giảm mạnh do hiện nay giá thép thành phẩm liên tục giảm, giá nguyên liệu tiếp tục tăng cao. Do ảnh hưởng dịch Covid- 19 ngành công nghiệp, chế tạo cũng giảm. 

Khu vực dịch vụ tăng 0,69 % so với năm trước, đây là năm thứ 2 tăng trưởng khu vực này đạt thấp kể từ ngày xẩy ra sự cố môi trường biển năm 2016. Nhưng có một số ngành tăng khá như: bán buôn, bán lẻ tăng 3,22%, ngành dụ dịch vụ lưu trú, hoạt động ngành tài chính ngân hàng và bảo hiểm có mức tăng cao 7,7%.    

Nhìn chung trong 5 năm từ năm 2016 đến năm 2020 Hà Tĩnh có nhiều thay đổi về tăng trưởng kinh tế, tốc độ tăng bình quân GRDP  chỉ đạt 4,42% . Cơ cấu kinh tế trong những năm qua đã dịch chuyển theo hướng tích cực tăng dần tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Chuyển đổi cơ cấu kinh tế không chỉ diễn ra ở các khu vực mà xu hướng chuyển đổi trong nội ngành cũng diễn ra tích cực trong những năm gần đây. Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu nội ngành, năm 2020 chiếm 80,77%, trong khi đó ngành thủy sản chỉ chiếm 6,92%, ngành lâm nghiệp chiếm 12,3%. Trong sản xuất nông nghiệp cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt giống, biện pháp thâm canh mới.

Khu vực công nghiệp và xây dựng cơ cấu ngành và cơ cấu sản phẩm thay đổi phù hợp với nhu cầu thị trường. Trong những năm gần đây tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành sản xuất và phân phối điện có xu hướng tăng, năm 2020 chiếm 97,5% trong cơ cấu nội ngành.

Tổng thu ngân sách trên địa bàn tính đến ngày 15/12/2020 đạt 10.126 tỷ đồng, bằng 80% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó thu nội địa chiếm 69,81%, thu cân đối hoạt động xuất nhập khẩu chiếm 20,66% và thu khác chiếm 9,53% . Mặc dù có nhiều khó khăn nhưng thu nội địa tăng 13,20% so với cùng kỳ năm trước. 

Đọc thêm