Từ "ẩn họa" ban công chung cư: "Định tội" cha mẹ thiếu trách nhiệm

(PLO) - Cùng với sự xuất hiện của những chung cư cao tầng thì các vụ trẻ em do sự bất cẩn của cha mẹ, người lớn ngã từ trên các tầng cao xuống đất tử vong ngày càng nhiều. Một đứa trẻ mất đi không chỉ gây đau đớn cho gia đình, người thân mà còn đặt ra câu hỏi: Phải chăng bố mẹ cũng phải chịu trách nhiệm pháp lý vì tội xao nhãng trách nhiệm?
Từ "ẩn họa" ban công chung cư: "Định tội" cha mẹ thiếu trách nhiệm
Đau đớn, thót tim trước những cú ngã chết của con trẻ
9h sáng ngày 24/4/2015, một bé trai khoảng 4 tuổi ngồi vắt vẻo ngoài ban công tầng 12 tại chung cư CT3, khu đô thị Văn Khê (Hà Đông, Hà Nội) khiến nhiều người thót tim. Do không có cha mẹ ở nhà nên em đã trèo lên lan can ngồi khóc gọi bố mẹ. Có lúc cậu bé còn cúi đầu xuống dưới nhìn đám đông và đứng lên lan can rồi xoay người quay lưng ra ngoài. Ở dưới đất, hàng trăm người  la hét, theo dõi sự cố. 
Trong đoạn clip quay từ dưới đất lên cảnh đứa trẻ ngồi vắt vẻo ở thành ban công, còn rõ cả tiếng một người phụ nữ đứng dưới liên tục cầu nguyện: “Nam mô a di đà Phật, con ơi con đừng có nhảy con nhé. Con ơi, đi vào đi con. Trèo vào đi con…”. 
Bé trai 4 tuổi ngồi trên ban công tầng 12 làm bao phụ huynh thót tim.
Bé trai 4 tuổi ngồi trên ban công tầng 12 làm bao phụ huynh thót tim. 
Theo lời chia sẻ trên mạng xã hội của những người đã tham gia vụ giải cứu em bé ngày hôm đó thì: “Khi thấy cậu bé ngồi vắt vẻo ngoài lan can, tôi và mọi người cùng vội chạy lên tầng 12, đạp cửa xông vào nhà bé. Vào bên trong, để em bé không bị giật mình, chúng tôi khẽ gọi “Con ơi, bố mẹ đã về rồi”. Nghe có tiếng gọi, cậu bé đang lơ lửng ngoài ban công đã tự bò vào và ôm chầm lấy mọi người khóc nức nở. Chúng tôi nhìn nhau cười, ai cũng vỡ òa hạnh phúc -  tuanha”. 
Người ở trên tầng là vậy, người ở dưới đất cũng căng thẳng không kém. “Tôi và hàng trăm người đứng ở dưới mà tim cứ đập thình thịch. Khi thấy bé trai gặp nguy hiểm, tất cả các ô tô đỗ bên dưới được chúng tôi đẩy ra xa để tạo không gian cứu hộ. Đồng thời, tôi và mọi người dùng các biển quảng cáo tấm lớn cùng chăn đệm để đề phòng trường hợp xấu xảy ra là bé bị rơi xuống. Giờ nghĩ lại mà tay chân tôi vẫn còn run – hoang thuy” 
Đây không phải là vụ đầu tiên các em nhỏ phải đối diện với sự nguy hiểm ở ban công các nhà cao tầng như vụ bé 4 tuổi ngã từ tầng 11 tòa nhà khu đô thị bán đảo Linh Đàm (Hà Nội) vào tháng 6/2013; tháng 12/2003, một bé trai rơi từ tầng 7 chung cư Lý Thường Kiệt, quận 11, TP HCM; bé trai 5 tuổi ngã từ căn hộ tầng 15 chung cư Bình Khánh (TP.HCM)... 
Thật may mắn cho em bé trong vụ ngày 24/4 vừa qua, còn rất nhiều em khác đã phải từ giã cuộc sống khi tuổi đời còn quá nhỏ. Lỗi điển hình trong các vụ này là cha mẹ và người lớn lơ là, xao nhãng trách nhiệm trong việc trông coi con cháu. 
Vụ ở chung cư Bình Khánh (TP.HCM)  người bố đã khóa cửa nhà cho con trai 5 tuổi ở một mình để đi đón cậu con lớn đang học ở trường. Vụ tại Linh Đàm, tranh thủ lúc cháu ngủ trưa, bà nội khóa cửa đi ra ngoài; vụ ở chung cư Lý Thường Kiệt, quận 11, TP.HCM khi bé trai ngã xuống đất thì trong nhà không hề có một người lớn nào… 
Con ngã ở ban công, bố mẹ cũng có tội?
Đó là vấn đề mà nhiều chuyên gia pháp lý đặt ra trước tình trạng bố mẹ xao nhãng trách nhiệm để con đối mặt với nguy hiểm, thậm chí thương vong. Năm 2012, khi tiến trình sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân và Gia đình (HN&GĐ) bắt đầu, tại một cuộc hội thảo, TS. Nguyễn Công Khanh (Bộ Tư pháp) cho rằng, quan hệ giữa cha mẹ và con, ông bà và cháu, giữa anh chị em và giữa các thành viên trong gia đình được coi là “hạt nhân pháp lý” của chế độ gia đình Việt Nam. Do đó, trong quan hệ cha mẹ và con, cần bổ sung nghĩa vụ quan trọng bậc nhất là phải đảm bảo quyền sống của con. 
“Mọi hành vi dẫn đến hậu quả làm tổn hại, xâm hại, tước đi quyền sống của trẻ đều phải bị xử lý nghiêm khắc, càng trong quan hệ gia đình càng phải xử lý nghiêm minh. Ví dụ khi cha mẹ đi ra ngoài khóa cửa nhốt con ở nhà, nhưng cửa ban công lại mở, trẻ trèo ra ban công rơi xuống đất ngã chết… thì cha mẹ phải chịu trách nhiệm về việc dẫn đến rủi ro cho đứa trẻ” – TS. Khanh nêu ví dụ.  
Còn theo TS. Nguyễn Thị Kim Quý, Hội Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Cố vấn đường dây tư vấn bảo vệ trẻ em 18001567 (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), với trẻ em, an toàn là nhu cầu số một cần được quan tâm bên cạnh 4 nhu cầu khác là được yêu thương, hiểu, tôn trọng, có giá trị. Nhưng nhiều người lớn đôi khi không hiểu hết điều này và còn chủ quan. 
“Ở nhiều nước phát triển không cho phép cha mẹ để con tuổi tiểu học ở nhà một mình. Ở Anh, tôi từng chứng kiến một trường hợp, sau khi một bé gái lớp 3 kể với cô giáo chuyện bố mẹ cho tự chơi ở nhà một buổi thì lập tức hôm sau phụ huynh của em bị đội công tác xã hội, cảnh sát đến nhà tìm hiểu sự việc. Nhà chức trách cảnh báo nếu bố mẹ làm vậy lần nữa sẽ bị cách ly không được nuôi con trong 6 tháng. Hiện tại, Việt Nam chưa có điều luật nào quy định như vậy, nhưng để đảm bảo an toàn cho con, bố mẹ cũng cần có ý thức về trách nhiệm của mình trong việc bảo đảm an toàn cho con” – TS. Quý nhấn mạnh. 

Đọc thêm