Nâng cao văn hóa pháp luật để xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện

(PLVN) - Văn hóa pháp luật - một trong những hình thái của văn hóa, có vai trò đặc biệt quan trọng trong thực hiện chiến lược xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện - trụ cột cơ bản của nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc theo quan điểm trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Ảnh minh họa

Vai trò của văn hóa pháp luật trong thực tiễn đời sống

Từ phương diện áp dụng trong thực tiễn đời sống, văn hóa pháp luật là khái niệm chỉ một trạng thái tốt, có chất lượng của đời sống xã hội của quốc gia, được thể hiện ở trình độ nhất định về hoàn thiện pháp luật, chất lượng và hiệu quả thực thi pháp luật, về ý thức tôn trọng, tuân thủ pháp luật, ý thức về quyền, nghĩa vụ của mọi cá nhân.

Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người, xây dựng con người văn hóa, phát triển toàn diện, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh là một trong những quan điểm chủ đạo trong tổng thể nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Tạo lập văn hoá pháp luật một cách bền vững có vai trò đặc biệt quan trọng trong thực hành đạo đức cá nhân, dân chủ hóa đời sống xã hội, xây dựng và thực thi pháp luật. Nội dung cơ bản về xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện bao gồm xây dựng những phẩm chất tốt đẹp và chống những biểu hiện sai trái về đạo đức, pháp luật.

Vai trò giáo dục của văn hóa pháp luật thể hiện ở sự định hướng cho các thành viên xã hội lựa chọn cách xử sự hợp lý để tránh xung đột với các cá nhân khác, cách giải quyết hài hòa các lợi ích xã hội và lợi ích cá nhân mà không vi phạm pháp luật.

Văn hóa pháp luật góp phần tích cực trong việc điều tiết ý thức, hành vi, chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực pháp luật không chỉ trong các mối quan hệ của con người với nhau mà cả trong quan hệ của con người với môi trường thiên nhiên, định hướng con người đến những giá trị cốt lõi Chân - Thiện - Mỹ - Ích.

Một số giải pháp cơ bản về văn hóa pháp luật

Để xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp văn hóa, kinh tế, chính trị, pháp lý. Từ phương diện pháp lý, cần triển khai thực hiện một số giải pháp về văn hóa pháp luật góp phần thực hiện chiến lược xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện.

Một là, kết hợp giáo dục đạo đức và giáo dục pháp luật, xây dựng ý thức, lối sống tuân theo pháp luật và phù hợp đạo đức xã hội.

Giáo dục pháp luật hướng vào việc hình thành, nâng cao thái độ, tình cảm tôn trọng pháp luật, niềm tin của con người vào pháp luật, tôn trọng quyền, tự do, lợi ích chính đáng của con người, ý thức trách nhiệm đối với người khác, cộng đồng và xã hội. Làm sao cho việc phòng, chống, việc xử phạt cái ác, khuyến khích, bảo vệ cái thiện phải được thể hiện rõ nét hơn trong pháp luật và thực thi pháp luật. Đó chính là cách tốt nhất để phát huy tác động tích cực giữa pháp luật và đạo đức, đồng thời là cách tốt nhất để vừa “thượng tôn pháp luật, vừa thực hành đạo đức” trong cuộc sống hiện đại.

Không chỉ dừng lại ở những chế tài pháp luật mà phải “gõ cửa”, “đánh thức” lương tâm mỗi con người để họ thận trọng hơn, có trách nhiệm hơn về mỗi hành vi của mình. Do đó, cần tạo dư luận xã hội để lên án những hành vi vi phạm đạo đức và pháp luật. Đồng thời, ủng hộ, khuyến khích, tạo điều kiện cho những hành vi hợp pháp, hợp đạo đức.

Hai là, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật, đảm bảo tiếp cận pháp luật, kỹ năng thực hành pháp luật.

Cần thiết kết hợp phổ biến, giáo dục về kiến thức pháp luật với những kỹ năng cần thiết trong thực hiện pháp luật. Đưa các yếu tố pháp luật, kỹ năng thực hành pháp luật vào trong giáo dục đạo đức và ngược lại; phát triển các loại hình dịch vụ pháp lý, góp phần giảm thiểu những rủi ro pháp lý và nâng cao an toàn pháp lý cho các cá nhân, tổ chức trong các quan hệ xã hội, hoạt động xã hội.

Ba là, giáo dục ý thức về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của con người.

Trong nội dung giáo dục pháp luật kết hợp với giáo dục đạo đức cần trang bị kiến thức, kỹ năng thực hành văn hóa quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm con người. Văn hóa quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm con người là một thể thống nhất bao gồm các thành tố cơ bản là: sự hiểu biết - kiến thức cơ bản về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm đạo đức, pháp lý của con người, ý thức tôn trọng quyền con người, tôn trọng các giá trị, chuẩn mực đạo đức; kỹ năng sử dụng, bảo vệ các quyền con người, thực hiện nghĩa vụ cơ bản, nghĩa vụ cụ thể theo quy định pháp luật. Để xây dựng con người phát triển toàn diện, cần thiết phải xây dựng văn hóa quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm con người.

Con người phát triển toàn diện trước hết phải là con người hiểu biết các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm trước cộng đồng, xã hội; tôn trọng, tuân thủ pháp luật thành thói quen, ứng xử văn hóa trong mọi hoạt động xã hội của bản thân mình. Có một thực tế là, khi thực hành các quyền, tự do của mình, cá nhân rất dễ rơi vào trạng thái có nguy cơ lạm dụng, lợi dụng, vượt quá giới hạn và tràn sang miền cấm của pháp luật và đạo đức xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến quyền, lợi ích của những người khác và xã hội. Xã hội càng hiện đại, khoảng không tự do càng rộng thì lại càng cần đến ý thức và thực hành trách nhiệm - bổn phận cá nhân đối với những người xung quanh, cộng đồng và xã hội.

Văn hóa nói chung, văn hóa quyền con người, văn hóa nghĩa vụ, trách nhiệm con người không chỉ là những hành vi nhất thời, hình thức mà phải trở thành những thói quen ứng xử, là nhận thức và hành vi thực tế của mỗi con người trong mọi không gian, thời gian, lĩnh vực, địa bàn; phải được nhận thức, thực hành thường xuyên, mọi nơi, mọi thời điểm, trong mọi hoạt động, đặc biệt là trong hoạt động của các cơ quan công quyền, cá nhân công quyền chứ không chỉ là những khẩu hiệu, báo cáo... Tạo lập một cách bền vững văn hóa quyền con người, văn hóa nghĩa vụ, trách nhiệm con người cũng chính là tiền đề, điều kiện đảm bảo thực hiện mục tiêu xây dựng con người phát triển toàn diện trong bối cảnh hiện nay.

Bốn là, xây dựng văn hóa pháp luật đối với đội ngũ cán bộ, công chức.

Văn hóa pháp luật của cán bộ, viên chức, công chức nhà nước có ảnh hưởng mạnh mẽ đến văn hóa pháp luật của các cá nhân, trong đó có việc tạo lập niềm tin vào công lý và pháp luật - một trong những điều kiện cơ bản đảm bảo ý thức tôn trọng, tuân thủ pháp luật. Đối với đội ngũ cán bộ, viên chức, công chức, trình độ văn hóa pháp luật phải được thể hiện, đo lường thông qua các tiêu chí cơ bản: trình độ hiểu biết pháp luật, bản lĩnh và kỹ năng áp dụng, thi hành pháp luật, ý thức, hành vi tôn trọng, tuân thủ pháp luật, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của con người.

Xây dựng văn hóa công vụ để hình thành một cách bền vững ý thức trách nhiệm đạo đức công vụ, tính chuyên nghiệp, tôn trọng, tuân thủ pháp luật thực hiện đúng, đầy đủ quyền hạn, nghĩa vụ, nhiệm vụ được giao một cách trung thực, tận tụy, mẫn cán, cẩn trọng, tránh xung đột lợi ích, không vụ lợi cá nhân và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện. Cần đưa nội dung giáo dục liêm chính vào trong giáo dục đạo đức và giáo dục pháp luật, giáo dục quyền con người theo cách mới, gắn với chế độ công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, phòng, chống tham nhũng.

Năm là, đảm bảo công bằng, nghiêm minh, kịp thời trong thi hành, áp dụng pháp luật, xây dựng niềm tin pháp luật.

Tình trạng pháp luật không được thực hiện, hay thực hiện không nghiêm minh, không kịp thời, không minh bạch, công bằng trong thực thi pháp luật của các cơ quan công quyền sẽ dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực đối với ý thức và hành vi hợp pháp luật của con người.

Sáu là, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo cân bằng các loại lợi ích, đơn giản, minh bạch, nhất quán, thống nhất, ổn định.

Tính ổn định tương đối, phù hợp cuộc sống, công khai, minh bạch của pháp luật và việc thực thi pháp luật nghiêm minh, công bằng, kịp thời sẽ là một trong những điều kiện cơ bản để tạo dựng môi trường pháp lý lành mạnh, hiệu quả. Tình trạng tần suất cao về sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ văn bản pháp luật, quy định pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo nhau trong hệ thống pháp luật sẽ là những lực cản cho việc thực thi pháp luật, dẫn đến tâm lý coi thường, mất niềm tin vào pháp luật. Các chế tài pháp luật cần đủ độ răn đe và phù hợp với tính chất, mức độ, hậu quả của các hành vi vi phạm pháp luật là một trong những điều kiện cơ bản đảm bảo thực hiện các hành vi hợp pháp, giảm thiểu vi phạm pháp luật.

Bảy là, xây dựng tính tích cực pháp luật, tạo lập dư luận xã hội lên án những biểu hiện coi thường pháp luật, vi phạm pháp luật; hỗ trợ, tôn vinh những hành vi hợp pháp, có văn hóa pháp luật. Tạo lập dư luận xã hội chính là một trong những biện pháp mạnh mẽ để đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật, khuyến khích, hỗ trợ các hành vi hợp pháp, đặc biệt là trong một số lĩnh vực như giao thông, sản xuất, kinh doanh các mặt hàng lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh...