Cần trả đúng tên cho Đền Hai Bà Trưng

(PLO) - Đi trên quốc lộ 32, qua cầu Phùng một đoạn, nhìn về bên phải, du khách sẽ lần lượt gặp 3 tấm biển chỉ dẫn rất  lớn đề: “Di tích quốc gia đặc biệt. Đền Hát Môn, xã Hát Môn (thờ Hai Bà Trưng)”.
Cần trả đúng tên cho Đền Hai Bà Trưng

Từ bé tôi vẫn quen tên gọi đền Hai Bà Trưng là: “Đền Hai Bà” hoặc “Đền Hai Bà Trưng”. Từ ngày được  công nhận là di tích  quốc gia đặc biệt, Đền mới có tên gọi như trên. Tôi rất thắc mắc nhưng không thể lần giở lại Tờ trình của địa phương gửi lên Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch (khi đề nghị công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia) hoặc Tờ trình của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch gửi lên Thủ tướng Chính phủ (khi đề nghị công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt) để xem,đặt tên gọi trên, căn cứ vào đâu, ai đặt, cách thức thế  nào.

Rõ ràng rằng, ngôn ngữ Việt Nam phân biệt rất mạch lạc các khái niệm: đình, chùa, đền, miếu, am… Khác với đình để thờ Thành hoàng làng, chùa để thờ Phật, đền để thờ một nhân vật lịch sử cụ thể nên về ngữ nghĩa phải mang tên của chính nhân vật đó mới đúng. 

Bách khoa toàn thư định nghĩa: “Đền thờ là công trình kiến trúc được xây dựng để thờ cúng một vị thần hoặc một danh nhân quá cố…..”. Từ điển tiếng Việt của Trung tâm từ điển tin học do Giáo sư Hoàng Lê chủ biên, NXB Đà Nẵng ấn hành năm 2017 giải thích đền là nơi Vua ngự, nơi thờ thần thánh hoặc những nhân vật lịch sử được tôn sùng như thần thánh.

Những định nghĩa trên hoàn toàn đúng với quan niệm của nhân dân ta vì có một số trường hợp, đền thờ một nhân vật (một đối tượng) cụ thể nhưng mang tên địa phương,  đó là trường hợp nhân vật ấy đã được phong thánh, phong thần, như Đền Kiếp Bạc mang tên hai làng Vạn Yên (Kiếp) và Dược Sao (Bạc) thờ Trần Hưng Đạo (nhiều nơi gọi là Đức Thánh Trần); Đền Kim Liên thờ Cao Sơn Đại vương; Đền Quán Thánh thờ thần Trấn Vũ; Đền Voi phục thờ Linh Lang Đại vương; Đền Bạch Mã thờ thần Long Đỗ..: Tất cả các Ngài đều là Thánh, là Thần. Còn đối với những nhân vật lịch sử lỗi lạc, có công với đất nước  thì đền thờ của họ phải mang chính tên họ như vế sau của hai định nghĩa trên.

Chúng ta có thể lấy muôn vàn thí dụ về điều này: Đền Hùng thờ các vua Hùng, Đền Phùng Hưng thờ Phùng Hưng, đền Bà Triệu, Lý Nam Đế, Triệu Quang Phục, Lê Đại Hành… để thờ chính các bậc tiên vương  ấy.

Rõ ràng  Hai Bà Trưng là nhân vật lịch sử, là hai vị nữ anh hùng dân tộc, là Vua của nước ta nên Đền thờ Hai Bà phải gọi là Đền Hai Bà Trưng hoặc Đền thờ Hai Bà Trưng. Ấy là nói chung. Còn cụ thể, đối với Hai Bà, ta thử xem các nơi khác họ đặt tên đền Hai Bà thế nào; chẳng hạn hai đền ở Đồng Nhân và Mê Linh cùng với đền ở Hát Môn thuộc top 3 trong cả nước.

Với đền ở Đồng Nhân ngay ở phố Nguyến Công Trứ đã có biển chỉ dẫn bằng xi măng chữ khắc chìm: “Di tích lịch sử- Đền Hai Bà Trưng”. Vào đến số 12 phố Hương Viên Phường Đồng Nhân Quận Hai Bà Trưng, nơi tọa lạc Đền Hai Bà cũng có biển đề: “Di tích Đền Hai Bà Trưng- đã xếp hạng- cấm vi phạm”.

Với đền ở Mê linh: Đi trên đường 23b qua phố Yên xã Tiền Phong một đoạn nhìn về bên trái, du khách sẽ gặp một biển chỉ dẫn rất lớn: “Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt- Đền Hai Bà Trưng- Huyện Mê Linh”. Vào sâu khoảng hơn 1km là nơi tọa lạc của đền. Trên cao cổng đền là dòng chữ lớn, uy nghiêm: “Đền Hai Bà Trưng”. Như vậy, chúng  ta cần cải chính tên gọi Đền Hát Môn trên đây thành Đền Hai Bà Trưng ở Hát Môn để có sự chặt chẽ về ngữ nghĩa, thống nhất với từ điển, thống nhất với quan  niệm của dân ta và hơn thế nữa, cái tên Đền Hai Bà Trưng mới thể hiện được hết tấm lòng của người dân Việt đối với Hai Bà.

Đọc thêm