Bước chuyển trong 'cuộc chiến' bảo vệ động vật hoang dã

(PLO) - Ngày 7/12, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã chứng kiến quá trình chuyển giao một cá thể gấu ngựa chưa gắn chíp cho Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội. Trước đó, nhiều trường hợp nuôi nhốt gấu bất hợp pháp khác trên địa bàn Hải Dương,  Đắk Lắk… cũng được phát hiện nhờ tin báo của người dân tới ENV. 
Bước chuyển trong 'cuộc chiến' bảo vệ động vật hoang dã

Có thể khẳng định, đây là một tín hiệu tích cực, ghi nhận sự nỗ lực bền bỉ trong công tác tuyên truyền, thay đổi suy nghĩ người dân về bảo vệ động vật hoang dã.

Những nỗ lực bước đầu hiệu quả

Theo đó, ngày 26/10, từ đường dây nóng 1800-1522 của ENV, người dân đã thông báo hiện tượng một hộ gia đình tại huyện Gia Lộc (tỉnh Hải Dương) hiện đang nuôi nhốt cá thể gấu ngựa. Chỉ một ngày sau khi nhận được thông tin này, một đoàn kiểm tra gồm Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hải Dương phối hợp cùng Phòng cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Hải Dương đã có mặt để tiến hành xác thực thông tin. 

Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã xác nhận gia đình này đang nuôi nhốt một cá thể gấu ngựa nặng khoảng 100kg. Khai thác bước đầu, chủ hộ cho biết, cá thể gấu này đã được mua ở Quảng Ninh và nuôi từ năm 2008 nhưng chưa đăng kí gắn chíp. Trước đó, vào ngày 5/12, một chủ trại gấu tại Đắk Lắk cũng đã tự nguyện chuyển giao 6 cá thể gấu ngựa (đã được đăng ký quản lý và gắn chíp) cho cơ quan chức năng sau thời gian dài nuôi nhốt. 

Sau khi nhận được tin báo qua đường dây nóng, ENV đã liên lạc với chủ gấu và làm việc chặt chẽ với cơ quan chức năng địa phương để thúc đẩy quá trình chuyển giao. Đây là một trong rất nhiều trường hợp tự nguyện chuyển giao gấu đáng được tuyên dương. Ghi nhận sự vào cuộc nhanh chóng và kịp thời của các cơ quan chức năng, bà Nguyễn Thị Phương Dung - Phó Giám đốc ENV cho biết: “Hoạt động nuôi nhốt gấu không những không đem lại lợi ích cho người dân mà còn là gánh nặng quản lý nhà nước. Việc chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu tại Việt Nam là một nhu cầu tất yếu. Chính vì vậy, việc tịch thu mọi cá thể gấu bất hợp pháp không những là hành động thực thi pháp luật kiên quyết mà còn đảm bảo nhanh chóng chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật tại Việt Nam”.

Cuộc chiến dai dẳng và thầm lặng

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2005, có hơn 4.300 cá thể gấu được phát hiện nuôi nhốt tại các trang trại trên cả nước. Hầu hết những cá thể gấu này đều bị săn bắt từ tự nhiên và bán cho các trang trại nhằm đáp ứng nhu cầu cung ứng, tiêu thụ mật. Những năm 2000 - 2002 là thời “hoàng kim” của các đối tượng nuôi nhốt và kinh doanh mật gấu. Giá thành mật gấu giao dịch ngầm cao chót vót, trên dưới 250.000 đồng/cc.

Nguồn lợi từ việc khai thác mật quá lớn nên mỗi cá thể gấu có giá hàng trăm triệu đồng. Người ta đua nhau nuôi gấu và không ít trường hợp xây biệt thự, sắm xe hơi nhờ nuôi gấu và bán mật. Tuy nhiên, đến thời điểm này, giá mật gấu chỉ còn 20.000 – 80.000 đồng, thậm chí 12.000 đồng/cc. Tuy nhiên, tính đến đầu năm 2015, số lượng này giảm 72%, chỉ còn khoảng 1.250 cá thể gấu bị nuôi nhốt trong các trang trại trên cả nước. 

Nhưng vấn đề đáng nói là khi giá mật gấu “chạm đáy” bởi nhiều người cho rằng, kiểu nuôi nhốt và khai khác mật vô tội vạ không đảm bảo chất lượng, thiếu an toàn cho người sử dụng và không thật sự chữa được bệnh như quảng cáo, khiến việc nuôi nhốt gấu hầu như không sinh lợi, thì không ít chủ cơ sở bỏ mặc hoặc chăm sóc gấu một cách ngược đãi. Sự ngược đãi này xuất phát từ tâm lý muốn với cơ quan chức năng để có một khoản tiền hỗ trợ.

“Vẫn còn hơn 1.000 cá thể gấu đang bị nuôi nhốt tại các trang trại. Hầu hết các cá thể này đều có nguồn gốc từ tự nhiên. Tuy nhiên, với cam kết và những thành tựu các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân đã đạt được trong 10 năm qua, chúng tôi tin rằng tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật sẽ sớm chấm dứt hoàn toàn ở Việt Nam” - bà Nguyễn Thị Phương Dung chia sẻ.

Khách quan nhìn nhận, trong suốt 10 năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong cuộc chiến chống lại nạn săn bắt và buôn bán trái phép động vật hoang dã. Trong đó, dư luận cũng đặc biệt ghi nhận các nỗ lực đã được triển khai nhằm tăng cường thể chế, chính sách về bảo vệ động vật hoang dã, những loài nguy cấp, quý, hiếm. Khắc phục những “lỗ hổng” pháp lý, nâng cao khung hình phạt và cải tiến khung pháp lý.

Ngoài ra, chuyển biến đáng ghi nhận nhất là ý thức của người dân về vấn đề bảo vệ động vật hoang dã ngày càng được nâng cao. Minh chứng rõ nhất là, chỉ tính riêng trong ba năm trở lại đây, số lượng vi phạm về động vật hoang dã được người dân chủ động thông báo đã tăng gấp đôi. Nhiều cuộc gọi theo đường dây nóng của ENV được sớm ghi nhận và can thiệp.

Nhờ những chuyển biến ý thức này, lực lượng chức năng đã khám phá và bắt giữ nhiều vụ buôn bán trái phép động vật hoang dã với quy mô lớn, triệt phá thành công nhiều vụ vận chuyển trái phép trên khu vực cảng, biên giới.