Nên lắp cửa chống cháy tại ban công

(PLO) -“Nếu từng thành viên, từng gia đình trong chung cư không nêu cao ý thức cảnh giác đề phòng cháy nổ thì hiểm họa có thể xảy ra và hậu quả chắc chắn sẽ khôn lường”, Thượng tá Nguyễn Viết Nội, Phó trưởng Phòng Giám định kỹ thuật pháp lý, Viện Khoa học hình sự (KHHS), Bộ Công an cho biết.
 

 

Nên lắp cửa chống cháy tại ban công

Đáng buồn là mặc dù nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy nổ khác nhau nhưng sự cố do điện và con người bất cẩn gây ra vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Sâu xa hơn là do sự kém hiểu biết, cẩu thả, không tuân thủ các quy định về PCCC.

Nhiều lỗi do chủ quan

Ngày 29/11/2016, tại khu đô thị Xa La (Hà Đông, Hà Nội) xảy ra một vụ cháy khiến nhiều người dân sống tại các chung cư hốt hoảng. Đám cháy được xác định xuất phát từ bể bơi nằm trên nóc của một tòa nhà 4 tầng, sát tòa nhà CT1 Khu đô thị Xa La – Hà Đông. Do phần mái được làm bằng vật liệu nhựa, đám cháy tỏa ra rất nhiều khói.

Khi xảy ra cháy, toàn bộ điện của các tòa nhà bị cắt khiến khoảng 10 người bị mắc kẹt trong thang máy. Nguyên nhân được xác định là do người dân chung cư hóa vàng sau khi thắp hương ngày mồng 1 âm lịch, tàn lửa rơi xuống mái bể bơi bằng nhựa gây cháy.

Cuối tháng 10/2010, tại tòa nhà 9 tầng đang xây dựng thuộc lô D29 khu đô thị mới Cầu Giấy đã xảy ra một vụ cháy nổ lớn. Trong thời điểm đang hoàn thiện để bàn giao, vào giờ nghỉ trưa, đường ống xả rác bằng nhựa Compoxit cốt sợi thủy tinh thuộc nửa nhà phía Đông Bắc bị cháy sau đó nổ lớn làm đổ tường xung quanh buồng đổ rác và vệ sinh. Vụ nổ đã làm hư hỏng cửa kính, các thiết bị ở tầng 8 và tầng 9. Rất may vụ nổ đã không gây thiệt hại về người.

Qua khám nghiệm hiện trường, các giám định viên Viện KHHS xác định nguyên nhân vụ cháy nổ là do có người đã bất cẩn vứt tàn lửa cùng giấy và rác dễ cháy vào đường ống xả rác, trong đường ống thiếu khí oxy, sinh ra nhiều khí cacbonic. Luồng khí cacbonic này bị đối lưu đẩy lên và tích tụ ở tầng 8, tầng 9 tạo thành hỗn hợp nổ, khi gặp luồng nhiệt đang cháy phía dưới đã gây ra một vụ cháy nổ.

Là người có kinh nghiệm trên 30 năm trong lĩnh vực giám định cháy nổ, đặc biệt là trực tiếp khám nghiệm và giám định nguyên nhân nhiều vụ cháy, Thượng tá Nội chỉ ra rằng,hiện nay, ở những chung cư cao cấp, hệ thống điện được lắp đặt đúng kỹ thuật, đều có hệ thống báo động và tự động phun nước chữa cháy, nếu chung cư nào cũng như vậy thì độ an toàn khá cao và hiệu quả. 

Tuy nhiên, ở hầu hết các chung cư, cầu thang bộ đều nằm ở giữa các đơn nguyên nên chỉ cần có hỏa hoạn, cầu thang máy lại không hoạt động do mất điện, cầu thang bộ chính trở thành đường thoát chính của khói và nhiệt. Vì vậy, nếu khói lửa từ thiết bị hay căn hộ nào đó đã cháy lớn mà bốc ra hành lang và cầu thang bộ, ai cố chạy xuống qua cầu thang bộ cũng nguy hiểm đến tính mạng.

“Khi đám cháy đã lan rộng chừng mét vuông trở lên, ngọn lửa đã bốc cao thì phải tìm đường thoát chứ không thể chữa bằng phương tiện tại chỗ nữa bởi nhiệt và lửa trong đám cháy tăng theo cấp số nhân”, anh Nội khuyến cáo.

Ban công là lối thoát hiểm tối ưu

Thượng tá Nội cho biết, thực tế công tác giám định nguyên nhân các vụ cháy chung cư cho thấy, rất nhiều vụ chết người rất đáng tiếc khi cố chạy xuống trong khi khói, nhiệt mù mịt. 

Ví dụ như vụ cháy chung cư JSC 34 ở đường Khuất Duy Tiến (Hà Nội), hai mẹ con chị H (con trai 11 tuổi) ở căn hộ 1809, khi cháy đã chạy ra hướng cầu thang bộ để thoát hiểm (theo biển chỉ EXIT) bị ngạt khói ngất ngay tại hành lang, sau đó tử vong tại bệnh viện, trong khi đó, căn hộ 1809 và các hộ xung quanh không bị cháy mà chỉ bị ám khói nhẹ.

Sau khi xảy ra liên tiếp các vụ cháy chung cư ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mọi người tỏ ra rất hoang mang lo lắng, đua nhau đi mua sắm thang dây, có nhà mua cả dù cá nhân... để đề phòng khi hỏa hoạn có phương tiện thoát thân. Tuy nhiên, Thượng tá Viết Nội cho rằng, tất cả những vật dụng đó đều rất tốn kém, không hiệu quả, đôi khi còn gây nguy hiểm cho người sử dụng.

“Ví như nhảy dù nếu không được tập luyện thành thạo, kỹ thuật gấp dù không đúng, khi nhảy không có kỹ thuật thì nhảy xuống sẽ rất nguy hiểm, có thể chết hoặc bị treo lơ lửng trên ban công nào đó. Còn nếu dùng thang dây thì chỉ có thể áp dụng cho tầng 2 đến tầng 3 hoặc 4 là cùng, trong khi nhiều chung cư 40,50 tầng... Do đó phương án thoát nạn bằng thang dây hoàn toàn không khả thi và rất nguy hiểm”, Thượng tá Nội phân tích.

Hiện tại, thang cứu hộ của lực lượng PCCC và CHCN chưa thể vươn cao được đến tầng 20, chưa đến hết các tầng của các chung cư nhưng có thể huy động máy bay trực thăng và các lực lượng đặc biệt để giải thoát cho mọi người ở các ban công tầng cao, tương lai gần sẽ có trực thăng cho lực lượng PCCC và CHCN.

Theo Thượng tá Nội, tất cả các căn hộ trong các chung cư mới xây hiện nay, mỗi căn hộ đều có ban công là nơi thoát hiểm tốt nhất khi có cháy lớn, vì theo nguyên lý, nếu cháy ở một căn hộ nào đó, cháy dưới tầng hầm, cháy trong hộp kỹ thuật, hoặc cháy trong hệ thống xả rác... thì nhiệt và khói chủ yếu bốc lên theo cầu thang bộ (nhiệt luôn bốc lên trên), trong mỗi căn hộ lại có tường ngăn kín và qua nhiều lớp cửa nên việc cháy lan vào các hộ khác diễn ra chậm và khó, nếu tất cả các căn hộ đều có cửa ra ban công là cửa chống cháy thì ban công là nơi thoát nạn tối ưu cho mọi gia đình khi cháy lớn. Trường hợp xấu nhất là cháy lan vào căn hộ có ban công căn hộ nhà mình (khó xảy ra) thì cùng giả là bị nhiệt bỏng chứ không chết.

Thượng tá Nội đưa ra lời khuyên, mỗi gia đình trong chung cư phải lắp hệ thống điện đúng kỹ thuật, mỗi khu vực, mỗi nhóm thiết bị (âm thanh, ánh sáng, nóng lạnh, vi tính… phải có hệ thống áp tô mát, công tắc riêng phù hợp) và thường xuyên kiểm tra hệ thống điện đảm bảo an toàn nhất có thể, phải hiểu biết về điện hoặc nhờ tư vấn về kỹ thuật điện. 

Khi ra khỏi nhà hoặc đêm ngủ phải tắt hết những thiết bị điện không cần thiết, không để đèn thờ, các thiệt bị nạp điện qua đêm. Mỗi gia đình nên sẵn sàng những phương án và những phương tiện PCCC riêng, không để bị động bất ngờ khi có cháy (chủ gia đình nên thường xuyên tập huấn cho các thành viên của mình về các tình huống khi chẳng may hỏa hoạn).

Nếu xảy ra cháy trong căn hộ nhà mình thì bình tĩnh báo động cho xung quanh, đưa cụ già em nhỏ thoát ra hành lang để nhanh chóng xuống đất và dùng phương tiện tại chỗ chữa cháy khi đám cháy mới xuất hiện và có khả năng còn dập được, nếu thấy cháy lan nhanh không dập được thì thoát nhanh ra hành lang xuống dưới (vì nhiệt và khói từ căn hộ đang cháy chủ yếu bốc lên trên cao) bằng mọi cách báo động để tất cả mọi người cùng thoát, chỉ mang theo người những gì cần thiết nhất như tiền bạc, khăn mặt ướt để bịt mũi. Khi đang trên đường chạy mà có khói bốc ra thì cố gắng thấp người xuống và nhanh chóng vượt qua nhanh nhất có thể để thoát thân.

Khi thấy cháy lớn, thấy nhiều khói, nhiệt nóng hoặc lửa thì không cố vượt qua sẽ rất nguy hiểm, vì khi đó khói và nhiệt ra nhiều, rất thiếu ô xy và nhiều khí độc chết người (CO) mà cầu thang bộ là đường thoát chính của nhiệt và khói theo nguyên lý thông phong, trong khi người chạy xuống phải vượt qua quãng đường dốc dài với tinh thần đang hoảng loạn, cơ thể cần nhiều dưỡng khí nên hít thở mạnh, nếu cố chạy qua khói, nhiệt (đặc biệt luồng khói,nhiệt tăng đột ngột) sẽ bị choáng ngất và ngộ độc khí CO rất nguy hiểm đến tính mạng. Khi cháy lớn không thể thoát theo cầu thang bộ thì quay lại về nhà mình thoát ra ban công, đóng chặt cửa chống cháy lại, dùng các đồ vật để phát tín hiệu cấp cứu, bình tĩnh chờ cơ quan cứu hộ đến đưa xuống.

Đọc thêm