Với ý định chiếm đoạt tài sản của người khác từ trước, nên vào tối ngày 21/1/2017, Tôn Thất Như Ý (33 tuổi, ngụ TP Huế) đã dùng thủ đoạn gian dối, giả vờ mượn xe mô tô hiệu Yamaha Jupiter trị giá 23 triệu đồng của bạn, rồi chiếm đoạt, giao cho người khác mang đi cầm cố được 1 triệu đồng mua ma túy sử dụng. Ý sau đó bị cơ quan chức năng truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Cầm xe máy đổi 1 triệu ma túy
Phiên tòa “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” do TAND TP Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) tiến hành xét xử vắng tanh vắng ngắt. Gần đến giờ xét xử, nhưng khán phòng rộng thênh thang vẫn trống huơ trống hoác. Bị cáo Ý ngồi lọt thỏm trong phòng xét xử. Quanh bị cáo là những dãy bàn ghế trống trơn không một bóng người. Bị cáo ngồi bó gối, mắt đăm đăm nhìn ra khung cửa. Ngoài kia, cánh cổng tòa mở rộng, nhưng chẳng có một bóng người qua.
Thời gian từng giọt nặng nề trôi theo sự chờ đợi của bị cáo. Khi người phụ nữ trẻ khệ nệ mang giỏ nhựa đầy thức ăn bước qua cánh cổng tòa, hai cánh môi ủ rũ của bị cáo cuối cùng cũng nhếch lên, đôi mắt hấp háy phát sáng. Người phụ nữ bước qua cánh cổng, nhưng mắt bị cáo vẫn đóng đinh ở đó.
Sau lưng chị, chỉ là bóng nắng, là vài chiếc lá cây rơi xào xạc. Trống không. Chẳng còn ai. Bị cáo có chút hụt hẫng. Người phụ nữ ấy là chị gái của bị cáo, người duy nhất trong gia đình hôm nay đến dự khán. Bị cáo cúi đầu, cụp mắt xuống như muốn giấu tâm trạng của mình.
Phiên tòa chưa bắt đầu, nên người chị chọn ngồi ở chiếc ghế kê gần vị trí em trai nhất. Chị thủ thỉ an ủi cậu em trai, bảo bố mẹ không được khỏe, nên chẳng muốn tới lui chốn pháp đình. Với lại đây đâu phải lần đầu em chị ra tòa. Cha mẹ cứ tới lui chốn này miết, riết rồi chẳng muốn đến nữa. Gia đình có năm anh chị em, nhưng hôm nay ra tòa, cũng chỉ có mình chị đến.
Người chị nhìn em trai, khe khẽ thở dài não nề. Chị bảo em mình đã hơn ba mươi tuổi đầu. Ở tuổi đó, người khác đã vợ con đề huề, là trụ cột vững chắc cho vợ con dựa vào, nhưng em chị thì vẫn mãi lông bông, khiến cha mẹ chẳng ngày nào thôi lo lắng. Hai ông bà cứ lo miết, lo miết, riết rồi họ cũng đành bó tay. Thôi thì “đời cua cua máy, đời cáy cáy mò”, cha mẹ chẳng thể sống thay phần con cái được.
HĐXX vào làm việc, bị cáo “thuần thục” bước ra bục khai. Có lẽ, đã đứng ở vị trí này đến lần thứ ba, nên giờ bị cáo chẳng mấy bỡ ngỡ. Bị cáo khai, tối hôm đó, đang ngồi ở quán net chơi game thì gặp bạn. Do thiếu tiền tiêu xài cá nhân, nên bị cáo nảy sinh ý định chiếm đoạt xe mô tô của bạn để đem cầm cố. Để thực hiện ý đồ xấu kia, bị cáo giả vờ nói với bạn: “Cho anh mượn xe đi ăn tối một tí”. Tưởng thật, nên người bạn giao chìa khóa và xe cho bị cáo.
Lấy được xe, bị cáo vội vã vào mạng xã hội facebook nhắn tin nhờ một người tên Thịnh cầm cố xe. Khi nhắn tin trao đổi, Ý khẳng định xe không phải trộm cắp, nên Thịnh đồng ý. Khuya hôm đó, bị cáo chạy xe đến gặp Thịnh, rồi cả hai tìm đến Trung (là bạn của Thịnh) để nhờ cầm xe. Trung, Thịnh và Ý lại chở nhau vòng vèo đến gặp Vinh, nhờ Vinh cầm cố giúp nhưng không được.
Cuối cùng, cả ba đến quán game ngồi chơi. Tại đây, sau khi trao đổi, bị cáo đồng ý giao xe cho Thịnh và Trung đưa đi cầm cố, còn mình ngồi lại chơi game. Thịnh và Trung khai lại đưa xe đến liên hệ cầm cố cho Vinh để đổi lấy ma túy với giá một triệu đồng, sau đó đưa về sử dụng chung với nhau.
Biết được Ý đã chiếm đoạt xe của mình, người bị hại liền viết đơn trình báo cơ quan chức năng đề nghị xử lý. Cơ quan điều tra đã tiến hành truy tìm nhưng đến nay vẫn chưa thu giữ được chiếc xe. Theo hội đồng định giá tài sản tố tụng, chiếc xe máy mà bị cáo chiếm đoạt tại thời điểm đó có giá trị 23 triệu đồng. Chị gái bị cáo đã bồi thường thay cho Ý 15 triệu, bị hại không yêu cầu gì thêm, đồng thời có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Trong vụ án này, Thịnh và Trung là người đưa xe đi cầm, nhưng không biết đó là tài sản do phạm tội mà có, nên không xem xét xử lý. Đối với hành vi cầm cố xe đổi lấy ma túy sử dụng trái phép theo lời khai của Thịnh và Trung; lời khai ban đầu của Vinh hoàn toàn phủ nhận và hiện Vinh đã đi khỏi địa phương, nên cũng chưa đủ căn cứ để xác định. Mặc khác, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy của Thịnh, Ý và Trung (theo lời khai nhận) hiện cũng đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính nên công an không ra quyết định xử phạt mà chỉ nhắc nhở, rút kinh nghiệm.
Đỗ lỗi “do bị người người xa lánh”
Tòa hỏi bị cáo, khi đưa xe cho Thịnh đi cầm, Thịnh có hỏi nguồn gốc về chiếc xe không? Bị cáo khai Thịnh có hỏi, nhưng bị cáo nói xe của mình, không phải đồ ăn trộm.
“Tại sao bị cáo không tự đi cầm?”.
“Vì bị cáo không biết chỗ”.
“Mục đích cầm xe làm gì?”.
“Dạ để tiêu xài cá nhân”.
“Chính xác là xài gì?”.
Bị cáo nói để lấy tiền về chuộc lại chiếc xe của bị cáo đang cầm cố.
Khi đưa xe cho “chiến hữu” đi cầm, bị cáo rất “khảng khái”, bảo “cầm được bao nhiêu thì cầm”. Bị cáo nghĩ chiếc xe chắc được 5 - 6 triệu. “Bị cáo dặn anh Thịnh nếu cầm được xe thì đem về cho bị cáo 1 triệu tiền mặt để bị cáo chuộc xe. Và lấy 1 triệu ma túy về sử dụng. Nhưng không ngờ xe chỉ cầm được 1 triệu ma túy”, bị cáo khai.
Lúc biết vụ việc bị bại lộ, bị cáo đã tìm mọi cách liên lạc với Trung và Thịnh để tìm cách chuộc xe về lại, nhưng chẳng cách gì liên lạc được. Đến khi gọi điện được thì cả hai đều bảo bận đi xa không về giải quyết được. Bị cáo rầu rĩ khai với tòa.
Năm 2011, bị cáo từng bị xử phạt hành chính về hành vi “cố ý gây thương tích”, năm 2017, từng bị xử lý hành chính về hành vi “sử dụng trái phép chất ma túy”. Năm 2011, bị cáo từng ngồi tù 2 năm về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Năm 2014 lại tiếp tục “ngồi” 1 năm 9 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cả hai lần đi tù này, tài sản bị cáo lừa đảo đều là xe máy. Và lần này, bị cáo tiếp tục lừa đảo xe máy của người khác.
Tại phiên tòa, bị cáo tỏ ra “ấm ức” vì mình bị mọi người kỳ thị, xa lánh. Do đó, bị cáo có nghề tài xế, nhưng cũng chẳng thể đi làm. Khi bị cáo làm nghề tự do, thì chẳng ai thuê mướn, tất cả là vì bị cáo từng phạm tội. “Không phải bị cáo không muốn đi làm. Bị cáo cũng muốn lao động chân chính, kiếm đồng tiền bằng mồ hôi nước mắt để sống cho đàng hoàng.
Nhưng mọi người kỳ thị vì bị cáo từng vô tù. Làng xóm cũng kỳ thị. Ngay cả người thân cũng nhìn bị cáo với ánh mắt khắt khe. Bị cáo không hòa nhập được, không xin được việc, nên mới tiếp tục rơi vào bước đường cũ”. Bị cáo giải bày.
Vị hội thẩm cắt ngang lời than trách của bị cáo: “Nhân thân của bị cáo vô cùng xấu. 16 tuổi đã vi phạm pháp luật. Từ đó đến nay liên tục phạm tội. Mình thấy người thân, xã hội có cái nhìn khắt khe với người từng lầm lỗi, thì mình phải sống sao để người ta có cái nhìn khác. Gia đình có bỏ bị cáo đâu. Chị bị cáo vẫn đi bồi thường thay cho bị cáo.
Ra khỏi trại, cán bộ đều nhắc nhở bị cáo trở về sống sao cho tốt. Xã hội nhiều người còn xấu hơn cả bị cáo, nhưng người ta vẫn thành công làm lại cuộc đời. Vì sao bị cáo không làm được? Bị cáo ham chơi hơn ham làm, siêng ăn nhác lao đông, bị cáo còn trách ai? Mình tự vùi dập cuộc đời mình, tự đưa cuộc đời mình vào con đường bế tắc chứ chẳng phải do ai cả”.
Chị bị cáo ngồi bên dưới, nghe em trai trách móc thì cười khổ. Chị bảo, mỗi tháng được bới xách ba lần lên trại, nhưng nhiều lúc gia đình chị chỉ bới xách mỗi tháng một lần. “Bới xách nhiều quá, sợ nó ỷ lại mà không chịu phấn đấu, cứ như ngựa quen đường cũ mà đi”, chị thở dài. Khi nghe em trai hứa trước hội đồng, lần này nhất định sẽ quyết tâm làm lại cuộc đời, chị lại cười mà miệng méo xệch: “Nó ra đứng đây, quyết tâm đến lần thứ ba rồi. Không biết quyết tấm đến lần thứ mấy mới làm được”.
Tòa tuyên bị cáo 2 năm 3 tháng tù giam, người chị mặt buồn xo rời khỏi tòa án, chị nói, hy vọng lần này, em chị nói được làm được: “Chứ đời người có mấy lần được 30. Nó xài phung phí 30 năm đầu đời rồi, hy vọng mấy mươi năm sau, nó sống không uổng phí nữa”.