Nam Định: Nghi án xã bao che trưởng thôn lạm quyền

(PLO) - Nhiều năm qua, người dân thôn Phúc Chỉ (xã Yên Thắng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) liên tục gửi đơn thư tố cáo những việc làm sai trái của nữ trưởng thôn trong quản lý tiền công, đất đai. Chính quyền xã đã ba lần ra kết luận xác định nội dung tố cáo đúng, kiến nghị xử lý kỉ luật. Tuy nhiên đến nay trưởng thôn này vẫn tiếp tục có những việc làm mập mờ. Người đặt nghi ngờ phải chăng có sự dung túng của chính quyền xã?  
Người dân tố cáo sai phạm của Trưởng thôn Phúc Chỉ

Dân tố trưởng thôn

Theo đơn thư tố cáo của người dân thôn Phúc Chỉ, từ tháng 6/2015, người dân trong thôn phát động quyên góp xây dựng đường bê tông từ trung tâm thôn ra khu nghĩa trang và cánh đồng. Kinh phí làm đường do người dân thuộc 11 dòng họ ở địa phương và con cháu xa quê đóng góp.

Sau khi các dòng họ họp bàn, thành lập Ban kiến thiết thôn đã trình báo chính quyền địa phương xin phép làm đường dài 275m, rộng 4m, dày 20cm. Theo quy định, mỗi hộ dân đóng 300 ngàn đồng. Phía UBND xã hỗ trợ 30 triệu đồng. Sau hai tháng thi công, con đường hoàn thiện đưa vào sử dụng.

Ông Nguyễn Văn Vinh, nguyên thành viên Ban kiến thiết thôn, đại diện các hộ dân trình bày: Đường làm xong, đến ngày 12/12/2015, khi bà trưởng thôn Nguyễn Thị San (SN 1971) ra thanh toán các khoản thu chi với Ban kiến thiết, dân làng mới biết bà San nhận tiền của xã hỗ trợ 30 triệu đồng, nhưng chỉ nộp cho thôn 28,5 triệu đồng.

Ngay sau đó, ông Vinh đề nghị trưởng thôn giải thích tại sao lại bớt xén tiền xã hỗ trợ làm đường, đồng thời ông làm đơn tố cáo gửi chính quyền. “Lúc đầu bà ấy không giải thích được, về sau đối chất với người dân thì mập mờ nói lo chi phí giấy tờ, hồ sơ nhưng không nói cụ thể là giấy tờ, hồ sơ gì? Điều này khiến người dân chúng tôi nghi ngờ bà San chiếm đoạt tiền của thôn để chi tiêu cá nhân”, ông Vinh nói.

Một số hộ dân còn làm đơn tố cáo bà San có dấu hiệu tham ô, lạm quyền. Ông Nguyễn Văn Trường (SN 1963) dẫn chứng việc bà San mập mờ trong việc quản lý tiền chung của thôn. Cụ thể: bà San tự đứng lên thu tiền làm dịch vụ hợp tác xã nông nghiệp, tự thu, tự chi từ năm 2010 đến 2015, tổng số tiền gần 400 triệu đồng (thu 85 ngàn đồng/sào).

Ngoài ra, người dân còn cho rằng bà San có nhiều hành vi lạm quyền khác như thu tiền nông nghiệp, tự ý san lấp ruộng, đấu thầu ruộng không minh bạch. Người dân có đơn tố cáo từ năm 2010, nhưng nhiều năm liền chính quyền xã chỉ hứa, hẹn giải quyết rồi im lặng. Bức xúc, người dân mang đơn lên tận UBND huyện, UBND tỉnh.

Có sai phạm nhưng “quên” xử lý?

Ròng rã ba năm sau, năm 2013, UBND xã Yên Thắng mới có kết luận trả lời tố cáo gửi ông Vinh và các hộ dân đứng đơn. Nội dung thông báo như sau:

Năm 2009-2010, thôn giao thầu cho hộ xã viên tăng so với chỉ tiêu xã giao 42 ngàn đồng là sai. Năm 2010, trong phần miễn giảm sản thầu cho các hộ xã viên, thôn giảm thầu thấp hơn con số của xã duyệt giảm cho các hộ xã viên 943 ngàn đồng là sai. Số tiền xã duyệt chi thanh toán vào sản thầu của thôn 3,5 triệu đồng để sửa chữa nhà trẻ thôn Phúc Chỉ, qua kiểm tra thực tế thôn có sửa chữa nhưng UBND xã chưa làm làm thủ tục trình tự thanh quyết toán.

Con đường bê tông được xã hỗ trợ 30 triệu đồng

Cũng theo kết luận này của UBND xã, việc miễn giảm sản thầu đất công ích theo đề nghị của thôn Phúc Chỉ, UBND xã có duyệt giảm nhưng chưa làm đúng thủ tục trình tự. Do đó ủy ban xã Yên Thắng ra quyết định thu lại 1,1 triệu đồng nộp về ngân sách xã.

Từ kết luận trên, UBND xã kiến nghị Đảng ủy xã chỉ đạo, kiểm điểm bà San. Tuy nhiên theo người dân địa phương, sau đó họ không nghe thông tin gì về việc kỉ luật bà San cũng như thu hồi lại tiền bị chiếm giữ trái phép. Ngược lại, bà San tiếp tục có những việc làm bị cho là lạm quyền như tự ý thu tiền dịch vụ nông nghiệp, tự ý san lấp ruộng của dân.

Người dân gửi đơn tố cáo. Sau đó, UBND xã còn có hai bản kết luận nữa trả lời đơn thư tố cáo của công dân về bà San, đều xác định bà San có những sai phạm, đề nghị kỉ luật. Nhưng điều khiến ông Vinh và nhiều hộ dân ở Phúc Chỉ lấy làm lạ là mặc dù vậy, không hiểu vì lí do gì, nữ trưởng thôn này vẫn “bình yên vô sự”, thậm chí còn được giới thiệu ứng cử vào HĐND xã.

Vẫn theo thông tin ông Vinh cung cấp, sáng ngày 18/5, ông được mời ra làm việc với đại diện chính quyền xã, thanh tra huyện về nội dung đơn thư tố cáo. “Lúc này hai cán bộ thanh tra huyện nói rằng họ về chỉ để ghi nhận thông tin. Đơn thư tôi gửi mấy năm rồi, xã đã có kết luận, vậy mà nói về chỉ ghi nhận. Một lúc sau họ lại nói việc này thuộc về thẩm quyền của xã, huyện chỉ đóng vai trò hỗ trợ”, ông phản ánh.

Trưởng thôn thanh minh

Về phía trưởng thôn bị tố cáo, bà San thanh minh rằng tất cả nội dung tố cáo liên quan đến bà đều là vu khống. Bà nói rằng bản thân được “99%” người dân bầu làm trưởng thôn từ năm 2003 tới nay nhờ “tỉ lệ tín nhiệm cao”.

Khi được hỏi về những bản kết luận của UBND xã đề cập đến sai phạm của mình, bà San cho biết chỉ nhận được bản kết luận nói bà chiếm giữ 1,1 triệu đồng trái quy định. Còn việc Đảng ủy họp kỉ luật hay không bà không được biết.

Tuyến đường đất thôn Phúc Chỉ tự ý san lấp không báo cáo xã

Nữ trưởng thôn lần lượt giải thích các vấn đề bị tố cáo như sau:

Về việc nhận tiền hỗ trợ của xã 30 triệu đồng nhưng chỉ nộp cho thôn 28,5 triệu đồng, bà nói bản thân đứng ra vận động, tổ chức quyên góp kinh phí làm đường bê tông là chính. Số tiền 1,5 triệu đồng nộp thiếu là chi phí làm các thủ tục giấy tờ.

Nội dung thứ hai phản ánh về việc bà San tự thu của mỗi hộ dân 85 ngàn đồng/sào ruộng không qua hợp tác xã. Bà lí giải: “Trước đây HTX thu 55 ngàn đồng/sào tiền dịch vụ nông nghiệp, sau này tôi chỉ thu 50 ngàn đồng để chỉnh trang thủy lợi. Còn 35 ngàn đồng/sào là tiền thuê công ty về diệt chuột. Nếu người dân không cần diệt chuột thì công ty sẽ hoàn lại tiền này”.

Thứ ba, về việc chiếm giữ trái phép 1,1 triệu đồng theo kết luận của UBND xã, bà San cho biết: Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên được xã hỗ trợ giúp đỡ con bà. Nhưng năm đó người dân không đóng tiền thầu khoán, mà chỉ có một hộ dân nộp hơn một triệu đồng. Đích thân Phó chủ tịch xã đề xuất với bà “cắt” số tiền này thành tiền hỗ trợ cho gia đình. Sau khi có đơn thư tố cáo, công an huyện đã về làm việc. Bà San cũng đã nộp lại số tiền trên vào quỹ xã.

Những nội dung tố cáo khác, trưởng thôn Phúc Chỉ bác bỏ, cho rằng không có căn cứ.

Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Ngọc Minh, Phó chủ tịch thường trực UBND xã Yên Thắng cho biết, bà San là Đảng viên, làm trưởng thôn Phúc Chỉ hơn chục năm nay. Ông Minh xác nhận UBND xã đã có nhiều kết luận cũng như làm việc với các hộ dân có đơn thư tố cáo nữ trưởng thôn. Hiện tại bà San chưa chịu hình thức kỉ luật nào.

“Ban thanh tra huyện đang vào cuộc phối hợp cùng xã giải quyết những khiếu nại liên quan đến bà San. Những thông tin khác tôi không nắm rõ, nhà báo phải làm việc với đồng chí Bí thư, Chủ tịch xã. Các đồng chí ấy hiện tại đi vắng”, Phó chủ tịch xã Yên Thắng thông tin vắn tắt với phóng viên và từ chối làm rõ những nội dung tố cáo bà trưởng thôn trên, với lí do ngoài thẩm quyền.

Trị Thiên

Thông báo ngày 5/12/2014 của UBND xã Yên Thắng trả lời thắc mắc của người dân: Xã đã thu số tiền 1,1 triệu đồng bà San giữ sai quy định. Còn về việc kỉ luật, ủy ban xã đã có hai công văn đề nghị Đảng ủy xã chuyển kết quả giải quyết kỉ luật bà San. Nhưng đến ngày 5/12/2014, UBND xã vẫn chưa nhận được kết quả trả lời của Đảng ủy. Đến nay đã hết thời hiệu giải quyết đơn: “Đề nghị Đảng ủy trả lời câu hỏi trên”, trích thông báo.

Kết luận ngày 28/05/2015 của UBND Yên Thắng về việc trả lời đơn thư tố cáo trưởng thôn San lợi dụng việc làm thủy lợi san lấp ruộng, tư động bỏ máng cũ, đào máng mới sau nhà của 40 hộ, mỗi hộ lấn ra 40m2: Xã Yên Thắng kết luận việc làm của ban dồn điền đổi thửa thôn dẫn đến việc các hộ dân tự ý san lấp, lấn chiếm là sai. Kết luận đã nêu trách nhiệm của các cá nhân, trong đó có bà San (trưởng thôn kiêm phó ban).


Đọc thêm