Có thể nói năm 2016 là năm mà các cơ quan kiểm lâm và các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD) đạt nhiều thành quả trong việc giảm số lượng gấu nuôi nhốt trái phép tại các cơ sở. Thế nhưng, công cuộc chấm dứt “ngành công nghiệp” chích hút mật gấu vẫn còn nhiều điểm vướng vì luật.
Còn khoảng 1.200 cá thể gấu bị nuôi nhốt
Sau hơn mười năm nỗ lực, hiện nay số lượng gấu nuôi nhốt tại các cơ sở đã giảm từ 4.300 cá thể vào năm 2005 xuống còn khoảng 1.200. Tình trạng tiêu thụ mật gấu cũng đã giảm mạnh, khoảng 61% so với thời điểm năm 2010. Nhìn lại những năm 90 của thế kỷ trước, trong khoảng thời gian này tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật bùng phát tại Việt Nam. Cả 2 loài gấu thường bị săn bắt từ tự nhiên và bán cho các cơ sở nuôi nhốt để chích hút lấy mật và cung cấp cho thị trường. Nhiều người dân Việt Nam, đặc biệt là những người lớn tuổi tin rằng mật gấu là “thần dược” có thể chữa trị được nhiều vấn đề sức khỏe, thậm chí cả bệnh ung thư.
Năm 2005, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Hiệp hội Bảo vệ động vật thế giới (hiện nay được gọi là Tổ chức Bảo vệ động vật thế giới) tiến hành chương trình đăng ký và gắn chíp quản lý gấu. Đây là dấu mốc đầu tiên trong những nỗ lực chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu tại Việt Nam. Mục tiêu của việc đăng ký và gắn chíp cho gấu tại các trang trại là từng bước chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu bằng cách ngăn chặn các cá thể gấu mới phát sinh tại những cơ sở này. Khoảng 4.300 cá thể gấu đã được đăng ký và gắn chíp quản lý. Kể từ đó, số lượng gấu đã giảm đáng kể.
Mặc dù những kết quả đã đạt được rất đáng tự hào, nhưng thực tế cuộc đấu tranh bảo vệ ĐVHD cho thấy vẫn cần tập trung chấm dứt tàn dư của “ngành công nghiệp” chích hút mật gấu, đóng cửa tất cả các cơ sở nuôi nhốt gấu cũng như chuyển giao những cá thể gấu đang bị nuôi nhốt có nguồn gốc bất hợp pháp về các trung tâm cứu hộ và bảo tồn. Việc chấm dứt hoàn toàn “ngành công nghiệp” này có ý nghĩa vô cùng quan trọng để đảm bảo sự tồn tại và phục hồi của các quần thể gấu trong tự nhiên tại Việt Nam.
Luật không điều chỉnh
Tuy nhiên, để thực hiện được mong muốn này cũng không phải dễ dàng vì trên thực tế, đối mặt với tình trạng nuôi nhốt gấu trái phép, ngay chính các cơ quan kiểm lâm cũng còn nhiều vướng mắc trong cách giải quyết. Thêm vào đó những bất cập từ hành lang pháp lý về vấn đề này. Cụ thể, trong một hội thảo do Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) tổ chức với sự tham gia của một số Chi cục kiểm lâm vào tháng 11/2016 tại Hà Nội, rất nhiều thắc mắc đã được đặt ra.
Ai cũng hiểu rằng cần tăng cường giám sát các cơ sở nuôi nhốt gấu nhằm thúc đẩy chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu. Nhưng cơ chế giám sát thúc đẩy quá trình này như thế nào, bởi rất khó phát hiện các trường hợp chích hút mật gấu và do đó không nhiều cơ hội để phát hiện các hành vi vi phạm tại các cơ sở nuôi nhốt gấu.
Theo quan điểm của ENV, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở nuôi nhốt gấu không phải là giải pháp duy nhất. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát sẽ gây khó khăn và gia tăng áp lực cho các cơ sở muốn thực hiện hoạt động chích hút mật gấu. Vì vậy cùng với những áp lực khác, các chủ nuôi nhốt gấu sẽ nhận ra rằng hoạt động nuôi nhốt gấu lấy mật không còn là một hình thức kinh doanh đem lại lợi nhuận vì chi phí và rủi ro cao (khi các cơ quan chức năng thường xuyên sát sao theo dõi) trong khi giá thành mật gấu giảm mạnh.
Bên cạnh đó, thông qua quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng có thể xác nhận số lượng gấu thực tế tại các cơ sở, ngăn chặn tình trạng vận chuyển gấu trái phép cũng như đảm bảo chủ nuôi nhốt gấu phải thông báo ngay khi có gấu chết và tiêu hủy theo đúng quy định pháp luật. Đại diện nhiều cơ quan kiểm lâm cho rằng, trong quá trình trao đổi với một số chủ nuôi nhốt gấu, họ sẵn sàng chuyển giao gấu cho Nhà nước nếu nhận được khoản tiền bồi thường cho việc chăm sóc các cá thể gấu nhiều năm qua. Tuy nhiên, các cá thể gấu đều có nguồn gốc bất hợp pháp từ tự nhiên. Việc bồi thường một khoản tiền có phải là giải pháp hợp lý để những người này chuyển giao lại gấu cho Nhà nước?
Theo ENV, việc bồi thường một khoản tiền cho chủ nuôi nhốt gấu tuyệt đối không phải là một giải pháp. Tất cả các cá thể gấu hiện đang bị nuôi nhốt tại các cơ sở đều có nguồn gốc bất hợp pháp và do đó các chủ nuôi nhốt gấu không có quyền sở hữu chúng hay nhận đền bù vì bỏ công chăm sóc. Họ nên thấy may mắn vì Nhà nước đã đối xử khoan hồng đối với hành vi mua bán trái phép loài ĐVHD được pháp luật bảo vệ, một vi phạm nghiêm trọng theo quy định của pháp luật hình sự. Họ không phải là những người dân vô tội! Họ đã khai thác loài ĐVHD được bảo vệ để kiếm lời.
Và giờ đây, khi “ngành công nghiệp” trái phép này không còn sinh lợi, họ lại trông chờ Nhà nước trả tiền để chấm dứt?!). Thực tế cũng cho thấy, có rất nhiều trường hợp tự nguyện chuyển giao gấu cho Nhà nước mà không yêu cầu bồi hoàn khi chủ cơ sở nuôi nhốt gấu nhận ra nuôi nhốt gấu lấy mật đang trên đà suy thoái.
Như đã nói ở trên, những bất cập từ hành lang pháp lý cũng là một phần của vấn đề. Các cơ quan kiểm lâm đặt câu hỏi rằng “pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể về việc giải quyết trường hợp gấu mới sinh tại các cơ sở nuôi nhốt gấu, thì liệu những nỗ lực chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu có trở nên vô nghĩa khi cá thể gấu mới sinh được cho phép tiếp tục nuôi nhốt tại các cơ sở đó?”. Theo ENV, đúng là hiện không có những quy định cụ thể điều chỉnh vấn đề gấu mới sinh tại các cơ sở nuôi nhốt gấu.
Trước đây, các chủ cơ sở phải trao trả gấu mới sinh cho Nhà nước trong vòng 1 năm kể từ khi cá thể này được sinh ra, nhưng quy định này đã bị bãi bỏ trong văn bản hiện hành. Quyết định số 95/2008/ QĐ-BNN đã thực sự tạo ra một khoảng trống pháp lý gây khó khăn cho những nỗ lực nhằm chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu tại Việt Nam. Tuy nhiên, các quy định hiện hành cũng nghiêm cấm việc chủ cơ sở luân chuyển hoặc bán gấu mới sinh tại cơ sở.
Câu trả lời của ENV gợi nhớ đến hai vụ việc trong năm 2016 khi chủ nuôi gấu bán gấu con được sinh ra tại cơ sở của họ đến các cơ sở khác hoặc cho những đối tượng buôn bán ĐVHD. Hai vụ việc này là những bằng chứng cho thấy công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan kiểm lâm địa phương chưa thực sự hiệu quả. Nếu việc kiểm tra, giám sát được thực hiện một cách hiệu quả, tình trạng mua bán gấu mới sinh sẽ không diễn ra.