Nâng tuổi trẻ em vì tương lai đất nước

(PLO) - Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em được ban hành lần đầu năm 1991, sau đó được sửa đổi, bổ sung năm 2004. Sau hơn 10 năm thực hiện Luật, những thay đổi về tình hình trong nước và quốc tế cho thấy chúng ta cần nghiên cứu, sửa đổi Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em.
Ảnh minh họa.
Nâng độ tuổi của trẻ em
Dự thảo Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em (sửa đổi) có tên gọi mới là Luật Trẻ em gồm 6 chương, 71 điều.
So với Luật năm 2004, Luật sửa đổi mở rộng khái niệm trẻ em cả về độ tuổi và phạm vi. Điều 1 Dự thảo Luật quy định trẻ em là người dưới 18 tuổi mà không giới hạn là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi như quy định tại Luật năm 2004. Quy định này bảo đảm phù hợp hơn với Công ước về quyền trẻ em, phù hợp với quy định về quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013. 
Theo đó, ngoài việc bảo đảm quyền của trẻ em là công dân Việt Nam, Việt Nam còn ghi nhận các quyền trẻ em đồng thời là quyền con người của mọi trẻ em, không phân biệt quốc tịch và đang sinh sống tại Việt Nam. Việc nâng độ tuổi của trẻ em sẽ mở rộng phạm vi áp dụng quyền trẻ em đối với người chưa thành niên trong độ tuổi từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, tạo điều kiện cho các em phát triển đầy đủ cả về thể chất và tinh thần, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước trong tương lai.
Các luật của chúng ta hiện nay đều quy định ngưỡng thành niên và chưa thành niên là 18 tuổi: Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Bầu cử Quốc hội, Luật Bầu cử Hội đồng nhân dân... Như vậy, quy định tuổi trẻ em dưới 18 tuổi bảo đảm và củng cố tính thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam về ngưỡng tuổi trưởng thành đầy đủ, tức là tuổi thành niên và chưa thành niên). Vấn đề điều chỉnh độ tuổi trẻ em đã được đánh giá cụ thể về mặt khoa học, hội nhập quốc tế và về hệ thống pháp luật. Các nội dung này đã nêu trong báo cáo thuyết minh của Dự án Luật.
18 nhóm hành vi bị nghiêm cấm
Thuật ngữ “trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt” của Luật năm 2004 được sửa đổi, bổ sung thành “trẻ em cần sự bảo vệ đặc biệt”, bao gồm cả nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nhóm trẻ em có nguy cơ hoặc đang bị xâm hại để phù hợp với cách tiếp cận mới của Luật, chú trọng đến giai đoạn phòng ngừa, hỗ trợ bên cạnh việc can thiệp khi trẻ em đã rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Dự thảo Luật bổ sung các thuật ngữ như bảo vệ trẻ em, chăm sóc thay thế, người chăm sóc trẻ em, người được giao làm công tác bảo vệ trẻ em, các hành vi gây tổn hại cho trẻ em…
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 10 nhóm hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Luật năm 2004 thành 18 nhóm hành vi bị nghiêm cấm.
Dự thảo Luật cũng quy định các quyền và bổn phận của trẻ em, gồm 08 điều, quy định đầy đủ 28 quyền của trẻ em đã được nêu tại Công ước về quyền trẻ em và được sắp xếp theo 4 nhóm quyền (các quyền sống, các quyền được phát triển, các quyền được bảo vệ và các quyền được tham gia). Dự thảo Luật phân định rõ quyền con người, quyền công dân của trẻ em. Đối với các quyền con người được bảo đảm đối với mọi trẻ em, Dự thảo thể hiện bằng cụm từ “mọi trẻ em”; đối với các quyền công dân chỉ được bảo đảm đối với công dân Việt Nam, Dự thảo thể hiện bằng cụm từ “trẻ em là công dân Việt Nam”. Chương này cũng quy định 4 nhóm bổn phận của trẻ em trên cơ sở kế thừa Luật năm 2004, phù hợp với một số chế định về nghĩa vụ công dân của Hiến pháp năm 2013, Năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng và phù hợp với yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng con người Việt Nam trong bối cảnh mới.

Đọc thêm