NFT - sóng đầu tư công nghệ hay cơn sốt đầy rủi ro?

0:00 / 0:00
0:00
Tài sản số NFT đang trở thành một cơn sốt thực sự. Thị trường NFT trong nước cũng đang bắt đầu sôi động. Thế nhưng cơ hội luôn đi kèm với những rủi ro.

NFT là gì?

NFT viết tắt của Non-fungible token là một dạng chứng chỉ xác thực kỹ thuật số không thể sao chép sử dụng công nghệ blockchain, xuất hiện lần đầu tiên trên thế giới vào năm 2017 và bắt đầu tạo ra một cơn sốt trong giới đầu tư kể từ khi bức tranh 5000 ngày đầu tiên của nghệ sỹ Beeple được bán với giá gần 70 triệu USD.

Tương tự, dòng Tweet đầu tiên của CEO Twitter được bán 2 triệu USD hay vừa mới đây là bộ mã nguồn World Wide Web cũng được đấu giá với mức khởi điểm 5,4 triệu USD.

NFT là một công nghệ khá mới và các biến thể sinh động của nó sẽ còn tiếp tục được sinh ra. Tuy nhiên nếu muốn phân chia nhóm các loại tài sản số NFT, chúng ta có thể phân ra 3 loại cơ bản sau.

NFT đang trở thành trào lưu thu hút sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư - Ảnh: Forbes.

NFT đang trở thành trào lưu thu hút sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư - Ảnh: Forbes.

Loại thứ nhất là sản phẩm NFT thuần túy dưới dạng các Token - dạng này tương tự như các loại tiền kỹ thuật số. NFT này phổ biến nhất là được dùng như vật phẩm trong các trò chơi điện tử.

Loại thứ hai là NFT gắn liền với một tác phẩm, sản phẩm kỹ thuật số khác. NFT khi đó đóng vai trò như đoạn mã xác nhận sở hữu độc quyền. Đó là các đoạn mã World Wide Web hay file ảnh số 5000 ngày đầu tiên.

Loại thứ ba là NFT gắn liền với một tài sản vật lý. Đó là một bức tranh vẽ tay, một chiếc đồng hồ cổ hay thậm chí là bất động sản. NFT khi đó đóng vai trò như "giấy chứng nhận quyền sở hữu kỹ thuật số".

Tác phẩm số NFT được sinh ra như thế nào?

Hãy hình dung bạn sở hữu một bức tranh và bạn muốn số hóa nó dưới dạng tài sản số NFT. Công nghệ blockchain sẽ giúp chúng ta làm điều này.

Ông Bob Moore, Giám đốc vận hành tập đoàn Lux Group Holdings, chia sẻ: "NFT ở đây là một đoạn mã không thể thay thế. Việc đầu tiên là bạn sẽ chụp lại tác phẩm của mình và sau đó bạn phải đưa nó vào trong một khối blockchain, sau đó công nghệ blockchain sẽ xác thực khối này - việc này tương tự như ký xác nhận của tác giả lên tác phẩm và kể từ đó nó sẽ giúp cung cấp cho bạn thông tin mọi điều xảy ra với tác phẩm của mình. Chẳng hạn như lịch sử giao dịch, chuyển nhượng. Ai đã đặt giá thầu trên tác phẩm, khi nhà đầu tư đặt giá thì giá nào được chấp nhận, giá nào bị từ chối đều ghi lại rõ".

Việc gắn mã NFT giúp tạo ra tính độc nhất cho tác phẩm. Việc này có ý nghĩa trong việc xác định quyền sở hữu hoặc giá trị lớn trong việc sưu tập.

Ông Đào Hoàng Thanh, nhà sáng lập nền tảng giao dịch tài sản số ezDeFi, cho biết: "Đôi khi chúng ta sở hữu nó giống như là chúng ta sở hữu một bức tranh hay một cái đồng hồ mà ở ngoài đời nó chỉ có 1 cái duy nhất".

Mặc dù vậy, công nghệ này mới chỉ xuất hiện vào năm 2017 và vẫn còn ở trạng thái sơ khai. Có nhiều cơ hội và kỳ vọng nhưng trước khi bắt đầu đầu tư tiền vào các token này, hãy đảm bảo rằng bạn hiểu chính xác những gì bạn đang tham gia và cách sử dụng chúng.

Cần có sự đảm bảo trong giao dịch NFT

Tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số của robot hình người Sophia. (Ảnh: Reuters)

Tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số của robot hình người Sophia. (Ảnh: Reuters)

Theo quy trình khởi tạo và giao dịch tài sản số NFT, sẽ cần có các đơn vị đảm bảo để lưu trữ và cam kết thực hiện bàn giao tài sản gốc gọi là các trung tâm lưu ký. Chưa kể, các trung tâm này sẽ giúp khách hàng đánh giá khách quan các tiêu chí, chất lượng hàng hóa được đưa lên sàn.

Nếu như không có các đơn vị lưu ký uy tín, tài sản của chủ nhân hoàn toàn có thể bị giả mạo và đưa lên các sàn NFT khác nhau.

Tiến sỹ Đặng Minh Tuấn, Trưởng Lab Blockchain - Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, cho biết: "Giống như bức tranh 5000 ngày đầu tiên, tác giả lấy bức tranh đó và tạo ra đường link xác thực NFT ấy đầu tiên. Nhưng những người khác cũng có thể lấy bức tranh đó và tạo link NFT khác, sau đó thậm chí họ cũng bán được hàng ngàn USD".

Và khi đó, người mua hay nhà đầu tư có thể sẽ phải bỏ ra rất nhiều tiền nhưng chỉ sở hữu các phiên bản thứ cấp. Thậm chí với các hàng hóa hữu hình thì khả năng giành quyền sở hữu là rất khó khăn.

Các nền tảng NFT của Việt Nam đang hoạt động thiếu khung pháp lý

Trên các nền tảng NFT hoạt động chính thống - tức là đứng sau có pháp nhân đăng ký hoạt động tại Việt Nam hiện nay, thì hầu hết sản phẩm NFT không tồn tại chỉ trên không gian số, mà nó được gắn liền với một sản phẩm thực. Nghĩa là cái mọi người giao dịch vẫn là tác phẩm vật lý có giá trị, nhưng được đính kèm theo phiên bản NFT như chứng chỉ chống hàng giả. Dù vậy tính pháp lý trong quy trình vẫn còn nhiều băn khoăn cho người trong cuộc.

Theo chủ quản AvatarArt, tại Việt Nam chưa có khung pháp lý cho lĩnh vực này, sàn AvatarArt đang gặp khó trong việc tổ chức trung tâm lưu ký để bảo đảm tài sản cho sàn của mình.

Ông Đoàn Mạnh Đức, CEO ByteNext, chủ quản nền tảng NFT AvatarArt, cho biết: "Ngay bây giờ chúng ta cũng có thể thực hiện 1 giao dịch nhưng giao dịch đấy bây giờ chúng ta có niềm tin với nhau thì sẽ thành công. Tuy nhiên, để ứng dụng rộng rãi, chặt chẽ, bảo vệ được quyền lợi người dùng thì phải có hệ thống pháp lý hỗ trợ, giải pháp này mới ứng dụng trong đời sống của chúng ta được".

Ông Phạm Toàn Thắng, sáng lập nền tảng NFT Cổng Trời, chia sẻ: "Chúng tôi mong muốn dự án sẽ trở thành nơi lưu giữ và quảng bá các tác phẩm nghệ thuật Việt Nam nói chung và mỹ thuật nói riêng. Cổng Trời sẽ nhận một phần lợi nhuận sau khi tác phẩm của nghệ sĩ hoàn thành việc giao dịch. Tuy nhiên bên cạnh đó chúng tôi cũng gặp một số khó khăn, e dè với công nghệ mới, tính khả thi cũng như khả năng ứng dụng của dự án".

Theo ghi nhận từ thị trường NFT độ biến động giá của các sản phẩm hiện cũng rất lớn. Trang Non-fungible.com cho biết có thời điểm đầu năm nay giá trị của nhiều NFT giao dịch trên thế giới giảm đến 70% trong thời gian ngắn.

Đọc thêm