Theo phản ánh của một số bạn đọc, họ được nhân viên bán hàng của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Nam Long Real (Nam Long Real, 1055 Phan Văn Trị, phường 10, quận Gò Vấp, TP HCM) giới thiệu nhiều dự án ở TP HCM nhưng lại đưa xuống tận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để xem đất.
“Tôi giống như rơi vào ma trận có sắp đặt trước”
Cụ thể, chị N.T.B.L. (Thuận An, tỉnh Bình Dương) được nhân viên công ty giới thiệu là có đất ở phường Phú Hữu (quận 9). Nhưng khi lên xe đi xem đất thì công ty này lại đưa chị đi xem đất ở tận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhân viên yêu cầu chị đặt chỗ 20 triệu đồng trước khi đi xem, nếu không đồng ý mua thì được trả lại tiền.
Sau đó, chị L. tiếp tục phải đặt cọc thêm 10 triệu đồng khi đến văn phòng tại Bà Rịa - Vũng Tàu và đặt tiếp 10 triệu đồng ngay trong ngày khi về lại TPHCM. Tổng cộng, chị L. đã đặt cọc 40 triệu đồng cho lô đất ký hiệu H2, ô số 7, thuộc xã Hòa Long, TP Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Khi phát hiện nhiều dấu hiệu bất thường tại Nam Long Real, chị L. đã không tiếp tục đóng tiền và đòi lại tiền cọc. Phía Nam Long Real đề nghị chị chuyển cọc sang dự án khác ở Củ Chi (TP HCM) hoặc tỉnh Long An. Tuy nhiên đến nay, tất cả vẫn chỉ là là hứa suông. Chị L. chia sẻ: “Tôi nghĩ họ đang cố tình thương lượng kéo dài thời gian để đến thời hạn nộp tiền tiếp theo, tôi không nộp sẽ mất số tiền cọc nói trên”.
Tương tự, chị T.T.P.T. (TP HCM) phản ánh, ban đầu chị chỉ có ý định đi xem đất ở Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Khi lên xe đi xem đất, nhân viên của công ty mới thông báo đã hết đất ở Nhơn Trạch và thuyết phục khách hàng đi xem dự án ở Bà Rịa – Vũng Tàu, nếu không mua thì coi như đi… chơi.
Tuy nhiên, xuống đến dự án, nhân viên công ty dùng nhiều cách dẫn dụ. Mặc dù chị T. chỉ mang 300.000 đồng nhưng nhân viên công ty “nhiệt tình” cho chị vay thêm 700.000 đồng để có một triệu đồng đặt cọc nền đất ký hiệu A, ô số 27, diện tích 100 m2 tại Dự án thuộc xã Hòa Long, TP Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Sau đó, nhân viên Nam Long Real về tận nhà chị T. để thu thêm 19 triệu đồng và 700.000 đồng tiền cho vay trước đó. Ngay ngày hôm sau, người của Nam Long Real lại đến nhà chị T. để thu thêm 60 triệu đồng. Tổng cộng, chị T. đã đóng 80 triệu tiền cọc.
Chị T. chia sẻ: “Tôi giống như rơi vào ma trận có sắp đặt trước. Họ có nhiều chiêu bài làm cho khách hàng bị cuốn theo. Tôi không suy nghĩ được thấu đáo, đến khi về nhà kiểm tra thông tin trên mạng mới biết có rất nhiều khách hàng bị dẫn dụ như vậy”.
Không muốn mất tiền oan, chị T. đã nhiều lần làm việc với Công ty Nam Long Real để lấy lại tiền cọc. Tuy nhiên, Công ty vẫn giữ lại của chị 22 triệu đồng, đồng thời bắt chị ghi giấy không khiếu lại lên các cơ quan báo chí nữa. Bức xúc vì mất tiền, chị T. vẫn gửi khiếu nại với lý do “giấy bãi nại gửi cơ quan báo chí” là chị bị ép ghi theo nội dung mà nhân viên Nam Long Real đọc, nếu không sẽ không lấy được số tiền 58 triệu đồng.
Bán dự án không có thật?
Trước những phản ánh này, phóng viên Báo PLVN đã có nhiều buổi làm việc với Công ty Nam Long Real.
Tại buổi làm việc thứ nhất, ông Hoàng Văn Sáng, tự giới thiệu là Chủ tịch HĐQT của Công ty Nam Long Real cho biết: Theo quy định của công ty, nếu đến thời hạn khách hàng không đóng tiền sẽ mất cọc.
Phóng viên đặt câu hỏi việc các khách hàng tố nhân viên Nam Long Real “treo đầu dê, bán thịt chó”, hẹn chở khách đi xem đất ở quận 9, Nhơn Trạch nhưng lại chở khách xuống Vũng Tàu có hay không?
Về vấn đề này đại diện công ty cho rằng: Có thể có nhiều nhân viên làm cộng tác nhiều nơi, họ mời chào cho nhiều dự án khác nhau. Tuy nhiên, Công ty Nam Long Real chỉ quản lý trên hợp đồng cọc, hợp đồng mua bán.
Ông Sáng cũng cho rằng: Nếu khách hàng không ưng ý, không ai có thể cầm tay ép khách hàng mua đất.
Ông Sáng cho hay, đất của công ty đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đồng thời cung cấp cho phóng viên một văn bản trả lời của PC46 Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về việc giải quyết đơn khiếu nại của hai khách hàng trước đó đã tố cáo công ty lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong đó, Phòng cảnh sát kinh tế trả lời: Dự án kinh doanh bất động sản “Lan Anh 2” tại xã Hòa Long, TP Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) và dự án “thị trấn Long Điền” tại huyện Long Điền (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) do Công ty TNHH MTV Lan Anh làm chủ đầu tư, pháp lý dự án đã được các ban, ngành chức năng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phê duyệt. Công ty TNHH MTV Lan Anh đã chuyển nhượng 150 lô (nền) thuộc dự án Lan Anh 2 và 161 lô nền đất thuộc dự án thị trấn Long Điền cho Công ty đầu tư phát triển Nam Long Real.
Tuy nhiên, trao đổi lại với phóng viên, hai bạn đọc của báo và là khách hàng của Nam Long Real là chị L. và T. cho biết vị trí đất họ đặt cọc không nằm trong những khu vực kể trên.
Hợp đồng đặt cọc với tên dự án không có thật |
Tại buổi làm việc thứ 2 với phóng viên, ông Sáng cho biết, lô đất bán cho chị T. và chị L. là dự án của một cá nhân mà Nam Long Real đã mua lại. Thủ tục pháp lý đã được các cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép đầy đủ cho chủ trước.
Hai khách hàng của công ty cho rằng hợp đồng đặt cọc đã ký với Nam Long Real là lô đất “Tọa lạc tại: Dự án Nam Long Goldenland Center City 3, thuộc khu nhà ở Lan Anh 2, xã Hòa Long...”. Khi phát hiện nhiều vấn đề cho thấy phía công ty thiếu trung thực, họ đã yêu cầu Nam Long Real cung cấp hồ sơ pháp lý, hồ sơ hạ tầng của dự án nhưng công ty vẫn không làm việc, không cung cấp.
Phóng viên đã xác minh tại một số cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Các cơ quan này cho biết không có dự án nào mang tên “Dự án Nam Long Goldenland Center City 3” được chấp thuận chủ trương đầu tư, xây dựng.
Về việc này, ông Sáng thừa nhận đó là tên thương mại công ty tự đặt, tuy nhiên địa chỉ, vị trí đất đều có giấy tờ đầy đủ (!?).
Hiện nay, các khách hàng của Công ty Nam Long Real đang có đơn đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc.
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
Có thể kiện để tuyên giao dịch vô hiệu
Nhận định về vấn đề này, Luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết: Hiện nay đang có tình trạng giao dịch bất động sản (BĐS) với phương thức dẫn dụ, dùng “chim mồi” xảy ra nhiều nơi, cả trong các giao dịch sản phẩm trong dự án và cả nhà phố riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân.
Đối với sản phẩm trong dự án, công ty kinh doanh BĐS mua các sản phẩm tại dự án của chủ đầu tư và các sản phẩm này đều chưa có giấy chứng nhận. Tuy nhiên, họ lại giới thiệu, cung cấp thông tin gian dối với một tên dự án mới, làm cho khách hàng nhầm tưởng họ là chủ đầu tư dự án, từ đó tin tưởng giao dịch.
Mặc dù sản phẩm là có thật nhưng suốt quãng thời gian trước khi ký văn bản giao dịch, các nhân viên đã đưa ra nhiều thông tin không đúng sự thật tác động đến tâm lý và việc quyết định giao dịch của khách hàng. Với các giao dịch dạng này, khách hàng có thể thu thập đầy đủ chứng cứ để khởi kiện yêu cầu tòa tuyên bố giao dịch vô hiệu và mời đủ các bên liên quan vào vụ án làm sáng tỏ quá trình giao dịch.
Luật sư Phượng cho biết thêm, nếu là doanh nghiệp hoạt động kinh doanh chân chính, họ rất ngại khiếu kiện. Các văn bản giao dịch phải đảm bảo quyền và nghĩa vụ của khách hàng, không có các quy định loại trừ quyền khiếu nại, khiếu kiện, điều khoản phạt vi phạm tương ứng với cả hai bên giao dịch… Và khi xảy ra khiếu kiện, doanh nghiệp giải trình đầy đủ và thống nhất các thông tin như quá trình giao dịch. Việc giải quyết các tranh chấp này phải hợp lý và đúng theo quy định pháp luật chứ không phải giải quyết theo kiểu ép ký thỏa thuận mới với nội dung mất bằng này thì trả lại bằng kia hoặc mất trắng tiền đặt cọc mà chỉ nhận được một phần tiền “hỗ trợ”...