Nếu chỉ trông vào ngân sách, chúng ta mãi là giáo dục nghèo!

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Phát biểu trước hội nghị Tổng kết năm học 2020- 2021 ngành GD&ĐT Vĩnh Phúc hôm 31/8, ông Lê Duy Thành – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chia sẻ những vấn đề tâm huyết của ngành GD&ĐT, trong đó nhấn mạnh: “Nếu chỉ trông vào ngân sách, chúng ta mãi là giáo dục nghèo!”. Đây không phải vấn đề riêng của ngành GD&ĐT Vĩnh Phúc
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành lần đầu tiên phát biểu trước hội nghị Tổng kết năm học ngành GD&ĐT
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành lần đầu tiên phát biểu trước hội nghị Tổng kết năm học ngành GD&ĐT

Trong 10 vấn đề liên quan đến giáo dục chia sẻ tại Hội nghị có 3 vấn đề liên quan đến kinh tế.

Nếu như những vấn đề liên quan đến thuần giáo dục như những lưu ý các bậc giáo dục, bạo lực học đường, kỹ năng sống, bình đẳng trong tiếp cận giáo dục... hay việc giữ gìn sự tâm huyết, trách nhiệm, sự trong sáng của giáo dục ..., được chia sẻ một cách trực tiếp, dung dị từ cương vị của một công dân, một phụ huynh, một học trò cũ, thì khi đề cập đến những vấn đề kinh tế giáo dục, ông nói với tư duy của một nhà kinh tế.

Đó là thu hút đầu tư trong lĩnh vực GD&ĐT, vấn đề hội nhập trong giáo dục và câu chuyện “cơm, áo gạo tiền” của giáo viên.

Kỹ năng đứng trên vai người khổng lồ...

Đề cập đến tình trạng thiếu giáo viên, thiếu tiền đầu tư cho giáo dục trong nhiều năm nay, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định: “Việc thiếu giáo viên chỉ một phần do chính sách, cái chính là chúng ta chưa làm tốt, chưa xây dựng được cơ chế xã hội hóa giáo dục...”

Rồi ông quả quyết: “Nếu giáo dục chỉ trông mãi bằng chi ngân sách thì chúng ta sẽ mãi là giáo dục nghèo!”

Để giải thích cho luận điểm của mình, ông chia sẻ: “Tôi học kinh tế, là người ngoại đạo với giáo dục, nhưng có thể khẳng định, không có một ngành nào chỉ trông vào đồng ngân sách để phát triển. Cho nên, để thu hút đầu tư, để xã hội hóa giáo dục thì phải làm ngay từ mỗi nhà trường, mỗi gia đình. Đơn giản nhất là mỗi gia đình có thể đóng góp để con em học ngoại ngữ, hay kỹ năng sống...”

Người đứng đầu UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng chia sẻ, hình thức xã hội hóa cao hơn đó là thu hút các trường tư có thương hiệu về đầu tư.

“Ta có trường công lập nào nếu dành được khu đất đấy cho các trường tư thuê, để họ mang Trí, mang Lực, mang Tài của họ về đào tạo cho con em chúng ta, thì thứ nhất, chúng ta thu được tiền, thứ hai, ngân sách không phải trả lương cho toàn bộ giáo viên của trường đó, thứ ba, chất lượng giáo dục họ mang từ thế giới về đây dạy con chúng ta, thay vì áp lực thầy cô giáo của chúng ta vừa dạy học, vừa “cõng” các kiến thức từ Mỹ, Pháp, Canada về đây... “ - ông phân tích.

Chủ tịch Lê Duy Thành cho rằng: “Việc có nhà đầu tư bỏ ra vài trăm tỷ để đào tạo cho 200-300 học sinh thôi, chúng ta sẽ nhẹ gánh đi rất nhiều. Tư duy đấy chúng ta sẽ phải thay đổi trong ngành Giáo dục. Thậm chí, chúng ta có thể mời 1 trường của Mỹ về đây để họ dạy cho con em mình thì rõ ràng họ lại làm thuê cho mình, vừa giảm gánh nặng về ngân sách, cũng là một trong những cách để nâng tầm giáo dục chúng ta lên. Đấy là kỹ năng trong kinh tế người ta gọi là đứng trên vai những người khổng lồ…”

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng giao nhiệm vụ cho ngành GD&ĐT Vĩnh Phúc trong nhiệm kỳ này là thu hút đầu tư trong giáo dục. “Các đồng chí phải quan tâm, đề xuất, dành quỹ đất, tiếp cận, thu hút các trường, trung tâm, cơ sở về đây…” - ông giao nhiệm vụ.

Khử khuẩn trường học

Khử khuẩn trường học

Từ “xin” học bổng đến thay đổi tư duy hội nhập giáo dục

Chia sẻ về hội nhập trong giáo dục, Chủ tịch Lê Duy Thành nhấn mạnh, đây là vấn đề “hết sức cấp thiết” chứ không phải là “quan trọng” nữa.

“Trong điều kiện thế giới phẳng hiện nay, chúng ta đào tạo ra các công dân, phải là công dân quốc tế. Ngành Giáo dục trả lời giúp tôi, năm nay có bao nhiêu học sinh tốt nghiệp cấp 3 đủ khả năng vào các trường thế giới, bao nhiêu phần trăm học sinh Vĩnh Phúc đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế? Chúng ta cần phải theo dõi chỉ số này…” - ông giao nhiệm vụ.

Với các nhà giáo dục tỉnh nhà, ông chia sẻ: “Thực tế, Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh thu hút đầu tư rất tốt, thể hiện qua con số nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Ngoài ra, con số nộp thuế thu nhập cá nhân có thể nói là cao nhất toàn quốc, thế nhưng nhìn vào danh sách nộp thuế thu nhập cá nhân, địa chỉ người Vĩnh Phúc rất ít.

Như vậy những người làm việc và thu nhập cao, nộp thuế nhiều đều ở đâu đến đây, trong khi đó, ta đào tạo ra những con người rất giỏi nhưng chúng ta lại không biết các em đang ở đâu. Nói cách khác, chúng ta đào tạo ra các em rất tốt nhưng sau đó thì việc tái thu hút, sử dụng các em, quay trở lại không tốt!”

Trong chia sẻ của mình, ông kể lại câu chuyện đoàn lãnh đạo cao cấp của Vĩnh Phúc đi công tác tại Mỹ. Đoàn có đi thăm các trường đại học là Arizona ở bang Arizona và Portland ở bang Oregon. “Đến nơi thì chúng tôi nêu ra đề xuất mà trước đó đã được trao đổi thống nhất giữa hai bên trước khi đoàn đi là đề nghị trường Đại học Arizona hỗ trợ cho Vĩnh Phúc một số học bổng. Thực ra sau này, tôi rất xấu hổ vì đề nghị ấy. Vì sau đó, họ nói rằng, họ sẵn sàng đồng ý nhận, đào tạo, cấp học bổng cho học sinh miễn phí nhưng nếu chúng ta đưa sang đây đủ điều kiện. Rõ ràng, đủ điều kiện rồi thì cần gì phải xin nữa?” - ông nhớ lại.

Rồi ông kể tiếp: “Sau đó, họ nói với chúng tôi thế này, nếu các bạn thay đổi tư duy, cách tiếp cận một chút, đó là đề nghị Arizona mở một cơ sở ở Vĩnh Phúc, đưa toàn bộ con người, giáo trình, kiến thức sang để lập một cơ sở đào tạo của trường Đại học Arizona tại Vĩnh Phúc. Trong đó, đào tạo cho người Vĩnh Phúc có thể miễn, giảm học phí, nhưng quan trọng là thu học phí của người học ở các địa phương khác, quốc gia khác cũng phải đến Vĩnh Phúc để được học và được cấp bằng của Đại học Arizona, thì tại sao lại không?”

Kể lại câu chuyện này, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng họ đề xuất như vậy, mới thấy rằng đúng là chúng ta phải thay đổi suy nghĩ, thay đổi cách tiếp cận…”. Mà cái này đâu phải quá khó nếu chúng ta có đủ đất, đủ cơ chế?”- ông gợi ý.

Chủ tịch Lê Duy Thành cũng cho biết, trong chuyến công tác đó, ông cũng cũng đươc kể về trường hợp của Malaysia. Cách đây 10 năm, Malaysia cũng đã đến trường đặt vấn đề tương tự như đoàn của Vĩnh Phúc. Cuối cùng Malaysia đã mở được Trường Đại học tổng hợp Arizona. Thay vì việc mỗi năm nước này phải chi 20 tỷ USD để cho con em đi học ở Mỹ và các nước khác, thì đến bây giờ, ngành Giáo dục của Malaysia mỗi năm mang về cho ngân sách hơn 40 tỷ USD. Tất nhiên, đó không phải từ giáo dục của Malaysia mà từ giáo dục của các trường đại học lớn của thế giới đặt tại Malaysia.

Thực hiện hướng đi này, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc gợi ý: “Hãy bắt đầu đặt một cơ sở nho nhỏ thôi, làm dần dần thì nó sẽ thay đổi...”

“Cách tốt nhất, con đường ngắn nhất của giáo dục để đưa được dân tộc, người dân ra biển lớn bắt kịp với thế giới, nâng tầm Vĩnh Phúc lên; trao thêm cơ hội cho các em, các cháu chúng ta và giảm gánh nặng cho ngân sách chính là thu hút đầu tư và vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế này. ..”- ông nhấn mạnh.

Thu nhập, đời sống giáo viên- Chúng ta có quyền đòi hỏi xã hội!

Đề cập đến những vấn đề của ngành giáo dục hiện nay, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành cho rằng đây đều là xã hội đặt vấn đề, yêu cầu đối với ngành giáo dục, yêu cầu với các thầy cô..

“...Nhưng có một thứ, đề nghị lãnh đạo HĐND, UBND phải quan tâm, đó là nhìn vào thu nhập thực tế của các thầy các cô xem hiện nay đã thật sự tương xứng với thu nhập của xã hội hay chưa? Khi xã hội phát triển đi lên thì thu nhập đấy đã thực sự phù hợp chưa? Lương thì chúng ta đã có quy định nhà nước, nhưng còn những thu nhập khác, cơ hội khác, điều kiện khác thì đó là những gì? “- Ông đặt ra một loạt câu hỏi và quả quyết: “Xã hội có quyền đòi hỏi, yêu cầu các thầy cô nhưng chúng ta cũng có quyền đòi hỏi xã hội…”

Đề cập đến một thực tế là trong suốt thời gian dịch COVID-19 vừa rồi, tất cả đối tượng xe ôm, người bán hàng rong..., được quan tâm, nhưng riêng có một nhóm là giáo viên mầm non tư thục, thu nhập 1 tháng được 3 triệu nhưng nghỉ dịch suốt 6-7 tháng nay lại chưa được quan tâm. ”Chúng ta đã tổng hợp chưa, đã đề xuất hỗ trợ cho họ kinh phí này chưa? Đây là vấn đề đặt ra…”, ông lưu ý với ngành giáo dục.

Để học sinh có kỹ năng, nhân thức chống dịch để tự bảo vệ mình

Khẳng định nguy cơ dịch COVID-19 vẫn đang hiện hữu, cực kỳ lớn, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành cho biết tối 30/8, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 của Vĩnh Phúc đã phát đi một thông báo khẩn, đó là toàn dân Vĩnh Phúc tuyệt đối không được lơ là, không được chủ quan, phải thực hiện tuyệt đối những quy định về chống dịch…

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị, trong nhà trường, lớp học, phải xây dựng ngay chương trình, kế hoạch phòng, chống dịch, làm sao phải xây dựng được các tiêu chí của các Trường học xanh, để các em vào đó có kỹ năng chống dịch, có nhận thức về dịch, từ đó có thể bảo vệ được các em.

"Nếu như chúng ta chậm 1 ngày, chúng ta mất ngay 1 tuần; chậm 1 tuần mất 1 tháng; chậm 1 tháng mất 1 năm; chậm 1 năm mất cả nhiệm kỳ. Cho nên làm được gì, ngay bây giờ, ngay lúc này, ngay sau hội nghị này, về các đồng chí tập trung, bắt tay vào làm ngay và không ngại kiến nghị, đề xuất. Làm sao đấy để chúng ta cùng chung tay, cùng với Đảng bộ và nhân dân xây dựng, nâng tầm ngành Giáo dục lên cao hơn nữa...” - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị.

Đọc thêm