Năm mới "đốt bò" mừng thọ của người M'Nông

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Đất trời Tây Nguyên giao hòa, đồng bào M'Nông khắp Tây Nguyên đang lục tục dọn dẹp nhà cửa đón chào năm mới. Trong không khí năm hết Tết về, các thành viên trong gia đình cộng đồng M'Nông sẽ sắm sửa đồ đạc, chuẩn bị tổ chức lễ mừng thọ cho người già, đặc biệt là người mẹ - người phụ nữ quyền lực nhất trong nhà.
Tiếng cồng chiêng không thể thiếu trong lễ mừng thọ
Tiếng cồng chiêng không thể thiếu trong lễ mừng thọ

Cầu cho ông bà sống lâu

Buôn Jiê Yuk (xã Đắk Phơi, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) chủ yếu là người M’Nông Gar sinh sống. Nơi đây còn lưu giữ nhiều phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp của người M’Nông như lễ cúng lúa mới, lễ mở mắt cho con, lễ cúng nhà mới… Trong đó, lễ mừng thọ cho cha mẹ vẫn được người dân nơi đầy tổ chức thường xuyên mỗi dịp đầu Xuân và giữ nguyên phong tục truyền thống của người M'Nông Gar bản địa.

Người M'Nông theo chế độ mẫu hệ, con cái mang họ mẹ, trong gia đình người vợ giữ vị trí chính, quyền lực nhất trong nhà, nhưng người chồng không bị phân biệt đối xử, họ luôn sống tôn trọng lẫn nhau. Khi cha mẹ về già thường sống với gia đình con gái út. Cũng vì theo chế độ "nữ nhi thượng quyền" mà người M'Nông thích nhiều con, nhất là con gái.

Cứ độ Xuân về, khi đã kết thúc mùa nương rẫy, gia đình nào có bố hoặc mẹ đã trên tuổi 60 thì con cái sẽ tổ chức lễ mừng thọ cho đấng sinh thành. Trước kia lễ mừng thọ thường được người con gái cả tổ chức nhưng ngày nay tất cả các thành viên trong gia đình đều được tổ chức lễ mừng thọ cho cha mẹ mình. Nếu kinh tế khả giả thì thịt bò (đốt bò), trâu, ít điều kiện hơn thì làm heo, gà để khao thọ.

Lễ vật trong lễ mừng thọ của người M'Nông GarLễ vật trong lễ mừng thọ của người M'Nông Gar

Trong lễ cúng mừng thọ các lễ vật không thể thiếu là 3 ché rượu cần, 1 con bò hoặc heo, 3 chén đựng cơm, 3 ống lồ ô, 1 hồ lô đựng đầy nước. Mọi thành viên trong gia đình đều có mặt, họ tất bật mỗi người một công việc ngay từ sáng sớm. Bà con trong bon, buôn làng cũng đến chung vui với gia chủ. Khi tất cả các lễ vật được bày lên cũng là lúc nghi lễ cúng mừng thọ bắt đầu.

Thầy cúng làm lễ gọi Yàng gồm thần núi, thần rừng, thần nước để xin phép được tổ chức lễ mừng thọ. Cầu khấn thần linh phù hộ cho người được mừng thọ có sức khỏe, sống lâu cùng con cháu. Tiếp đó, thầy cúng mời nhân vật chính cầm rượu cần uống và tiếp tục cầu khấn, rồi trao chiếc còng - tín vật của thần linh thể hiện sự gắn kết giữa con người với thần linh, mong thần linh luôn ở bên cạnh che chở, phù hộ gia chủ khỏe mạnh, bình an và may mắn.

Hết phần lễ, cơm được dọn sẵn trong nhà dài, xung quanh mô cơm là những bát thịt trâu, bò. Ngoài ra còn có cơm nhão và cháo gan để mời người được mừng thọ. Cả gia tộc trẻ già, lớn bé ngồi xung quanh mô cơm, ăn chung bữa cơm đoàn tụ đông vui. Ăn cơm xong, con cháu ngồi thành một vòng quanh ông bà, ché rượu đầy ắp để chính giữa. Một người con hoặc cháu đại diện tặng quà chúc mừng ông bà. Quà thường là chăn đắp và áo khố mới dệt. Lời chúc là những câu nói chân tình, kể lại công lao của ông bà đã săn sóc, nuôi dạy con cháu trưởng thành, nên người, cuối cùng là cầu mong ông bà sống lâu để con cháu có nhiều cơ hội báo đáp công ơn.

Trong dịp này, người được mừng thọ sẽ kể chuyện đời cho con cháu trong nhà nghe. Đặc biệt, dặn dò cháu con sống thuận hòa, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Nếu ông bà không may qua đời, con cháu cũng đừng quá đau buồn, đừng khóc nhiều, đừng đập phá chiêng ché, của cải tài sản, bởi các thế hệ sau này sẽ nghèo khổ. Gia sản của ông bà để lại là của chung, không được tranh chấp nhau. Bữa tiệc chung vui họ cùng nhau uống rượu suốt đêm.

Ghi nhớ công ơn sinh thành

Với cộng đồng người M’Nông Gar nói riêng, đồng bào M'Nông nói chung, lễ mừng thọ có ý nghĩa rất to lớn và quan trọng. Lễ mừng thọ là dịp để con cháu và bà con trong buôn làng chúc phúc cho người lớn tuổi. Hơn nữa, đây còn là cơ hội để các thành viên trong gia đình quây quần, cùng nhau chia sẻ những khó khăn của cuộc sống, cùng nhau chăm sóc tốt hơn cho đấng sinh thành.

Vợ chồng ông Y Tiêng Je cùng thầy cúng trong nghi lễ mừng thọ Vợ chồng ông Y Tiêng Je cùng thầy cúng trong nghi lễ mừng thọ

Già làng Ma Thuyên, buôn Jiê Yuk (xã Đắk Phơi) cho biết: “Lễ mừng thọ như một hình thức nhắc nhở thế hệ trẻ khắc ghi công ơn sinh thành và nuôi nấng của thế hệ trước. Vì thế, cho dù cuộc sống có khó khăn đến đâu, con cháu cũng cố gắng chăm sóc cha mẹ, ông bà một cách đủ đầy và chu đáo".

Còn vợ ông Y Tiêng Je (ngụ buôn Jiê Yuk, xã Đắk Phơi) tâm sự: “Tôi năm nay đã hơn 70 tuổi, từ nhỏ tôi đã được tham dự nhiều buổi lễ mừng thọ được tổ chức ở trong dòng họ. Khi đã già tôi cũng may nắm được con cháu tổ chức lễ mừng thọ. Tôi cảm thấy rất xúc động vì được chứng kiến con cái mình trưởng thành, có hiếu với cha mẹ. Biết bảo ban nhau làm ăn, cùng nhau sống tốt đẹp”.

Hiện nay, nhiều gia đình không có đủ điều kiện để "đốt bò" mừng thọ, lễ vật chính chỉ có heo, gà và những ché rượu cần. Nhưng người được mừng thọ không quá coi trọng lễ vật, họ chỉ cần con cháu tụ họp vào dịp đầu Xuân để thể hiện tình yêu thương, kính trên nhường dưới, sống yêu thương nhau, cùng nhau đi qua bao mùa rẫy là vui.

Lễ mừng thọ của người M'Nông Gar tại huyện Lắk ra đời từ rất sớm, không ai biết nó có từ bao giờ, chỉ biết nó là phong tục được giữ gìn qua các thế hệ. Lễ mừng thọ được tổ chức đơn giản nhưng mang nhiều ý nghĩa nhân văn. Đây là dịp để con cháu thể hiện tấm lòng hiếu thảo đối với cha mẹ, ông bà.

Ngày 4/8/2022, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du Lịch đã ban hành quyết định số 1841/QĐ-BVHTTDL công nhận Lễ mừng thọ của người M’Nông (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đọc thêm