Nên xin chữ gì cho năm Nhâm Dần 2022 để hạnh phúc, thành công?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Bên cạnh việc xông đất, lì xì hay khai bút, xin chữ đầu năm cũng là phong tục gắn liền với người dân Việt Nam từ bao đời nay.

Theo thầy đồ Nguyễn Duy Đức (Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thư pháp Tâm Bút), ông cha ta vẫn có thói quen xin chữ đầu năm để cầu sự may mắn, thành công, hi vọng luôn có được niềm vui an lạc. Hầu như ai cũng muốn xin chữ và nhiều người thường chú trọng việc này trong dịp Tết đến.

Thuở xa xưa khi muốn xin chữ vào dịp năm mới, mọi người phải chuẩn bị lễ chu đáo gồm chè thuốc, cau trầu, sau đó mang đến nhà thầy đồ trong vùng. Dân gian vốn có câu "mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy". Như vậy, mùng 3 Tết thường được chọn để đi thực hiện công việc ý nghĩa này.

Từng đường nét viết ra uyển chuyển như “rồng bay phượng múa”. (Ảnh: Tuổi Trẻ Online)

Từng đường nét viết ra uyển chuyển như “rồng bay phượng múa”. (Ảnh: Tuổi Trẻ Online)

Được biết, thầy đồ thời xưa đều là những người có học vị cao, có thể là Tú tài hoặc nho sĩ nổi tiếng; vì vừa học rộng biết nhiều, vừa hiền tài, đức độ nên được bà con vô cùng kính nể. Tục xin chữ tượng trưng cho sự trọng chữ nghĩa. Chữ nghĩa thường mang đến những giá trị lớn lao, ý nghĩa hơn thay vì chỉ nói qua miệng một cách sáo rỗng. Vào dịp này, nếu các em nhỏ được cha mẹ đưa đi xin chữ để cầu cho quá trình học có nhiều suôn sẻ thì người lớn cũng muốn đem về vài ba câu chữ của thầy đồ. Ngoài cầu may mắn, mọi người còn muốn xin cái tài năng, đức độ của người cho.

Người dân xếp hàng đi xin chữ vào dịp Tết Tân Sửu 2021. (Ảnh: VOV)

Người dân xếp hàng đi xin chữ vào dịp Tết Tân Sửu 2021. (Ảnh: VOV)

Chúng ta có thể chủ động xin những câu chữ mà mình cảm thấy tâm đắc, song cũng có thể bày tỏ ước nguyện của bản thân để các thầy cho chữ thích hợp. Vào năm Nhâm Dần 2022, mọi người có thể xin một số chữ thông dụng sau:

- Chữ "Hiếu"

Chữ “Hiếu” là một trong những loại chữ phổ biến nhất được xin vào dịp đầu năm. Chữ “Hiếu” thường dùng để gửi tặng các vị cao tuổi trong dòng họ, ông bà, cha mẹ. Khi dâng chữ này, người tặng muốn bày tỏ sự biết ơn, trân trọng công lao sinh thành của họ; cũng như thể hiện mong muốn được chăm sóc, báo hiếu cho những người nuôi dưỡng mình.

Phần lớn thầy đồ cho chữ đều là người cao tuổi trong vùng. (Ảnh: VOV)

Phần lớn thầy đồ cho chữ đều là người cao tuổi trong vùng. (Ảnh: VOV)

- Chữ "Tài"

Chữ “Tài” vốn là biểu trưng cho năng lực, tài năng trong lĩnh vực hay công việc nào đó; thể hiện cho ước muốn được thành đạt, có sự nghiệp phát triển của người xin. Đôi khi, nhiều người xin chữ “Tài” để gửi tặng bạn bè, đồng nghiệp… và lúc này, nó chính là lời chúc thành công đến người nhận. Phần lớn các bạn trong độ tuổi đi học đều muốn có chữ “Tài” để việc học của mình ngày càng hiệu quả.

- Chữ "Phúc"

Đúng như tên gọi của nó, “Phúc” vốn tượng trưng cho hạnh phúc, tròn đầy, mang ý nghĩa may mắn. Nó thể hiện cho hi vọng về cuộc sống no ấm đủ đầy và nhiều an yên của gia chủ. Từ lâu, tranh có in hoặc vẽ hình chữ “Phúc” cũng đã trở thành biểu tượng phổ biến được nhiều gia đình lựa chọn để trang trí quanh nhà.

Chữ “Phúc” vốn được nhiều người lựa chọn để xin. (Ảnh: VOV)

Chữ “Phúc” vốn được nhiều người lựa chọn để xin. (Ảnh: VOV)

Có thể nói, mỗi chữ xuất hiện trên giấy đều là sự hội tụ của cả Trí, Thần và Lực của người viết; là tác phẩm thể hiện tâm nguyện, tấm lòng và sự sáng tạo của cả người xin lẫn người cho. Do đó, nó hàm chứa nhiều ý nghĩa về mặt tinh thần và cũng giàu giá trị thư pháp. Từng chữ viết ra thường không khác gì "rồng bay phượng múa", và khoảnh khắc đứng xem thầy đồ uyển chuyển đưa từng nét cọ khiến không ít người có cảm giác như đang thưởng thức 1 tác phẩm nghệ thuật.

Trải qua bao đời nay, việc người dân Việt Nam vẫn giữ nguyên được phong tục xin chữ đầu năm đã phần nào cho thấy ý thức bảo tồn và gìn giữ nét đẹp trong văn hoá của dân tộc.