Ước mơ an cư
Chị Nguyễn Thị Hằng lập gia đình được 6 năm, cũng là 6 năm vợ chồng chị với đứa con nhỏ và bà ngoại chui ra chui vào ở một căn chung cư mi ni – thực ra là nhà trọ xây cao tầng, ở gần một khu công nghiệp ở quận Long Biên (Hà Nội). Cả hai vợ chồng lương được hơn chục triệu đồng, nhưng riêng tiền thuê trọ đã tốn của anh chị tới 4 triệu đồng mỗi tháng.
“Hai năm trước, vợ chồng chúng tôi cũng đã tính tới việc vay thêm tiền ngân hàng để mua một căn chung cư nhà ở xã hội, chừng khoảng hơn 400 triệu đồng. Tích cóp được một chút, đang định hăm hở đăng ký dự án thì gói trợ giúp lãi suất 30 nghìn tỷ hết hạn. Thế là chúng tôi đành chờ, vì thu nhập của hai vợ chồng có hạn, cũng không dám liều đi vay tiền lãi suất thị trường. Mà với điều kiện của chúng tôi thì cũng chẳng có ngân hàng thương mại nào cho vay trên trăm triệu cả” – chị Hằng tâm sự.
Chính vì thế mà từ khi Nghị định 100/2015/NĐ-CP về nhà ở xã hội ra đời, vợ chồng chị Hằng ngóng từng ngày các quy định này đi vào đời sống. “Thủ tướng quyết định lãi suất vay mua nhà ở xã hội thông qua NHCSXH chỉ 4,8%/năm, chúng tôi mừng lắm, nhưng tìm hiểu ra thì chưa ai được vay vì Nhà nước còn khó khăn nên chưa cấp vốn. Không biết khi nào chúng tôi có thể được vay khoản vay ưu đãi này” – chị Hằng bày tỏ.
Được vay vốn ưu đãi qua NHCSXH để mua nhà ở xã hội, an cư lạc nghiệp không chỉ là mong mỏi của vợ chồng chị Hằng, mà của hàng vạn người thu nhập thấp, nhất là những công nhân, viên chức trẻ. Chính vì thế, bên cạnh việc ngóng các dự án, thì “khi nào được vay tiền” là một vấn đề được quan tâm hàng đầu.
Được vay vốn ưu đãi qua NHCSXH để mua nhà ở xã hội sẽ giúp hàng nghìn gia đình thực hiện giấc mơ an cư. (ảnh minh họa) |
Có thể vay tiền trước, gửi tiết kiệm sau
Xác định rõ chương trình cho vay mua/thuê mua nhà ở xã hội là chương trình có tính nhân văn cao, được cả xã hội mong đợi, nên ngay sau khi Luật Nhà ở và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định NHCSXH thực hiện cho vay chương trình này, NHCSXH đã tiến hành các bước chuẩn bị để sẵn sàng thực hiện cho vay ngay khi Chính phủ cấp vốn thực hiện chương trình.
Ông Nguyễn Văn Lý – Phó Tổng Giám đốc NHCSXH – cho biết: “Hiện Chính phủ cơ cấu cho NHCSXH 500 tỷ đồng để thực hiện chính sách quan trọng và có tính nhân văn này, NHCSXH cũng huy động 500 tỷ đồng nữa, ngoài ra nhiều địa phương cũng có kế hoạch ủy thác cho vay chương trình này. Năm 2018 tới, NHCSXH sẽ chính thức cho vay mua/thuê mua nhà ở xã hội”.
Một nội dung được nhiều người quan tâm là quy định tại khoản 5 Điều 13 Nghị định 100/2015/NĐ-CP: “Khách hàng là hộ gia đình, cá nhân khi vay vốn ưu đãi từ NHCSXH phải thực hiện việc gửi tiết kiệm tại NHCSXH hàng tháng, với thời gian tối thiểu 12 tháng và mức gửi theo quy định của bên cho vay”. Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lý cho biết, để thực hiện quy định này, NHCSXH có hai phương pháp: Thứ nhất, cho vay rồi mới thực hiện gửi tiết kiệm; Thứ hai, gửi tiết kiệm rồi mới cho vay.
“Trước mắt, chúng tôi đưa ra sản phẩm vay rồi mới gửi tiết kiệm. Sau này, khi chủ động về vốn mỗi năm, NHCSXH sẽ thực hiện sản phẩm tiết kiệm rồi mới cho vay. Hai phương pháp này đều đúng luật. Khách hàng gửi tiết kiệm cần xác định rõ, hoạt động tiết kiệm này không phải tiết kiệm lấy lãi, mà thực chất là hoạt động thực hành tiết kiệm của người vay vốn nhằm tạo vốn tự có tham gia vào trong dự án vay vốn” - – ông Nguyễn Văn Lý nói.
Trước thông tin này, chị Nguyễn Thị Hằng chia sẻ: “Chúng tôi rất vui vì tất cả các đối tượng đủ điều kiện đều được quyền xem xét cho vay, dù việc vay trước hay vay sau thì còn phải chấm điểm để xét thứ tự ưu tiên, được thực hiện bởi chính quyền địa phương. Như thế, vợ chồng chúng tôi ước tính, nếu mua nhà ở xã hội từ tiền vay NHCSXH, với chính chi phí thuê nhà hiện giờ, sau khoảng hơn 10 năm chúng tôi sẽ có được căn nhà của chính mình không phải lo lắng vay mượn. Chúng tôi và hàng ngàn công nhân như chúng tôi thực sự rất mong chờ”.