Nam Định: Đừng để người dân chết đi mới công nhận là có công

(PLO) - Cả xã và huyện đều biết hai ông Đoan và Roan đi thanh niên xung phong thời kỳ chống Mỹ. Họ được Bộ GTVT cấp giấy chứng thương và Trung ương Đoàn khẳng định Kỷ niệm chương không hẳn là căn cứ để xét duyệt chế độ, nhưng không hiểu sao Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Nam Định vẫn cắt chế độ của họ hơn 10 năm nay.
Hai ông Đoan và Roan
Hai ông Đoan và Roan

Kỷ niệm chương chỉ là một căn cứ để xét duyệt

Hai anh em ông Nguyễn Văn Đoan (SN 1942) và Nguyễn Văn Roan (SN 1940), cùng trú thôn An Tĩnh, xã Yên Bình, huyện Ý Yên, Nam Định được công nhận là thanh niên xung phong (TNXP) bị thương trong thời kỳ chống Mỹ, được hưởng chế độ như thương binh (ông Đoan được hưởng chế độ từ năm 2004, ông Roan có quyết định được hưởng từ 2006).

Nhưng do có đơn tố cáo nên hai ông bị Sở LĐTBXH Nam Định cắt chế độ để thanh, kiểm tra. Đến năm 2012, sau 6 năm, Thanh tra Sở này ra kết luận nội dung tố cáo là đúng nên dừng trợ cấp chế độ đối với hai ông.

Để đưa ra kết luận này, Sở LĐTBXH Nam Định căn cứ hai nội dung chính. Thứ nhất, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh không lưu giữ tên của hai ông Đoan, Roan trong danh sách được cấp Kỷ niệm chương TNXP. Thứ hai, Sở này cho rằng giấy chứng nhận bị thương trong thời kỳ ông Đoan, Roan đi TNXP do Bộ GTVT cấp là không có cơ sở.

Tuy nhiên, trả lời phóng viên Báo PLVN việc Sở LĐTBXH Nam Định cắt chế độ đối với ông Đoan, Roan do hai ông này không có Kỷ niệm chương? Ông Nguyễn Minh Thơ - Trưởng ban TNXP (Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) cho rằng, Kỷ niệm chương không phải là căn cứ xét duyệt chế độ cho TNXP bị thương thời kỳ chống Mỹ.

Liên quan đến kết luận của Sở LĐTBXH Nam Định cho rằng, giấy chứng nhận bị thương do Bộ GTVT cấp cho ông Đoan và ông Roan là không đúng? Ông Vũ Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ (Bộ GTVT) cho biết: Đến nay vẫn chưa có quyết định nào hủy giấy chứng nhận bị thương đối với hai ông Đoan, Roan. Do đó, hai giấy chứng nhận này vẫn có giá trị pháp lý.

Nhằm làm rõ hơn vấn đề, phóng viên đã làm việc và được ông Nguyễn Duy Kiên - Phó Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐTBXH), ông Kiên cho biết: Giai đoạn từ năm 1999 đến 2003, việc xét chế độ TNXP bị thương trong thời chiến tranh chống Mỹ hưởng chính sách như thương binh được thực hiện theo Thông tư Liên tịch 16/1999/TTLT-LĐTBXH-TWĐTNCSHCM do Bộ LĐTBXH – Trung ương Đoàn ban hành.

Theo đó, hồ sơ để xét chế độ này gồm ba giấy chứng nhận chính, gồm: Giấy chứng nhận bị thương; Biên bản giám định thương tật của Hội đồng Giám định Y khoa; Giấy chứng nhận TNXP (có thể là giấy chứng nhận hoàn thành nhiệm vụ thanh niên xung phong; thẻ đội viên; lý lịch cũ có ký tên, đóng dấu của Ban chỉ huy đội thanh niên xung phong) hoặc giấy chứng nhận Kỷ niệm chương.

“Như vậy trong giai đoạn 1999 - 2003, việc xét chế độ thương binh cho TNXP bị thương thời kỳ chống Mỹ, Kỷ niệm chương chỉ là một trong những căn cứ để xét duyệt”, ông Kiên cho biết

Cũng theo ông Kiên, sau đó xuất hiện dấu hiệu tiêu cực trong việc cấp Kỷ niệm chương, nên đến 2003 Thông tư 16 được thay thế bằng Thông tư 17/2003/TTLT/BLĐTBXH-TƯĐTNCSHCM và Kỷ niệm chương không còn là căn cứ xét duyệt chế độ thương binh cho TNXP bị thương.

Giải quyết cứng nhắc?

Tiếp xúc với phóng viên, ông Đoan cho biết ông cùng ông Roan gửi hồ sơ xin xét duyệt chế độ thương binh từ năm 2000. Đến 2004, ông có quyết định được hưởng chế độ, còn ông Roan năm 2006 có quyết định này. Như vậy, lúc này Kỷ niệm chương của hai ông chỉ là một trong những căn cứ để xét chế độ.

“Sau khi được nhận chế độ, Sở LĐTBXH Nam Định thanh tra lại hồ sơ và đến năm 2012 mới có kết luận. Như vậy, trong thời gian thanh tra, Kỷ niệm chương đã không còn là căn cứ để xét duyệt chế độ đối với TNXP như trường hợp của anh em tôi”, ông Đoan cho biết.

 Trong khi đó, những đồng đội cũ của ông Đoan, Roan là những nhân chứng sống, đều xác nhận hai ông này có đi TNXP và là đồng đội của họ. Điều này cũng đã được xã, huyện nơi hai ông cư trú kiểm tra, xác minh và kết luận.

“Lẽ ra Sở LĐTBXH Nam Định cần linh hoạt áp dụng quy định mới khi tiến hành thanh tra để phù hợp với thực tế, tránh việc căn cứ vào quy định cũ để cắt bỏ chế độ đối với hai anh em chúng tôi. Tuổi đã ngoài 70, ròng rã 10 năm đi đòi chế độ, mà đúng hơn là đi đòi danh dự, vì từ khi bị cắt chế độ, hàng xóm cứ nói chúng tôi gian dối”, ông Đoan nói.

Rà soát, thanh tra, loại bỏ những đối tượng đáng ra không được hưởng chế độ mà vẫn được hưởng là việc nên làm đối với cơ quan thực thi chế độ chính sách. Tuy nhiên, việc cắt chế độ đối với những người đáng ra được hưởng nhưng vì lí do thủ tục mà nguyên nhân không thuộc về họ thì liệu cách xử lí của Sở LĐTBXH Nam Định có hợp tình, hợp lý? 

Xin được tạm kết vụ việc bằng việc gửi đến Bộ trưởng LĐTBXH Đào Ngọc Dung ý kiến một đồng đội của hai ông Đoan, Roan: “Đừng để những người không tiếc công sức, xương máu như chúng tôi chết rồi mới công nhận, bởi chế độ chỉ là phụ còn danh dự mới là quan trọng”.

Đọc thêm