Nâng cao hiệu quả kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong thi hành án dân sự

(PLVN) -Hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong thi hành án dân sự có vai trò và ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc bảo đảm hiệu lực thi hành án. Vì thế, để nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong thi hành án dân sự thì cần chú trọng nhiều biện pháp.

Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong thi hành án dân sự được quy định tại nhiều văn bản pháp luật, như Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Thi hành án dân sự và phạm vi rất rộng, tập trung vào lĩnh vực quan trọng nhất là tổ chức việc thi hành án dân sự.

Với tư cách là đối tượng được kiểm sát, các cơ quan thi hành án dân sự cần phải nghiêm chỉnh chấp hành, triển khai Kế hoạch kiểm sát trong toàn đơn vị, giao đầu mối chuẩn bị hồ sơ, tài liệu phục vụ công tác kiểm sát, phân công 01 lãnh đạo đơn vị làm việc trực tiếp với đoàn kiểm sát khi có yêu cầu. Việc chuẩn bị báo cáo phục vụ kiểm sát phải thực sự chu đáo, báo cáo phản ánh toàn diện công tác của đơn vị, đồng thời bám sát, đi sâu vào những nội dung Viện kiểm sát yêu cầu và chuẩn bị các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động kiểm sát. Có như thế thì Viện kiểm sát mới dễ dàng nắm bắt tình hình, hiểu và chia sẻ với những khó khăn của Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự. Mặt khác, phải thể hiện rõ tinh thần cầu thị, lắng nghe, tiếp thu, giải trình ý kiến của Viện kiểm sát; thực hiện và báo cáo kịp thời kết quả thực hiện kết luận kiểm sát, những sai sót không khắc phục được thì phải kịp thời rút kinh nghiệm, phục vụ tốt cho phúc tra việc thực hiện kết luận kiểm sát. 

Đối với cơ quan kiểm sát, trong việc xây dựng và ban hành Kế hoạch kiểm sát thi hành án dân sự thì kế hoạch kiểm sát cần lấy ý kiến của cơ quan thi hành án tham gia vào dự thảo sẽ làm cho kế hoạch kiểm sát sâu sát, hạn chế tình trạng kiểm sát chồng chéo. Nội dung kiểm sát tập trung vào các vấn đề trọng tâm, nổi cộm, những việc thi hành án phức tạp kéo dài, có khiếu nại, tố cáo gay gắt; các vấn đề chuyên môn tác động trực tiếp và ảnh hưởng lớn đến quá trình thi hành án như: Xác minh điều kiện thi hành án, kê biên, định giá, bán đấu giá tài sản, thanh toán tiền, trả tài sản và kế toán nghiệp vụ thi hành án. Thời điểm tiến hành kiểm sát cũng cần lựa chọn phù hợp nhất, hạn chế vào thời gian cơ quan thi hành án tổ chức đợt cao điểm thi hành án hoặc trùng thời gian cơ quan có thẩm quyền tiến hành kiểm tra, thanh tra công tác thi hành án. Thời điểm lấy số liệu thống kê, hồ sơ thi hành án để kiểm sát cần xuất phát từ phía đối tượng bị kiểm sát, nên lấy theo kỳ 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng hoặc năm công tác -lũy kế bắt đầu từ 01/10 năm trước đến 30/9 năm sau. Kế hoạch kiểm sát gửi trước cho cơ quan thi hành án tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuẩn bị phục vụ kiểm sát được chu đáo.

Trong việc tổ chức thực hiện kiểm sát, thực hiện đúng quy trình, trong đó quan tâm cho cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên được giải trình, khắc phục ngay những hạn chế, tồn tại và sai sót có thể khắc phục được mà không nhất thiết phải đưa vào kết luận kiểm sát. Kết luận kiểm sát cần chỉ rõ 02 lĩnh vực, 3 cấp độ gồm: Những kết quả, thành tích. Hạn chế, tồn tại; sai sót và vi phạm. Trên cơ sở đó phân tích, tổng hợp nguyên nhân và điều kiện phát sinh vi phạm, nhất là các vi phạm điển hình, có tính phổ biến, lặp đi, lặp lại để chấn chỉnh khắc phục kịp thời. Cần có tiêu chí cụ thể đánh giá, phân loại thế nào là hạn chế, tồn tại; những gì là sai sót và khi nào thì kết luận là vi phạm. Từ đó, có hình thức xử lý phù hợp theo 03 cấp độ: Yêu cầu, kiến nghị và kháng nghị. Không nên đặt ra chỉ tiêu hàng năm về yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị vì tạo ra áp lực cho cơ quan thi hành án cũng như chính cơ quan kiểm sát.

Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thi hành án cần được chú trọng hơn, trong đó tập trung kiểm sát và xử lý nghiêm đối với người phải thi hành án không kê khai trung thực, cung cấp không đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án. Tăng cường kiểm sát việc thực hiện trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, nhất là ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác về cung cấp kịp thời, đầy đủ các thông tin về tài khoản, tài sản, thu nhập của người phải thi hành án, thực hiện các biên bản, quyết định theo yêu cầu của Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự; xử lý nghiêm hành vi không cung cấp hoặc cung cấp không đúng, không đầy đủ thông tin về tài khoản, tài sản, thu nhập của người phải thi hành án hoặc tiết lộ thông tin để người phải thi hành án chuyển, rút tiền khỏi tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ hoặc không thực hiện biên bản, quyết định làm ảnh hưởng đến quá trình thi hành án. Kiểm sát chặt chẽ quá trình thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án của các tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá tài sản và việc niêm yết công khai quyết định chưa có điều kiện thi hành án đối với UBND cấp xã. 

Đọc thêm