Anh Nguyễn Minh Tú hiện là nhà báo công tác tại một tờ tạp chí có văn phòng ở TPHCM.
“Ngoài công việc là một nhà báo chuyên về bất động sản, mình còn là một travel blogger vì muốn giới thiệu sắc màu quê hương đến mọi người.
Nghề báo đã cho tôi cơ hội đi nhiều nơi, từ đó xuất phát đam mê nhiếp ảnh vì không muốn bỏ lỡ những khung cảnh đẹp tại những nơi mình tới, và đặc biệt là muốn ghi lại từng khoảnh khắc thay đổi của cuộc sống làng quê cũng như đô thị các địa phương.”, anh Tú chia sẻ với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam.
|
(Ảnh: NAG Nguyễn Minh Tú) |
Travel Blogger Nguyễn Minh Tú cho biết, anh thường xuyên đi săn những cảnh đẹp thế này, nhất là vào mùa mây. Bộ ảnh săn mây núi Bà Đen vừa được anh thực hiện trên đỉnh núi trong 2 ngày 8-9/4, trong một lần viếng thăm danh thắng này.
"Tôi đã đến núi Bà Đen nhiều lần và rất yêu thích nơi đây. Núi Bà Đen không chỉ là đỉnh núi linh thiêng của khu vực Đông Nam Bộ mà còn là điểm đến hấp dẫn du khách bởi không khí trong lành, mát mẻ, nhiều lễ hội đậm đà bản sắc dân tộc.
Tuy biển mây thường xuyên bao phủ đỉnh núi nhưng không phải người mê nhiếp ảnh nào cũng may mắn săn được khoảnh khắc mây tràn như suối chảy.
Là một người mê ảnh phong cảnh, tôi cũng từng nhiều lần đến đây săn ảnh nhưng chưa được nhiều ảnh ưng ý, bởi có hôm thì mây tràn về nhưng không có ánh mặt trời; ngược lại có những hôm bình minh rất đẹp nhưng lại khô khốc không có tí mây nào...", anh Tú chia sẻ.
|
(Ảnh: NAG Nguyễn Minh Tú) |
Gần đây, khi đọc được thông tin mùa mây tràn xuất hiện trên núi Bà Đen, anh Tú dành 3 ngày để tìm tới chiêm ngưỡng và săn ảnh.
"Khoảnh khắc mây tràn quanh tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn và tượng Phật Di Lặc bằng đá sa thạch diễn ra rất nhanh. Tôi chỉ có được một khoảng khắc ngắn ngủi để chụp được những bức ảnh ưng ý", anh Tú kể.
|
(Ảnh: NAG Nguyễn Minh Tú) |
|
(Ảnh: NAG Nguyễn Minh Tú) |
Anh Tú cho biết, là một người đam mê nhiếp ảnh phong cảnh, khi thấy mây tràn quanh đỉnh núi giống như một khoảnh khắc vàng, rất linh thiêng.
“Khoảnh khắc phóng flycam qua khỏi tầng sương, ta thấy Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn và cả vùng núi hiện ra như chốn bồng lai tiên cảnh. Lúc đó, cứ tưởng Phật Bà đang bay về trong muôn trùng mây, cảm xúc rất dâng tràn và vui sướng.”, anh Tú nhớ lại.
|
(Ảnh: NAG Nguyễn Minh Tú) |
Kinh nghiệm săn mây
Núi Bà Đen bắt đầu vào mùa săn mây từ tháng 4-10 hàng năm. Tháng tư thời tiết Tây Ninh nắng nóng, oi bức nhưng trên đỉnh núi sáng nào cũng có sương mây rất đẹp, dễ săn nhất là tầm 6h - 9h sáng hàng ngày. Còn nếu bước vào tháng 5 là đầu mùa mưa, có khả năng mây trên núi dày đặc, che lấp mọi thứ nên sẽ khó chụp ảnh hơn.
“Thật ra, để săn được mây trên đỉnh núi Bà Đen nói dễ cũng rất dễ nhưng nói khó cũng rất khó! Dễ là nếu như bạn đi đúng vào hôm có sương mây thấp tràn về, cộng với một bình minh đẹp sẽ cho chúng ta những bức ảnh đẹp. Khó là có những hôm mây tràn về rất dày, che phủ tất cả không thấy cả tượng Phật đâu nên cũng không chụp được gì.”, anh Tú chia sẻ.
|
(Ảnh: NAG Nguyễn Minh Tú) |
Về làm chủ các thiết bị quay chụp cũng không hề đơn giản, anh Tú cho biết, săn mây núi Bà Đen hay trên đỉnh fansipan chủ yếu chụp bằng flycam để có thể lấy được toàn cảnh núi từ trên cao.
Flycam sẽ mang lại nhiều ảnh đẹp nhưng cũng chứa đựng nhiều rủi ro, bởi bay trên độ cao hơn 1.000 mét gặp gió to rất dễ mất sóng và rơi máy.
Trong khi săn mây cũng đòi hỏi người chụp phải nhanh nhạy, tính toán góc chụp trước. Mây trôi rất nhanh và tan nhanh nên phải chụp đi chụp lại rất nhiều lần để có bức ảnh như mong muốn....
|
(Ảnh: NAG Nguyễn Minh Tú) |
“Là 1 nhiếp ảnh gia, mỗi chuyến đi chụp là mang vác như cửu vạn thực thụ, bởi phải đầy đủ máy ở các tiêu cự khác nhau để cho ra những góc ảnh khác nhau.”, anh Tú chia sẻ thêm.
Núi Bà Đen cách TP.HCM chưa đến 100km. Đây được xem là điểm đến giải nhiệt hoàn hảo trong mùa nắng nóng, khi nhiệt độ trên đỉnh núi luôn thấp hơn thành phố 8-10 độ. Đầu tháng 4 cũng là thời điểm lý tưởng để chiêm ngưỡng những biển mây tại đây.
Nằm ở độ cao 986m so với mực nước biển, núi Bà Đen được biết đến như là “nóc nhà Nam bộ” và là biểu tượng của tỉnh Tây Ninh.
Điểm nhấn của ngọn núi này là tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn tọa lạc trên đỉnh núi cao 72m, được thiết kế, chạm khắc tinh xảo, đúc bởi hơn 170 tấn đồng đỏ và được Tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập kỷ lục “Tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất châu Á tọa lạc trên đỉnh núi”.