Năm 2021: Dự báo thiên tai bão lũ tiếp tục phức tạp, bất thường

(PLVN) - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh vấn đề trên tại Hội nghị về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021, vừa được tổ chức tại Hà Nội mới đây.
Hình minh họa

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về phòng chống thiên tai, năm 2020 thiên tai diễn ra dồn dập và đặc biệt khốc liệt, mang nhiều yếu tố dị thường, vượt mức lịch sử trên nhiều vùng miền cả nước.

Đã xảy ra 16/21 loại hình thiên tai, trong đó có 14 cơn bão, 120 trận lũ quét, sạt lở đất, 90 trận động đất. Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Năm 2020, thiên tai đã làm 357 người chết và mất tích; làm sập khoảng 3.400 căn nhà, trên 198.000ha lúa, hoa màu, cây ăn trái bị thiệt hại; 52.000 con gia súc, 4,1 triệu con gia cầm bị chết, cuốn trôi. Tổng thiệt hại ước tính 40.000 tỷ đồng.

Thiên tai còn làm ảnh hưởng môi trường sống, sức khỏe, sản xuất và đời sống của nhân dân, cản trở giao thương, làm gián đoạn việc cung cấp dịch vụ thiết yếu tại nhiều khu vực.

Dự báo tình hình thiên tai năm nay, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, cần lưu ý đề phòng các cơn bão có diễn biến cường độ và quỹ đạo phức tạp, mưa lớn cục bộ và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác trên phạm vi toàn quốc.

Dự báo số lượng bão, áp thấp nhiệt đới trên khu vực biển Đông và ảnh hưởng đến nước ta có xu hướng tương đương so với trung bình nhiều năm (trung bình nhiều năm khoảng từ 12-14 cơn, ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khoảng từ 5-7 cơn). Đề phòng các các cơn bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp trong năm 2021.

Trong năm 2021, nhiều hình thái thiên tai dị thường có thể xảy ra, cần chủ động ứng phó.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, quan điểm chỉ đạo chung với công tác phòng, chống thiên tai (PCTT), ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn là phải chủ động hơn nữa, quyết tâm cao nhất để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, lấy sự an toàn của người dân làm thước đo cho kết quả các hoạt động của PCTT; PCTT phải lấy phòng ngừa là chính, từ cơ sở là chính, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”.

Phó Thủ tướng đề nghị thời gian tới, BCĐ, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành địa phương cần khẩn trương kiện toàn cơ quan chỉ đạo, chỉ huy PCTT; phân công trách nhiệm từng thành viên, cơ quan, tổ chức.

Rà soát, hoàn thiện phương án ứng phó từng tình huống thiên tai cụ thể có thể xảy ra trên từng địa bàn, đặc biệt cần rà soát phương án sơ tán dân phù hợp trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp để bảo đảm an toàn trong chỉ đạo, ứng phó thiên tai, đồng thời bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh. Tập trung nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, bảo đảm kịp thời, chính xác; chú trọng, ưu tiên đầu tư cho công tác nghiên cứu về thiên tai, dự báo khí tượng thủy văn, theo dõi, giám sát thiên tai; triển khai các biện pháp hiệu quả nhất trong công tác PCTT.

Các địa phương giữ vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định trong PCTT, tiếp tục nâng cao năng lực cho lực lượng làm công tác PCTT, nhất là ở cơ sở, phát huy tối đa phương châm “4 tại chỗ” để chỉ đạo, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại khi thiên tai, sự cố…

Các cơ quan thông tấn, báo chí thực hiện tốt công tác truyền thông, tăng cường đưa tin về các hoạt động PCTT đến người dân và các cấp chính quyền cơ sở để người dân và chính quyền địa phương có giải pháp ứng phó phù hợp.