Hội nghị còn có sự tham dự của Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp Nguyễn Hồng Diện, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế và quản lý khoa học, TANDTC Ngô Văn Nhạc cùng đại diện nhiều đơn vị trong và ngoài Bộ. Trình bày tóm tắt Dự thảo Báo cáo Tổng kết thi hành Nghị định 110/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 67/2015/NĐ-CP, Phó Chánh Thanh tra Bộ Tạ Thị Tài cho biết, từ khi Nghị định 110 có hiệu lực đến nay (từ tháng 11/2013 đến 30/6/2017), Bộ Tư pháp đã ban hành 52 quyết định XPVPHC với số tiền là 577.500.000 đồng.
Tại các địa phương, Sở Tư pháp, UBND các cấp đã ban hành 10.068 Quyết định XPVPHC bằng hình thức xử phạt tiền với tổng số tiền là 4.210.661.000 đồng, ban hành 6.430 Quyết định XPVPHC với hình thức xử phạt là cảnh cáo. Đồng thời, các địa phương (15/63 tỉnh) cũng đã áp dụng 200 biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc nộp lại số tiền thu lợi bất chính; hủy giấy tờ giả, hủy giấy tờ ban hành trái pháp luật; hủy bỏ hợp đồng, giao dịch trái pháp luật; thu hồi bằng cấp giả; hoàn trả tiền thừa cho người yêu cầu công chứng… Các cơ quan thi hành án dân sự (THADS) địa phương đã ban hành 223 Quyết định XPVPHC với tổng số tiền là 92.413.000 đồng. TAND các cấp chưa XPVPHC trường hợp nào trong lĩnh vực phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
Có thể khẳng định, công tác tuyên truyền, phổ biến Nghị định số 110 và Nghị định 67 của Chính phủ trong thời gian qua đã được cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện thường xuyên, ý thức tuân thủ pháp luật của nhân dân được nâng lên. Tuy nhiên, việc xử phạt theo quy định của Nghị định số 110 mới chủ yếu tập trung ở một số hoạt động, lĩnh vực như: công chứng, luật sư, bán đấu giá tài sản thuộc lĩnh vực bổ trợ tư pháp; đăng ký khai sinh, kết hôn thuộc lĩnh vực hành chính tư pháp, lĩnh vực hôn nhân gia đình, thi hành án dân sự. Một số hoạt động, lĩnh vực chưa xử phạt trường hợp nào như giám định tư pháp, trọng tài thương mại, phổ biến giáo dục, hợp tác quốc tế, trợ giúp pháp lý, đăng ký giao dịch bảo đảm, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
Đánh giá việc thực hiện các quy định của Nghị định 110, báo cáo cũng chỉ rõ việc quy định về hành vi vi phạm hành chính đối với một số lĩnh vực chưa đầy đủ, rõ ràng, gây khó khăn cho việc áp dụng. Một số hành vi vi phạm hiện nay không còn phù hợp với thực tế, một số lĩnh vực mới phát sinh trong thực tế nhưng chưa quy định chế tài để xử lý. Cụ thể, trong lĩnh vực hộ tịch, chưa có quy định xử phạt đối với một số hành vi như: sử dụng giấy tờ của người khác để đăng ký khai sinh; hành vi làm hoặc sử dụng chứng cử giả; làm chứng, cam đoan sai sự thật để làm thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con; hành vi lợi dụng việc cải chính hộ tịch để hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để thực hiện các mục đích trục lợi khác…
Trong lĩnh vực hôn nhân, gia đình, đối với các trường hợp đương sự người Việt Nam có đăng ký hộ khẩu thường trú tại Việt Nam, đồng thời có hộ chiếu thẻ xanh của nước ngoài, hiện đang định cư ở nước ngoài không thường xuyên ở Việt Nam, khi đăng ký kết hôn thì đương sự chỉ cung cấp hộ khẩu thường xuyên trú tại Việt Nam và đăng ký kết hôn tại cấp xã. Sau đó, cơ quan có thẩm quyền phát hiện đương sự có hộ chiếu, thẻ xanh của nước ngoài trước thời điểm đăng ký kết hôn nhưng cơ quan có thẩm quyền chỉ có thể khắc phục hậu quả là ban hành quyết định thu hồi và hủy bỏ giấy chứng nhận kết hôn mà không xử phạt được do Nghị định 110 không quy định xử phạt đối với hành vi này.
Còn trong lĩnh vực lý lịch tư pháp, việc thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua dịch vụ bưu chính và trực tuyến đang được thí điểm nhưng thực tế triển khai cho thấy để xác thực tính hợp pháp của hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu còn nhiều hạn chế. Vì vậy cần có một chế tài để ngăn chặn hành vi sử dụng giấy tờ của người khác mà không được ủy quyền yêu cầu cấp Phiếu qua dịch vụ bưu chính cũng như đăng ký cấp Phiếu trực tuyến để khai thác thông tin cá nhân trái phép của người đó.
Đặc biệt, mức phạt đối với một số hành vi vi phạm được quy định tại Nghị định 110 và Nghị định 67 chưa tương xứng, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và chưa đủ tính răn đe đối với hành vi vi phạm, có một số hành vi vi phạm có tính chất mức độ giống nhau nhưng lại quy định mức tiền phạt khác nhau. Điều này dẫn đến tình trạng tuy không phổ biến nhưng nhiều cá nhân, tổ chức hiện đang tồn tại tâm lý chung chấp nhận nộp phạt vẫn có lợi hơn so với phải chấp hành đúng quy định pháp luật về lĩnh vực đó. Do đó, cần sửa đổi theo hướng tăng mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm trong các lĩnh vực như luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, chứng thực, quốc tịch, hộ tịch, THADS.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu nhận định, việc áp dụng thi hành Nghị định 110 và Nghị định 67 đã góp phần quan trọng vào việc duy trì, tăng cường trật tự, kỷ cương hành chính trong quản lý nhà nước về lĩnh vực tư pháp nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, THADS, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã trong phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy một số quy định không còn phù hợp, nhiều hành vi không được quy định rõ ràng, chế tài áp dụng một số hành vi chưa đủ răn đe, sinh ra tình trạng “nhờn” luật, nhiều hành vi tính chất khác nhau nhưng xử phạt như nhau, thẩm quyền xử phạt chưa hợp lý.
Điều này dẫn đến tình trạng trong khi tình hình vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực này ngày càng gia tăng về tính chất và mức độ nhưng số lượng vụ việc bị XPVPHC lại rất ít, một số lĩnh vực chưa xử phạt được trường hợp nào do vướng mắc về pháp luật, tâm lý e ngại ra quyết định xử phạt do công việc chuyên môn nhiều và không muốn đụng chạm. Do đó, Thứ trưởng yêu cầu cần xem xét một cách toàn diện các nguyên nhân khách quan và chủ quan để sớm đưa ra các định hướng xây dựng Nghị định thay thế, đồng thời tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra vì đây là công cụ quản lý nhà nước hữu hiệu, hỗ trợ đắc lực cho hoạt động chuyên môn. K.Quy
Hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân, tổ chức ngày càng gia tăng nhưng chế tài xử phạt chưa nghiêm, chưa tương xứng và chưa có tính răn đe, một số hành vi cần xử lý nhưng lại chưa có quy định để tiến hành xử phạt nên tạo ra tâm lý coi thường pháp luật, coi thường sự quản lý nhà nước. Nguyên nhân chính của thực trạng này là công tác thanh tra, kiểm tra chưa đủ mạnh, quyết liệt so với yêu cầu thực tiễn cũng như với phát triển của các tổ chức hành nghề.
Do vậy, cần thiết ban hành Nghị định thay thế Nghị định 110 và Nghị định 67, trong đó cần tiếp tục rà soát, tính toán mức phạt phù hợp, bổ sung hành vi vi phạm trong quá trình thanh tra, kiểm tra để đảm bảo quy định xử phạt đồng bộ, toàn diện. Theo đó, cần tập trung nâng mức xử phạt trong lĩnh vực luật sư, công chứng, đấu giá; bổ sung quy định XPVPHC trong hoạt động Thừa phát lại và hòa giải viên thương mại, đồng thời bổ sung một số hành vi vi phạm cụ thể trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước.
Ông Lê Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật: Phải kết hợp hài hòa các hình thức xử phạt
Cần tăng mức tiền phạt phải đảm bảo mức độ răn đe với các hành vi vi phạm phổ biến nhưng không tăng cơ học mà phải tính toán tương xứng, phù hợp với thẩm quyền của các chức danh có thẩm quyền xử phạt trong Nghị định 110 và Nghị định 67. Thực tế cũng cho thấy có một số hành vi có xu hướng “nhờn” luật vì mức phạt tiền thấp, do vậy, ngoài hình thức phạt chính là cảnh cáo và phạt tiền cần kết hợp hài hòa các hình thức phạt bổ sung như tịch thu phương tiện, tước giấy phép chứng chỉ hành nghề… mới đảm bảo được tính răn đe và phòng ngừa tái phạm.
Cùng với đó, việc bổ sung các hành vi vi phạm hành chính là cần thiết song cần tính toán kỹ càng bởi một hành vi có thể thực hiện khách quan trong thực tiễn nhưng không vi phạm trật tự quản lý nhà nước thì không thể xử phạt được. Bởi theo khoản 1,Điều 2 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, việc quy định hành vi vi phạm hành chính phải đảm bảo 3 yêu cầu: có vi phạm các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm, điều cấm của pháp luật về trật tự quản lý hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước; đáp ứng yêu cầu bảo đảm trật tự quản lý hành chính nhà nước; hành vi vi phạm hành chính phải được mô tả rõ ràng, cụ thể để có thể xác định và xử phạt được trong thực tiễn.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó trưởng phòng giải quyết khiếu nại, tố cáo, Cục THADS TP HCM: Đề xuất tăng thẩm quyền cho chấp hành viên
Là địa phương có lượng án lớn nhưng mỗi năm Cục THADS TP HCM chỉ XPVPHC khoảng 100 vụ, điều này cho thấy cán bộ không mặn mà với lĩnh vực này do công việc chuyên môn vốn đã quá tải mà hồ sơ, thủ tục xử phạt lại rườm rà, kéo dài thời gian thi hành án. Trong các trường hợp đương sự không thực hiện yêu cầu của chấp hành viên, có nhiều mức xử phạt khác nhau nhưng chưa có quy định về thẩm quyền XPVPHC của chấp hành viên mà thẩm quyền này thuộc về Chi cục trưởng Chi cục THADS. Ngoài ra, có một số hành vi khá nghiêm trọng mà Nghị định 110 và Nghị định 67 chưa báo quát được như: chống đối, cản trở chấp hành viên; hành động lăng mạ chấp hành viên; hành vi không cung cấp thông tin, giao giấy tờ tài sản… Để khắc phục tình trạng này, cần thiết tăng thẩm quyền XPVPHC cho chấp hành viên, đồng thời giảm mức phạt để người dân tự nguyện nộp, đảm bảo tính khả thi trong quá trình xử phạt. - Lê Hồng