Nhận được món quà tặng là bộ nồi nấu ăn của một ngân hàng do tham gia giao dịch nhận kiều hối, bà Mai - cán bộ về hưu ở quận Tân Bình, TP HCM khá vui vẻ vì coi như "lộc đầu năm 2017". Bà Mai cho biết có con trai đang làm việc tại một công ty ở Mỹ nên năm nào gần đến Tết Nguyên đán cũng được con gửi về vài nghìn USD chi tiêu mua sắm.
Các món quà tặng tuy giá trị không quá lớn nhưng được xem như là một trong những chiêu để các ngân hàng thu hút khách hàng gửi và nhận kiều hối dịp cuối năm. Theo đó, từ 19/12/2016 đến 20/2/2017, BIDV áp dụng với mỗi giao dịch nhận tiền qua hệ thống Western Union (WU) có giá trị lớn hơn hoặc bằng 200 USD (hoặc tiền tệ khác quy đổi tương đương), khách hàng được nhận ngay quà tặng trị giá 30.000 đồng mỗi giao dịch.
Công ty Kiều hối Đông Á (của Ngân hàng Đông Á) thì công bố giải thưởng bằng vàng cho khách bốc thăm may mắn. SCB thì tặng tiền trực tiếp kèm các phong bao lì xì. Trong khi đó Sacombank rao giải thưởng là những chuyến du lịch nước ngoài.
Trao đổi với VnExpress, Đại diện Công ty Kiều hối Đông Á cho biết tổng doanh số chuyển về thông qua đơn vị này tính đến nay đạt khoảng 1,43 tỷ USD, vượt năm 2015 khoảng 5%. Doanh số vẫn tập trung nhiều tại thị trưởng chủ lực là Mỹ (42%), tiếp đến là châu Á (34%). "Dự kiến lượng kiều hối trong mùa Tết Nguyên đán sẽ tăng từ 20 đến 25%", vị đại diện nói.
Tại Công ty Kiều hối Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín, doanh thu chi trả kiều hối năm nay cũng khá khả quan, dao động trong khoảng 1,5 tỷ USD. "Dịp sát Tết, lượng kiều hối sẽ tăng cao nên ngân hàng cũng có nhiều chính sách để thu hút khách gửi và nhận", đại diện Sacombank nói.
Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM cho rằng hiện nay cơ chế chuyển nhận kiều hối rất thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Theo đó, người nhận và chuyển kiều hối không phải đóng thuế thu nhập cá nhân hay bất cứ khoản phí nào, linh hoạt nhận rồi gửi vào tài khoản hoặc chuyển đổi ra tiền mặt,...
Theo Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP HCM, đến cuối tháng 12/2016, kiều hối chuyển về địa bàn ước đạt hơn 5 tỷ USD, chiếm 58% tổng doanh số kiều hối của cả nước (năm ngoái kiều hối thành phố chỉ chiếm 47% cả nước).
Trong đó, riêng tháng cuối năm 2016, kiều hối chảy mạnh về Việt Nam, tăng hơn 700 triệu USD, do các kiều bào cũng như lao động ở nước ngoài có nhu cầu chuyển tiền về cho thân nhân trong nước chi tiêu dịp Tết dương lịch cũng như Tết Nguyên đán sắp tới.
Theo ông Minh, từ năm 2013, với sự ổn định của tỷ giá, lượng kiều hối chuyển về được bán lại cho ngân hàng chiếm tỷ lệ khá cao, từ 20 đến 35%. Riêng trong năm 2016, tỷ lệ này đạt trên 35% và hiện xu hướng này vẫn được duy trì.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM cho biết, năm qua, tỷ lệ kiều hối chảy vào sản xuất, kinh doanh chiếm khoảng trên 70%; vào bất động sản chiếm khoảng 20%, còn lại là các hoạt động khác như chi tiêu của người thân, gia đình... Ông Minh cho biết thêm, hiện nay thị trường trọng điểm vẫn là châu Âu và Mỹ, chiếm hơn 82% kiều hối chuyển về Việt Nam.
Về tình hình năm 2017, một số ý kiến nhận định kiều hối sẽ có sự chững lại hoặc tăng trưởng không mạnh do một số nguyên nhân sau. Trước hết là việc thay đổi, điều chỉnh chính sách kinh tế tại Mỹ - thị trường trọng điểm, chiếm doanh số kiều hối lớn nhất về Việt Nam. Ngoài ra, sự điều chỉnh về các chính sách quản lý nguồn lao động gắt gao hơn tại một số nước châu Á - thị trường thu hút lượng lớn người lao động Việt Nam, hay sự sụt giảm mạnh của giá trị đồng nội tệ so với USD tại một số quốc gia trên thế giới cũng là yếu tố ảnh hưởng.