Thực tế cho thấy, các qui định về XPVPHC trong hoạt động THADS thời gian qua vẫn chưa phát huy hiệu quả, việc phòng ngừa, xử lý vi phạm vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều hành vi vi phạm trong THADS diễn ra phổ biến nhưng chưa được xử lý kịp thời. Người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của cơ quan THADS còn “ngại” việc xử phạt vi phạm hành chính, chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc xử phạt. Thống kê cho thấy một số địa phương trong nhiều năm không thực hiện việc XPVPHC. Việc này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả nguyên nhân, cả chủ quan lẫn khách quan.
Về chủ quan: Chấp hành viên và các cơ quan THADS không thực hiện việc XPVPHC hoặc né tránh XPVPHC do ngại phải tổ chức thi hành quyết định XPVPHC. Nhiều hành vi vi phạm xảy ra thường xuyên nhưng rất ít khi bị xử lý hành chính, điển hình như những hành vi: đã nhận giấy báo, giấy triệu tập lần thứ hai nhưng không đến địa điểm mà không có lý do chính đáng, không cung cấp thông tin, không thực hiện quyết định khấu trừ thu nhập của người có thẩm quyền… Có quan điểm còn cho rằng nếu ra quyết định XPVPHC thì việc xử phạt không có tính khả thi, số tiền phải thi hành tăng dẫn đến người phải thi hành án sẽ tiếp tục chống đối, cản trở việc thi hành án, không thực hiện quyết định XPVPHC, trong khi việc tổ chức cưỡng chế để thi hành quyết định XPVPHC không hề dễ dàng.
Mặt khác, việc tổ chức thi hành các quyết định XPVPHC cũng chưa thực sự nghiêm túc khiến cho tính răn đe, phòng ngừa hành vi vi phạm hành chính không có hiệu quả.
Về khách quan, các quy định XPVPHC trong THADS hiện vẫn còn nhiều bất cập. Có thể điểm qua một số bất cập như: Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, theo Điều 49 Luật XLVPHC năm 2012 (Luật XLVPHC), Điều 68 Nghị định 67/2015/NĐ-CP thì mức xử phạt tối đa mà chấp hành viên có quyền áp dụng là 500.000 đồng, đối với Chi cục trưởng là 2.500.000 đồng; đối với Cục trưởng Cục THADS, Trưởng phòng Phòng Thi hành án cấp quân khu là 20.000.000 đồng. Vấn đề đặt ra là thẩm quyền xử phạt của chấp hành viên và Chi cục trưởng Chi cục THADS có mức phạt tiền quá thấp dẫn đến rất khó khăn trong việc áp dụng.
Theo đúng quy định thì chấp hành viên chỉ có thể xử phạt duy nhất đối với một hành vi là đã nhận giấy báo, giấy triệu tập lần thứ hai của người có thẩm quyền thi hành án nhưng không đến địa điểm ghi trong giấy báo, giấy triệu tập mà không có lý do chính đáng. Trong khi đó có rất nhiều hành vi vi phạm mà cơ quan THADS cấp huyện thường xuyên gặp phải nhưng theo quy định thì lại không thuộc thẩm quyền xử phạt, ví dụ như các hành vi: Không thực hiện công việc phải làm, không chấm dứt thực hiện công việc không được làm theo bản án, quyết định; trì hoãn thực hiện nghĩa vụ thi hành án…
Các hành vi nói trên đều thuộc khung hình phạt trên 3.000.000đ, do đó không thuộc thẩm quyền xử phạt của các cơ quan thi hành án cấp huyện. Cơ quan THADS cấp huyện phải lập hồ sơ đề nghị các cơ quan có thẩm quyền ra các quyết định XPVPHC. Việc làm này mất rất nhiều thời gian của các cơ quan THADS, trong khi thực tế, các hành vi VPHC diễn ra ngày càng nhiều và phức tạp.
Việc chưa phân định rõ thẩm quyền xử lý đối với một số hành vi vi phạm cũng làm hạn chế việc XPVPHC của cơ quan THADS. Đối với một số hành vi như: Không cung cấp thông tin, không giao giấy tờ liên quan đến tài sản bị xử lý để thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền; không thông báo cho cơ quan thi hành án khi có thay đổi về địa chỉ và nơi cư trú; không kê khai trung thực tài sản, điều kiện thi hành án… Các hành vi trên thuộc thẩm quyền xử phạt của cả cơ quan THADS cấp huyện và cấp tỉnh, việc định lượng mức độ vi phạm của hành vi, quyết định mức xử phạt và phân định thẩm quyền xử phạt trên thực tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Để thực hiện tốt công tác XPVPHC trong THADS, cần thực hiện một số giải pháp như sau:
Một là: Cần xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy định về XPVPHC trong THADS theo hướng phù hợp giữa hành vi và thẩm quyền xử phạt; tăng thẩm quyền xử phạt của chấp hành viên và cơ quan THADS cấp huyện nhằm đảm bảo cho việc xử lý thuận lợi, nhanh chóng, hiệu quả, tránh tình trạng kéo dài thời gian do phải đề nghị cấp trên quyết định xử phạt.
Hai là: Cần thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra việc XPVPHC trong hoạt động THADS, đảm bảo nguyên tắc mọi hành vi vi phạm hành chính được phát hiện phải được xử lý kịp thời. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động XPVPHC trong công tác THADS.
Ba là: Cần đẩy mạnh hơn nữa việc phổ biến, tuyên truyền sâu rộng các nội dung của pháp luật xử lý vi phạm hành chính để nâng cao nhận thức của các cơ quan THADS đối với việc xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động THADS.
Nâng cao chất lượng công tác xử lý VPHC trong THADS là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng và cần thiết để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, đồng thời đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công tác THADS trong tình hình hiện nay.